Trong giai đoạn cao điểm của mùa khô này, Ban Quản lý rừng phòng hộ Chư Sê đã chủ động củng cố lại 7 tổ quản lý, bảo vệ rừng để tăng cường tuần tra, kiểm soát các khu vực có nguy cơ cháy cao. Các biện pháp đốt trước có kiểm soát đã được áp dụng trên diện tích hơn 400 ha rừng trồng và rừng tự nhiên tại 3 xã gồm: Bar Maih, Ayun và H’Bông.
Ông Đinh Mạnh Phong, Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ Chư Sê cho rằng, mùa khô là thời điểm vật liệu cháy tăng cao. Do đó, việc đốt trước có kiểm soát sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ cháy lớn.
Ban Quản lý rừng phòng hộ Chư A Thai đang quản lý khoảng 19.000 ha rừng trải rộng trên địa bàn 2 huyện Ia Pa và Phú Thiện. Những diện tích rừng này đang đối mặt với cảnh báo nguy cơ cháy rừng cấp V - cấp độ cực kỳ nguy hiểm.
Ông Phạm Đắc Vịnh, Phó trưởng Ban phụ trách Ban Quản lý rừng phòng hộ Chư A Thai cho biết, để kịp thời bảo vệ và phòng tránh nguy cơ xảy ra cháy rừng, đơn vị đã thành lập 5 tổ phối hợp với 125 gia đình thường xuyên túc trực. Đối với những diện tích rừng khộp, đơn vị đã chủ động triển khai đốt trước có kiểm soát trước mùa khô để giảm thiểu nguy cơ cháy xảy ra.
Xác định nguy cơ cao sẽ xảy ra cháy rừng vào mùa khô, ngay từ năm 2023, huyện Ia Grai cùng các đơn vị chủ rừng đã tổ chức 15 đợt tuyên truyền về Luật Quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tại 5 xã có rừng, thu hút hơn 1.000 lượt người tham gia. Qua đó, hàng trăm gia đình sinh sống gần rừng đã ký cam kết an toàn lửa rừng và hơn 2.000 tờ rơi được phát đến tận tay từng hộ dân.
Ông Đỗ Văn Đông, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Ia Grai khẳng định, huyện đã kiểm tra thực tế tại các Ban Quản lý rừng và các đơn vị chủ rừng để tăng cường trách nhiệm trong công tác phòng, chống cháy rừng. Cùng với đó, địa phương đã chuẩn bị lực lượng sẵn sàng ứng phó và xử lý nhanh mọi tình huống cháy rừng có thể xảy ra.
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai, toàn tỉnh hiện có hơn 600.000 ha rừng; trong đó, rừng tự nhiên khoảng 478.000 ha, rừng trồng 155.000 ha và rừng trồng chưa thành rừng 14.000 ha. Đến thời điểm này, 13/17 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đã trải qua nhiều ngày không mưa, thời tiết khô hanh kéo dài, có nguy cơ xảy ra cháy rừng ở cấp V - cấp cực kỳ nguy hiểm.
Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy rừng, Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai vừa có công văn yêu cầu các ngành, địa phương, đơn vị chủ rừng tăng cường bố trí lực lượng thường trực 24/24 giờ; chủ động sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, dụng cụ ứng cứu chữa cháy rừng, hậu cần, thông tin liên lạc khi có cháy lớn xảy ra. Các địa phương có diện tích rừng lớn chủ động xây dựng phương án và biện pháp quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng.