Tại các nơi đến, các thành viên trong Đoàn đã tiến hành kiểm tra việc chấp hành các quy định của Nhà nước về an toàn thực phẩm bao gồm hồ sơ hành chính, pháp lý của cơ sở như: Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh/Quyết định thành lập bếp ăn tập thể hoặc giấy tờ tương tự, Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện về an toàn thực phẩm (đối với cơ sở thuộc diện phải có), Giấy chứng nhận sức khỏe, Giấy xác nhận tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm của chủ cơ sở đối với người trực tiếp chế biến thực phẩm và phục vụ ăn uống... Đồng thời, Đoàn tiến hành kiểm tra điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dụng cụ; thực hành vệ sinh cá nhân của nhân viên trực tiếp chế biến, phục vụ ăn uống; quy trình chế biến, bảo quản và vận chuyển thực phẩm. Việc kiểm thực ba bước, lưu mẫu thức ăn tại cơ sở và ghi chép các loại sổ sách theo quy định. Nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng đối với thực phẩm, phụ gia thực phẩm, nguyên liệu dùng để chế biến thực phẩm, nguồn nước sử dụng để chế biến thực phẩm.
Bà Nguyễn Thị Hường, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Ninh Bình cho biết, mục đích của Đoàn là kiểm tra, đánh giá việc tuân thủ các quy định về pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm đối với các doanh nghiệp có tổ chức bếp ăn tập thể cũng như các cơ sở cung cấp suất ăn sẵn cho các bữa ăn cơm ca tại các công ty trên địa bàn. Đồng thời, phát hiện những vi phạm, tồn tại trong việc chế biến, cung cấp suất ăn sẵn đối với bữa ăn cơm ca và xử lý kịp thời những vi phạm nếu có.
Qua công tác kiểm tra, đánh giá những bấp cập trong công tác quản lý an toàn thực phẩm để có những kiến nghị tháo gỡ, sửa đổi, tăng cường nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an toàn vệ sinh thực phẩm; tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện tốt các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, quan tâm đến chất lượng bữa ăn cơm ca, đảm bảo sức khỏe cho người lao động.
Kiểm tra thực tế và làm việc tại 6 công ty, cơ sở cung cấp suất ăn sẵn cung cấp từ trên 100 suất ăn đến hơn 1.000 suất ăn cho công nhân, người lao động, Đoàn kiểm tra đánh giá, các doanh nghiệp có đầy đủ các giấy tờ liên quan theo quy định của Luật An toàn thực phẩm; có đủ các điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ, con người. Thực phẩm có hợp đồng đối với nhà cung cấp (lưu trữ đầy đủ hồ sơ pháp lý; hóa đơn, phiếu giao nhận thực phẩm hàng ngày). Thực phẩm bao gói sẵn có tem nhãn đầy đủ, còn hạn sử dụng. Thực hiện kiểm thực ba bước, lưu mẫu thức ăn theo quy định...
Tuy nhiên, Đoàn cũng nêu ra một số vấn đề cần lưu ý, còn tồn tại để các doanh nghiệp khắc phục, như: Giữ vệ sinh khu sơ chế thực phẩm; đảm bảo công tác vệ sinh đối với cơ sở, trang thiết bị, dụng cụ thực hành vệ sinh cá nhân của người chế biến trực tiếp; kiểm soát về thời gian, có biện pháp bảo quản phù hợp đối với các loại thực phẩm...
Thời gian tới, ngành y tế tỉnh Ninh Bình tiếp tục tăng cường kiểm tra kết hợp thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức, pháp luật về an toàn thực phẩm, nâng cao nhận thức và ý thức của đại diện doanh nghiệp, người lao động và cộng đồng trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, không để xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh.