Tại một số vùng trũng thấp bị ngập nước ở các huyện Châu Thành, Châu Thành A (Hậu Giang), người dân đã tận dụng thời gian đồng ruộng bị ngập nước để trồng các loại rau màu phù hợp như ấu sừng trâu, rau nhút, sen và súng.
Ông Trần Quang Hành, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Châu Thành cho biết: Xã Đông Phước ở huyện Châu Thành là vùng trũng thấp, thường bị ngập nước vào mùa lũ. Sau vụ lúa hè thu, người dân không thể tiếp tục làm lúa vụ 3, một số hộ nông dân đã tận dụng thời gian đồng ruộng bị ngập nước để trồng một số loại rau màu thích hợp với đất ngập nước như rau nhút, ấu sừng trâu để tăng nguồn thu nhập. Hiện ở xã có hàng chục hộ dân trồng rau nhút và ấu sừng với diện tích trên 30ha. Năm nay nước lũ lên cao nên các loại rau màu này phát triển mạnh, hứa hẹn đem lại lợi ích kinh tế cao cho một số hộ dân.
Sau vụ lúa hè thu, người dân đắp bờ ruộng, tháo nước vào rồi thả rau nhút, cây ấu. Khi nước lớn và làm ngập phần lớn diện tích ruộng, các loại cây này phát triển nhanh, sau 15 ngày từ khi trồng, rau nhút bò khắp mặt nước, bắt đầu cho thu hoạch. Rau nhút là loại nhanh phát triển nên một tuần thu hoạch một lần, thời gian thu hoạch có thể kéo dài từ 2 đến 3 tháng. Rau được bán cho các thương lái đến thu mua với giá khoảng 5.000 đồng/1kg, cung cấp cho các chợ, quán ăn, nhà hàng ở các tỉnh miền Tây và miền Đông Nam bộ vốn ưa chuộng loại rau này để dùng trong các món canh, lẩu, xào. Với giá này, người nông dân có thể lãi từ 4 đến 5 triệu/1 công đất (1.000m 2 ).
Cây ấu trồng khoảng 3 tháng có thể thu hoạch củ để bán làm thực phẩm, thương lái đến tận ruộng để mua với giá từ 2.500 đến 3.000 đồng/1kg, một lần thu hoạch với số lượng nhiều, thời gian thu hoạch có thể kéo dài trong ba tháng, thu nhập từ 4,5 đến 6 triệu đồng/1 công đất ruộng.
Trồng rau nhút và ấu sừng ít tốn công chăm sóc, ít dùng phân bón và thuốc trừ sâu, giá bán cao và tiêu thụ nhanh vì đây là những loại thực phẩm mang tính đặc trưng chỉ có ở một số vùng miền Tây Nam bộ. Sau khi thu hoạch, thân ấu và phần rau nhút còn lại tự phân hủy làm nguồn dinh dưỡng cho ruộng để người dân bắt đầu vào vụ lúa đông xuân.
Ở một số nơi khác, người dân cũng đã trồng sen và súng trên ruộng bị ngập nước để thu hoạch, thân hoa súng làm thực phẩm, thu hoạch hoa sen và hạt sen để bán cho thương lái, tạo nguồn thu nhập cho gia đình trong mùa lũ./.
Nguyễn Xuân Dự