Bờ sông Dinh đoạn qua xã Phước Sơn bị sạt lở nghiêm trọng. |
Theo thống kê của UBND xã Phước Sơn, hiện có 17 hộ dân bị ảnh hưởng do
sạt lở bờ sông Dinh. Trước đó, vào đầu tháng 10/201, mặc dù trời không
mưa nhưng hàng chục mét đất bờ bãi ven sông Dinh bắt đầu sạt lở.
Sự việc lên đến đỉnh điểm vào đầu tháng 11/2016 khi mưa lớn kéo dài, nước lũ trên sông Dinh dâng cao cuốn trôi gần 10.000 m2 đất nông nghiệp của người dân đang trồng táo và hoa màu chuẩn bị cho thu hoạch. Đến nay, sạt lở vẫn đang tiếp diễn khiến người dân rất lo lắng, đoạn soạt lở kéo dài gần 1,5 km, các vách sạt lở dựng đứng, cao từ 3-10 m so với mực nước sông, có đoạn dòng chảy lấn sâu vào đất liền từ 20-30 m.
Ông Lê Văn Thủy, ngụ thôn Phước Thiện 3 cho biết, gia đình ông có hơn 5 sào (5.000 m2 đất đã được cấp sổ đỏ) đất nông nghiệp đang sản xuất ổn định. Vào đầu tháng 11/2016, mưa lũ làm sạt lở hơn 3 sào đất. Mưa lũ cũng cuốn trôi 120 cây táo, 20 cây mãng cầu, 25 cây dừa, 20 cây keo đang cho thu hoạch, các trụ gỗ, máy bơm, vật tư nông nghiệp xuống lòng sông, gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Hiện nay, sạt lở tiếp tục làm sụt đất, kéo dàn táo xuống sông với mức độ ngày càng nghiêm trọng khiến gia đình ông vô cùng lo lắng.
Theo phản ánh của người dân địa phương, nguyên nhân chính gây ra sạt lở
là do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Việt Trung, đơn vị chuyên khai thác
cát (vị trí được phép khai thác cát cách nơi sạt lở khoảng 300 m) đã tự ý
chặn dòng chảy khiến dòng chảy đổi hướng, xói thẳng vào bờ gây sạt lở.
Đổ đá sỏi đoạn chân bờ sông Dinh để tránh tiếp tục sạt lở đất nông nghiệp của các hộ dân. |
Tuy
nhiên, qua kiểm tra, ngành chức năng tỉnh Ninh Thuận đã xác định,
nguyên nhân chính gây ra sạt lở là do việc hình thành bãi bồi như một cù
lao giữa dòng sông, làm thu hẹp lưu vực và thay đổi dòng chảy của sông
dẫn đến đoạn sông bị uốn khúc. Hàng năm, mỗi khi có mưa lũ, lưu lượng
nước lớn, dòng chảy xiết gây ra hiện tượng bào mòn phá hủy phần chân bờ
sông tạo ra hàm ếch, dẫn đến sạt lở đất bờ sông.
Không khẳng định nguyên nhân gây sạt lở đất bờ sông là do doanh nghiệp khai thác cát, tuy nhiên, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Thuận đã yêu cầu doanh nghiệp khai thác cát dỡ bỏ, san gạt các đống sỏi ở phía thượng lưu của mỏ cát; tháo dỡ và không làm đường thi công khai thác cát làm ngăn cản dòng chảy; đổ đá cuội dọc bờ hạn chế sạt lở tạm thời.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam cho biết, trước diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu, đề phòng lũ tiểu mãn vào cuối tháng 5, mùa mưa lũ 2017 có thể gây sạt lở thêm bờ sông Dinh, tỉnh chỉ đạo các ban, ngành, địa phương và doanh nghiệp khẩn trương khắc phục sạt lở; đánh giá tác động môi trường để có mức hỗ trợ kịp thời giúp người dân yên tâm sản xuất.
Tỉnh có kế hoạch xây dựng bờ kè, gia cố vững chắc đoạn bờ sông sạt lở; đồng thời, khơi thông bãi bồi cát phía đối diện khu vực sạt lở và bãi bồi giữa sông để mở rộng lưu vực dòng sông, trả lại dòng chảy cho sông Dinh. Hiện cơ quan chức năng của tỉnh đã cắm biển tại khu vực sạt lở, cấm người và gia súc qua lại để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân.