Hàng vạn cán bộ, chiến sỹ đã và đang xông pha nơi tuyến đầu chống dịch hay cần mẫn ngày đêm hỗ trợ cuộc sống người dân càng tô thắm thêm hình ảnh cao đẹp của “anh Bộ đội Cụ Hồ” và truyền thống tốt đẹp của đội quân “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân phục vụ”.
Bài 1: Muôn nẻo đường trên các mặt trận
Trước tình hình dịch COVID-19 phức tạp tại khu vực phía Nam, nhất là TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An… Bộ Quốc phòng, cũng như các quân khu, quân đoàn đã nhanh chóng tổ chức lực lượng, chi viện cho các địa phương thực hiện công tác phòng, chống dịch. Cùng với sự tham gia, hỗ trợ trước đó, quân đội đã góp phần quan trọng trên “trận tuyến” phòng, chống dịch COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh, với mong muốn sớm kiểm soát dịch bệnh, mang lại điều tốt đẹp cho nhân dân.
Chi viện kịp thời
Từ 0h ngày 23/8, TP Hồ Chí Minh triệt để thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg với tinh thần “ai ở đâu thì ở đó”. Trong ngày 23/8, hơn 1.000 cán bộ, y bác sỹ, học viên quân y từ nhiều đơn vị quân đội tại các tỉnh phía Bắc đã lên đường cấp tốc vào chi viện cho Thành phố. Cùng với lực lượng quân y, khoảng một vạn cán bộ, chiến sỹ bộ binh đã được tăng cường, bổ sung nguồn lực cho Thành phố trong cuộc chiến với COVID-19.
Trước đó, ngay từ giữa tháng 7, Quân khu 7 đã huy động tăng cường hơn 1.200 cán bộ, chiến sĩ các đơn vị chủ lực đến hỗ trợ phòng, chống tại những “tâm dịch” ở tỉnh Bình Dương, TP Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai. Tại các “điểm nóng”, cán bộ, chiến sỹ tập trung hỗ trợ các địa phương về hoạt động tuần tra, canh gác, giữ gìn an ninh trật tự; kiểm dịch tại chốt; phục vụ, điều trị tại các khu cách ly, phong tỏa, bệnh viện dã chiến; lấy mẫu xét nghiệm; phân luồng giao thông...
Thượng tướng Võ Minh Lương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ tại TP Hồ Chí Minh cho biết, trong đợt dịch lần thứ 4, ngay từ đầu, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã quán triệt nghiêm sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19; tập trung chỉ đạo các đơn vị toàn quân chủ động xây dựng kế hoạch, chuẩn bị các phương án, lực lượng, phương tiện, cơ sở vật chất theo phương châm “sớm hơn và cao hơn một bước”.
Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc, sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phải xác định chống dịch là nhiệm vụ chiến đấu của Quân đội trong thời bình; là nhiệm vụ chính trị hàng đầu trong tình hình hiện nay. Bất luận trong hoàn cảnh nào, Quân đội cũng phải là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong phòng, chống dịch bệnh; giúp các địa phương tháo gỡ khó khăn, ổn định đời sống nhân dân, hạn chế đến mức thấp nhất tác động tiêu cực do đại dịch gây ra.
Tại địa bàn Quân khu 7, Thiếu tướng Đặng Văn Hùng, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu 7 cho biết, thực hiện đợt cao điểm, Quân khu chỉ đạo quán triệt thực hiện tốt phương châm “3 sẵn sàng”, “5 tại chỗ” và phối hợp chặt chẽ với các địa phương tổ chức sử dụng lực lượng, phương tiện phù hợp. Các đơn vị lựa chọn những đồng chí có phẩm chất, trình độ, chuyên môn và giáo dục, bồi dưỡng kỹ năng, phương pháp phòng, chống dịch, chăm lo công tác chính sách, bảo đảm tốt cơ sở vật chất. Vì vậy, 100% cán bộ, chiến sỹ đều xác định làm tốt nhiệm vụ.
Với chủ trương trên, Bộ Tư lệnh TP Hồ Chí Minh đã chủ động xây dựng các phương án cụ thể để sẵn sàng đối phó với các cấp độ dịch cao hơn; tiếp tục thực hiện tốt phương châm “5 tại chỗ” (lực lượng; chỉ huy; vật tư, trang thiết bị; thuốc men, sinh thiết bị và nhiệm vụ tại chỗ). Cùng với đó, các đơn vị quân đội thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp; phát huy sáng kiến, cải tiến, những cách làm sáng tạo, hiệu quả, kiên quyết không để dịch bệnh lây lan vào cơ quan, đơn vị và góp phần ngăn chặn, khống chế, từng bước kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh trên địa bàn.
Đại tá Phạm Văn Rậm, Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh TP Hồ Chí Minh cho biết, Bộ Tư lệnh thường xuyên quan tâm chăm lo tốt đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, chiến sỹ, nhất là những đồng chí trực tiếp làm nhiệm vụ phòng chống dịch, gia đình cán bộ, chiến sỹ có hoàn cảnh khó khăn. Huy động nguồn lực tại chỗ của đơn vị, vận động các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm và phối hợp chặt chẽ với các đơn vị Quân đội, các ban, ngành, đoàn thể chăm lo kịp thời cho nhân dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.
“Lực lượng vũ trang thành phố tin tưởng rằng, với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đúng đắn, hiệu quả của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, sự đồng tâm, nhất trí, nỗ lực của nhân dân, TP Hồ Chí Minh sẽ kiểm soát, khống chế, ngăn chặn, đẩy lùi dịch COVID-19”, Đại tá Phạm Văn Rậm tin tưởng.
Hiện diện trên mọi nẻo đường
Tính đến 29/8, TP Hồ Chí Minh đã tiếp nhận gần 11.200 chiến sỹ, y bác sỹ, bộ đội thuộc Bộ Quốc phòng và các quân khu. Những ngày qua, bất kể nắng mưa, đêm tối, bộ đội luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ tại các chốt kiểm dịch, khu cách ly, phong tỏa. Mới đây, Quân khu 7 còn huy động hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ và nhiều phương tiện, khí tài tổ chức chiến dịch phun thuốc khử khuẩn quy mô lớn tại các vùng tâm dịch và bảo đảm cơ sở tiếp nhận cách ly tập trung hơn 4.000 người/ngày.
Chủ động “đương đầu” với dịch bệnh, Đảng ủy Quân khu 7 ra Chỉ thị về mở chiến dịch cao điểm giúp nhân dân vượt qua đại dịch. Theo Trung tướng Trần Hoài Trung, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu 7, Quân khu chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phải có kế hoạch và thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức phù hợp với diễn biến của dịch, đồng thời thực hiện tốt chủ trương “Đơn vị, địa phương tuyến sau hỗ trợ đơn vị, địa phương tuyến trước; ngoài vùng dịch giúp đỡ trong vùng dịch; vùng có dịch ít giúp đỡ vùng có dịch nhiều”. Điều này đã phát huy thế mạnh của từng cơ quan, đơn vị để hỗ trợ lẫn nhau.
Những vùng “tâm dịch”, các đơn vị tổ chức nhiều mô hình hiệu quả, như: “ATM gạo nghĩa tình”, “Gian hàng 0 đồng”, “Cửa hàng 0 đồng lưu động”... để hỗ trợ người dân. Tại TP Hồ Chí Minh, Cục Chính trị Quân khu 7 phối hợp với một số đơn vị tổ chức các “Gian hàng lưu động 0 đồng” tặng nhu yếu phẩm thiết yếu tới người dân với tổng trị giá gần 1 tỷ đồng. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bình Dương tổ chức “Cây ATM gạo quân-dân”, “Gian hàng 0 đồng”... trợ giúp người nghèo với tổng trị giá 2,4 tỷ đồng...
Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, Bộ Tư lệnh TP Hồ Chí Minh huy động hàng chục nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ, dân quân tham gia thực hiện nhiệm vụ tại các khu cách ly, bệnh viện dã chiến, điểm phong tỏa và chốt, trạm kiểm soát dịch. Không chỉ xung kích tham gia phòng, chống dịch COVID-19, lực lượng vũ trang Thành phố còn phối hợp tổ chức nhiều chương trình thiện nguyện, chăm lo đời sống cho người dân trong các khu vực cách ly, khu phong tỏa; thăm, tặng quà, hỗ trợ lương thực, thực phẩm giúp người dân gặp hoàn cảnh khó khăn...
Trước đó, Bộ Tư lệnh Thành phố phối hợp cùng Sở Y tế Thành phố và các cơ quan chức năng tham mưu thiết lập 69 khu cách ly tập trung với quy mô hơn 25.400 giường. Phối hợp thiết lập 16 bệnh viện dã chiến thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 với quy mô hơn 50.000 giường bệnh.
Bộ Tư lệnh Thành phố phối hợp với các lực lượng kích hoạt 69 chốt, trạm kiểm soát dịch bệnh tại các cửa ngõ ra, vào thành phố. Hiện có gần 350 cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang Thành phố đang thực hiện nhiệm vụ 24/24 giờ tại các chốt, trạm kiểm soát dịch bệnh. Tổ chức lực lượng phối hợp với công an thường xuyên tuần tra bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội và nhắc nhở nhân dân chấp hành nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch.
Việc chủ trì điều hành và bảo đảm phục vụ tại các khu cách ly, bệnh viện dã chiến là nhiệm vụ mới. Tuy nhiên, cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang Thành phố phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, “vì nhân dân quên mình”, không quản ngại khó khăn, gian khổ, hiểm nguy, tận tâm, tận lực phục vụ. Điều này góp phần quan trọng ổn định tình hình, giúp người dân an tâm hoàn thành thời gian cách ly, điều trị và thêm tin tưởng vào chủ trương, chính sách, biện pháp phòng, chống dịch của Đảng, Nhà nước, thành phố.
Bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hồ Chí Minh cho rằng: “Càng trong gian khó, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ càng ngời sáng. Những việc làm cụ thể, nghĩa tình của cán bộ, chiến sỹ kịp thời hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn của đại dịch, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân vào chủ trương chống dịch của thành phố, tạo sức mạnh đoàn kết đẩy lùi dịch bệnh”.
Bài 2: Thắm tình quân dân