Những “bông hoa” cuối cùng được bắn lên bầu trời mọi người bắt đầu quay về nhà để tận hưởng năm mới ấm cúng bên gia đình cũng là lúc những người lao công lặng lẽ xuất hiện, hối hả dọn dẹp tàn dư của một ngày sôi động để trả lại cho sự sạch sẽ cho phố phường.
Thật ra, sự xuất hiện của những công nhân lao động thuộc Xí nghiệp công trình công cộng (thị xã Đồng Xoài, Bình Phước) đã phải làm việc từ trước đêm giao thừa. Nhưng vào cái thời khắc nhộn nhịp và đông đúc ấy, chẳng mấy ai để ý đến sự có mặt ầm thầm và lặng lẽ của những người đang làm đẹp cho phố phường.
Nhẹ nhàng và nhanh thoăn thoát tiếng chổi tre của chị Vũ Thị Rựu (47 tuổi) vang lên âm thanh xào xạc đặc biệt sau đêm giao thừa. 12 năm nay, giao thừa với chị là ở trên các tuyến đường. Đêm giao thừa nào chị cũng vậy, chị vẫn cùng đồng nghiệp làm những công việc âm thầm nhưng lại mang một ý nghĩa không nhỏ, giúp người dân có được một cái tết thoải mái, trong lòng. Chị tâm sự, khi chị vào nghề cả gia đình đều can ngăn, nhưng khi thấy việc chị làm là có ích nên ai nấy đều mến phục, đặc biệt là con chị, mặc dù đang học đại học nhưng những ngày được nghĩ lễ thường chia sẽ công việc với mẹ.
Theo chị Rựu, đã chọn nghề, yêu nghề thì khổ cực mấy chị cũng vượt qua miễn là mình làm có ích cho xã hội và được mọi người đồng cảm sẽ chia. Thế nhưng hiện nay một số ít người dân không cảm thông cho nỗi vất vã, nặng nhọc của chúng tôi mà còn có những hành động không đẹp như nhổ nước bọt trước mặt mỗi khi gặp chúng tôi làm, ném rác bừa bãi, hay văng những câu nói thô thiển, xúc phạm...Vì thế, để hoàn thành tốt công việc được giao, những anh chị lao công không chỉ có chịu cực, chịu khổ mà còn phải kìm nén lòng mình để chịu... nhục.
Từ 23 giờ 30 phút, trong khi mọi người dân đang tận hưởng thời khắc chuyển giao năm mới bên cạnh gia đình, người thân, thì chị Trần Thị Hồi (48 tuổi), Đội phó đội vệ sinh môi trường cùng những công nhân thuộc Xí nghiệp công trình công cộng lại chuẩn bị công việc cho ngày mới như bao ngày khác. Công việc tuy vất vả nhưng trên khuôn mặt của chị luôn rạng rỡ nụ cười. Chị Hồi chia sẽ: “Công việc của chúng tôi không có tết, không có giao thừa, bởi những ngày Tết lượng rác người dân thải ra ít nhất cũng gấp 3 đến 4 lần so với ngày thường, do đó chúng tôi phải cật lực mới dọn sạch được...
Vất vả thật, nhưng nghĩ mình làm được việc có ý nghĩa, góp phần làm sạch các nẻo đường, tạo môi trường trong lành nên thấy cũng vui". Chị Hồi cho biết, cuối năm là dịp để người dân "tổng vệ sinh" nên nào là chăn, mùng, mền, gường, chiếu, quần áo...rồi đầu năm nào là hoa, quả, thức ăn ôi thối, dư thừa...tất cả đều đổ ra đường. Và vì thế nếu bình thường mỗi công nhân phải gom từ 3 đên 4 xe rác, thì những ngày tết tăng lên 10 đến 12 xe. Theo chị Hồi, để hoàn thành công việc, chị em ở đây tất cả đều phải có mặt, nếu làm không xong thì phải tăng thêm giờ.
Còn chị Bùi Thị Thu (47 tuổi), khi Xí nghiệp công trình công cộng thành lập (1997) cũng là ngần nấy năm chị Thu gắn bó với công việc vệ sinh môi trường. Chồng chị mất sớm, một mình chị tần tảo nuôi 2 đứa con ăn học nay đã lên cấp II. Thật cảm động khi nghe chị chia sẽ: "Không may chồng tôi qua đời, tôi lại phải làm ca đêm, nhà không có cha, từ khi sinh ra các con tôi đón giao thừa đều không có mẹ, nghĩ mà cũng chạnh lòng, nhưng công việc của mình thì mình phải thực hiện cho tốt. Rồi tự nhủ lòng, xong việc mẹ sẽ về với các con thôi!”.
Công việc của các chị trong những ngày tết, đêm giao thừa lại càng vất vả, bởi tại các điểm buôn bán, dọc trên các tuyến đường, ngỏ hẻm rác thải mỗi lúc một nhiều. Họ miệt mài, âm thầm lặng lẽ với công việc mà không một tiếng than phiền. Các tuyến đường càng về khuya lại trở nên vắng vẻ, trời trở nên se lạnh, quần áo của họ đã thấm đẫm vì mồ hôi nhưng nhiều chị em vẫn mải miết làm. Tôi nhìn đồng hồ đã 1 giờ 30 phút sáng, thế nhưng những tiếng chổi tre vẫn xào xạc trên khắp nẻo đường, bước chân của những người lao công vẫn không ngừng bước. Sau khi thu dọn hàng chục tấn rác thải đâu vào đó, các chị mới trở về nhà thì đã 7 giờ sáng.
Đậu Tất Thành