Theo lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Thuận, việc quản lý thực hiện các khoản thu, chi ngoài quy định của Nhà nước trong các trường (đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập) chủ yếu được hình thành theo nguyên tắc thỏa thuận với phụ huynh học sinh, như các loại quỹ: Quỹ hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp, trường; in sao đề, giấy kiểm tra; nước uống, vệ sinh; ghế ngồi chào cờ; đồng phục học sinh; dạy tiếng Anh; dạy thêm, học thêm; xã hội hóa giáo dục; tài trợ, ủng hộ…
Về yêu cầu bắt buộc cơ bản, các trường phải có sự trao đổi, thỏa thuận với phụ huynh học sinh thông qua các cuộc họp lớp, Ban đại diện cha mẹ học sinh của trường để được đồng thuận vào đầu năm học.
Một số khoản thu, chi thể hiện bằng kế hoạch công tác liên quan và có hạch toán rõ ràng nhu cầu cần đến nguồn lực tài chính để cha mẹ học sinh được biết và có ý kiến để thống nhất thực hiện theo đúng Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Tuy nhiên qua thanh tra cho thấy, nhiều cơ sở giáo dục vẫn để xảy ra tình trạng vi phạm quy định của Thông tư 55 về quỹ hoạt động Ban đại diện cha mẹ học sinh, như trường: THPT Nguyễn Trãi; THPT Nguyễn Du; THCS Lý Tự Trọng; THCS Nguyễn Thị Minh Khai; THCS Phan Đình Phùng; TH Thành Hải; TH Thanh Sơn…
Một số trường tuy không hình thành quỹ hoạt động Ban đại diện cha mẹ học sinh (theo Thông tư 55), nhưng tự ý vận động từ cha mẹ học sinh để hình thành quỹ có tên gọi khác (không được cấp có thẩm quyền quy định bằng văn bản) để hỗ trợ chi cho các hoạt động của nhà trường, như trường: THPT Nguyễn Văn Linh (quỹ lớp); THCS Phan Đình Phùng (quỹ giáo dục toàn dân); Tiểu học Thanh Sơn (quỹ tài trợ giáo dục).
Nhiều khoản thu, chi như: In sao đề, giấy kiểm tra; nước uống, vệ sinh; ghế ngồi chào cờ; đồng phục học sinh; dạy tiếng Anh; dạy thêm, học thêm; xã hội hóa giáo dục; tài trợ, ủng hộ… tuy các trường có thỏa thuận với cha mẹ học sinh nhưng chưa xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể về mục đích, nội dung cân đối thu, chi của từng hoạt động có liên quan trong thực hiện nhiệm vụ của trường mà cần đến sự hỗ trợ, đóng góp thêm nguồn lực của cha mẹ học sinh và các tổ chức.
Đáng nói hơn, có trường thực hiện quy trình thỏa thuận ngược, mang tính áp đặt (từ Ban đại diện cha mẹ học sinh cấp trường của năm học trước thống nhất chủ trương thu, định mức thu các quỹ thỏa thuận, sau đó họp cha mẹ học sinh cấp lớp thông báo mang tính liệt kê các khoản sẽ thu) để lấy ý kiến đồng thuận.
Bên cạnh đó, một số trường xuất hiện tình trạng lạm thu, thu nhiều hơn chi, chi không đúng mục đích dẫn đến kết dư quỹ sau khi kết thúc năm học. Cụ thể như trường: THCS Lý Tự Trọng (năm học 2017-2018, qũy vệ sinh dư hơn 13,6 triệu đồng); THCS Phan Đình Phùng (quỹ vệ sinh dư hơn 2,6 triệu đồng); Tiểu học Thanh Sơn (dư quỹ nước uống hơn 18,5 triệu đồng); Tiểu học Từ Tâm 1 (dư quỹ nước uống hơn 4 triệu đồng).
Đối với quỹ xã hội hóa giáo dục, một số trường như: Tiểu học Thành Hải 1; Tiểu học Văn Hải 2, hình thành quỹ chỉ để hỗ trợ chi khi phát sinh hoạt động của nhà trường, không phù hợp với mục đích, ý nghĩa của công tác xã hội hóa giáo dục theo Thông tư 16/2018/TT-BGDĐT ngày 3/8/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Ông Nguyễn Bá Ninh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Thuận cho biết, đối với các trường kết dư quỹ ở năm học trước (2017-2018), Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu thực hiện việc cân đối lấy thu bù chi, nhằm giảm thu hoặc không thu trong năm học 2018-2019; báo cáo công khai với cha mẹ học sinh.
Không để xảy ra tình trạng hình thành quỹ lớp như trường THPT Nguyễn Văn Linh. Các trường để xảy ra sai phạm cần khẩn trương chấn chỉnh, rút kinh nghiệm trong thực hiện quản lý thu, chi theo nguyên tắc thỏa thuận; đồng thời công khai, dân chủ, minh bạch các hoạt động tài chính theo quy định, đảm bảo tính pháp lý, đúng với điều lệ và quy định của Thông tư 55.
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Thuận đề nghị Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành phố tăng cường công tác kiểm tra các đơn vị trực thuộc thực hiện đúng quy định về các khoản thu, chi; không để xảy ra tình trạng lạm thu; quản lý, phát huy hiệu quả các nguồn lực đóng góp của cha mẹ học sinh, của xã hội cho phát triển giáo dục.