Cây ươi phải từ 15 - 20 năm mới bắt đầu ra hoa, kết quả
Một ngày trung tuần tháng 4/2024, phóng viên theo chân các cán bộ Kiểm lâm và nhân viên Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai vào rừng kiểm tra quần thể cây ươi đang chuẩn bị vào mùa trái chín. Ngay khu vực cửa vào vùng lõi rừng - nơi được bảo vệ nghiêm ngặt, Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai đã treo một băng rôn lớn với dòng chữ “Nghiêm cấm tất cả mọi hành vi vào rừng khai thác, vận chuyển, mua bán và tàng trữ quả ươi trái phép”. Tại chốt kiểm soát bảo vệ rừng Suối Kốp, lực lượng liên ngành gồm: Hạt Kiểm lâm Khu bảo tồn và huyện Vĩnh Cửu, Công an, dân quân xã luôn có mặt tại vị trí, duy trì quân số để ngăn chặn người dân xâm nhập rừng trái phép.
“Chúng tôi gồm nhiều lực lượng phối hợp cắm chốt tại đây để ngăn chặn các đối tượng xâm nhập rừng trái phép khai thác trái ươi, lâm sản và phòng, chống cháy rừng. Anh em quyết tâm bám chốt bảo vệ rừng”, ông Nguyễn Văn Hùng (cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Vĩnh Cửu) cho biết.
Theo điều tra của Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai, số lượng cây ươi có đường kính từ 40 cm trở lên phân bố trên lâm phần thuộc Khu bảo tồn quản lý là khoảng 7.300 cây; phần lớn tập trung tại các cánh rừng thuộc khu vực Vĩnh An gồm các địa điểm: Trung ương Cục Miền Nam, Suối Kốp, Suối Ràng, Bù Đăng, Đakinde, Bàu Điền. Ngoài ra, cây ươi còn phân bố rải rác tại các khu vực rừng Hiếu Liêm và Mã Đà gồm các địa điểm: Di tích Khu ủy Miền Đông, Cù Đinh, Rang Rang, Suối Linh, Bà Cai, Cây Gùi, Suối Trau.
Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai có tổng diện tích hơn 100.000 ha; trong đó, khu vực phân bố cây ươi khoảng 30.000 ha. Ông Võ Quang Trung, Phó Trưởng Phòng Bảo tồn Thiên nhiên và Hợp tác (Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai) cho biết, cây ươi được phân bố khá nhiều tại các cánh rừng miền Trung và miền Nam. Hạt ươi được dùng nhiều trong chế biến nước giải khát. Tính năng, dược liệu của trái ươi giúp mát gan, giải độc cơ thể. Trong đông y, hạt trái ươi được dùng như là một vị thuốc giúp tăng cường sức đề kháng.
“Một cây ươi phải trải qua khoảng thời gian từ 15 - 20 năm mới bắt đầu ra hoa, kết quả. Trong khi đó, khi xâm nhập trái phép vào rừng, có người đã đốn hạ cây để thu hái trái. Với một chu kỳ sinh trưởng dài như vậy, nếu người dân chặt gốc sẽ dẫn đến mất đi một cá thể; còn khai thác bằng cách cắt cành, mé cành, thì sau 4 - 5 năm, cây mới phục hồi và ra trái một lần”, ông Võ Quang Trung phân tích.
Kiểm soát chặt chẽ người ra vào rừng
Để bảo vệ quần thể cây ươi, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đồng Nai đã có công văn yêu cầu các đơn vị, địa phương tăng cường các biện pháp bảo vệ; phối hợp với đơn vị chủ rừng tuyên truyền vận động người dân không được vào rừng trái phép để chặt cây, tỉa cành cây ươi thu hái quả. Các đơn vị, địa phương tăng cường kiểm soát chặt chẽ người ra vào rừng; kiểm tra, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm khai thác trái phép quả ươi; xác định cụ thể các khu vực cây ươi có quả để có biện pháp kiểm tra, ngăn chặn kịp thời các hành vi khai thác trái phép; tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.
Thời điểm này, sông suối trong Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai đã cạn, trong khi diện tích rừng lớn. Do đó, công tác ngăn chặn, bảo vệ quần thể cây ươi càng khó khăn.
Theo Hạt Kiểm lâm Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai, đơn vị thường xuyên tổ chức lực lượng kiểm tra, xác định các khu vực có phân bố cây ươi đậu quả để kịp thời đưa ra biện pháp quản lý, bảo vệ. Cụ thể: in và treo 10 băng rôn tại các khu vực có người dân thường xuyên qua lại và những tuyến đường chính ra, vào rừng; lồng ghép nội dung quản lý bảo vệ cây ươi với công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học của Khu bảo tồn.
“Hiện nay, chúng tôi đang tổ chức lực lượng phối hợp với các cơ quan, đơn vị giáp ranh trực 24/24 giờ tại 6 điểm chốt chặn cố định nhằm phòng, chống xâm nhập rừng trái phép, bảo vệ cây ươi và phòng, chống cháy rừng. Trong đó, có 4 chốt phối hợp với Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu phát triển Lâm nghiệp bền vững huyện Vĩnh Cửu. Đơn vị đã tổ chức lực lượng trực chốt chặn lưu động tại một số điểm giáp ranh tỉnh Bình Phước có nguy cơ cao xảy ra các trường hợp xâm nhập vào rừng để khai thác quả cây ươi trái phép”, ông Hà Chí Lực, Hạt Kiểm lâm Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai cho biết.
Theo ông Hà Chí Lực, để bảo vệ quần thể cây ươi và phòng, chống xâm nhập rừng trái phép, đơn vị đã bố trí lực lượng tham gia 2 tổ tuần tra cơ động của Ban Chỉ đạo huyện Vĩnh Cửu để phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm tại những vị trí không có điểm chốt chặn. Đơn vị phối hợp với các đơn vị giáp ranh như: Vườn Quốc gia Cát Tiên, Ban Quản lý rừng phòng hộ Bù Đăng (Bình Phước), Hạt Kiểm lâm các huyện giáp ranh thuộc tỉnh Bình Phước, Bình Dương... thực hiện những giải pháp cần thiết nhằm ngăn chặn các đối tượng xâm nhập vào rừng trái phép tại khu vực giáp ranh, giảm tác động tiêu cực gây thiệt hại đến tài nguyên rừng.
Theo Hạt Kiểm lâm huyện Vĩnh Cửu, từ đầu mùa ươi đến nay, các đơn vị phối hợp đã phát hiện, ngăn chặn 15 vụ vi phạm liên quan đến khai thác, tàng trữ quả ươi. Qua đó, tịch thu trên 400 kg quả ươi, lập biên bản xử phạt hành chính hàng chục triệu đồng.