Nâng cao ý thức phòng, cháy rừng trong cộng đồng
Vườn Quốc gia Ba Vì có diện tích tự nhiên khoảng hơn 10.000 ha, nằm trên địa bàn 15 xã của 2 tỉnh, thành phố trên. Do địa hình rộng lớn, kết hợp xung quanh Vườn có người dân sinh sống, quen tập quán chăn thả trâu bò, đốt lửa bắt ong, lấy cây thuốc trong rừng nên nguy cơ cháy rừng ở Vườn luôn tiềm ẩn. Thực tế, năm 2022 và 2023, tại Vườn Quốc gia Ba Vì xảy ra khoảng 5 vụ cháy rừng. Lực lượng chức năng kịp thời dập tắt các vụ cháy rừng, không để lại hậu quả lớn.
Trước nguy cơ về cháy cao, Vườn Quốc gia Ba Vì chủ động nhiều phương án phòng, chống cháy rừng. Vườn xác định, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân sống xung quanh là quan trọng nhất. Người dân chính là “tai mắt”, đồng thời là “chiến sỹ” thầm lặng, sẵn sàng dập tắt “giặc lửa”, khi xảy ra cháy tại Vườn.
Theo đó, mỗi năm, Vườn Quốc gia Ba Vì phối hợp chính quyền 15 xã giáp ranh tổ chức tuyên truyền, tập huấn kỹ năng phát hiện, phòng ngừa cũng như phương pháp chiến đấu khi cháy rừng. Nhờ công tác tuyên truyền, tập huấn được thực hiện một cách thường xuyên, bài bản nên người dân nâng cao nhận thức bảo vệ rừng.
Ông Nguyễn Văn Nghĩa, thôn Cái Mới, xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì cũng như nhiều người dân thường xuyên được cán bộ kiểm lâm, chính quyền địa phương gặp gỡ, tuyên truyền về bảo vệ, phòng chống cháy rừng tại Vườn Quốc gia Ba Vì.
Biến nhận thức thành hành động, mỗi khi qua những cánh rừng, ông lại dành thời gian nhặt bỏ cành cây, cụm cỏ khô để hạn chế cháy rừng. Ông Nguyễn Văn Nghĩa cho biết, trước đây, người dân sống chủ yếu dựa vào rừng. Họ thường vào rừng lấy củi, đốt ong, chăn thả trâu bò hay hái thuốc mang đi bán. Khi vào rừng, người dân thường mang theo lửa để sử dụng khi cần, đôi khi bất cẩn dẫn đến cháy rừng. Hiện nay, nhận thức người dân về công tác phòng, chống cháy rừng đã được nâng lên. Bà con thường xuyên dự buổi tuyên truyền của lực lượng Kiểm lâm Vườn Quốc gia Ba Vì nên thấy rõ lợi ích của rừng.
Bảo vệ rừng là bảo vệ môi trường sinh thái. Nhận thức rõ như vậy nên người dân tự giác bảo vệ rừng, tham gia chữa cháy rừng, khi hỏa hoạn xảy ra, ông Nghĩa chia sẻ.
Rừng là bộ phận của môi trường sống, tài sản quý báu của nước ta, có giá trị lớn đối với nền kinh tế quốc dân và văn hóa công cộng. Việc bảo vệ rừng do Nhà nước và toàn dân cùng làm. Xác định tinh thần này, xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội cũng như nhiều địa phương có rừng khác đều coi nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy rừng là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.
Về nội dung này, ông Phạm Đình Hùng, Chủ tịch UBND xã Tản Lĩnh cho biết, địa phương huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc phòng, chống cháy rừng. Xã thành lập đội xung kích phòng, chống cháy rừng. Hằng năm, xã đều phối hợp lực lượng kiểm lâm, tổ chức tập huấn, bổ sung kiến thức phòng, chống cháy rừng cho nhiều lượt người dân. Chính quyền xã xử phạt hành vi vi phạm, đủ sức răn đe trong cộng đồng.
Chấm điểm công tác quản lý rừng
Mặc dù chính quyền địa phương đã vào cuộc tích cực để giữ rừng, nhưng lãnh đạo Vườn Quốc gia Ba Vì xác định, không thể phó mặc cho các xã có rừng. Nhiều năm qua, Vườn triển khai nhiều biện pháp bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có trên địa bàn quản lý.
Bước vào mùa hanh khô, mùa lễ hội và dịp nắng nóng kéo dài, Vườn luôn đặt công tác phòng, chống cháy rừng lên hàng đầu. Đơn vị huy động 100% đội ngũ cán bộ kiểm lâm viên, kiểm lâm địa bàn triển khai nhiệm vụ bám rừng, bám dân và bám chính quyền cơ sở; tuyên truyền, tuần tra phát hiện sớm đám cháy rừng huy động lực lượng dập tắt ngay, không để cháy lan, cháy lại, gây thiệt hại lớn cho tài nguyên rừng. Đồng thời, Vườn phân công nhiệm vụ cho từng cán bộ, kiểm lâm viên địa bàn phối hợp lực lượng công an xã tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện trường hợp vào rừng đốt săn ong, san gạt đất rừng, chặt phá cây rừng, xử lý nghiêm theo quy định.
Đáng chú ý, Vườn đầu tư trang thiết bị hiện đại để chữa cháy rừng. Đặc biệt, mới đây, tại Lào Cai xảy ra cháy rừng ở Vườn Quốc gia Hoàng Liên nên công tác phòng, chống cháy rừng ở Vườn Quốc gia Ba Vì càng được quan tâm, chú trọng. Vườn thực hiện biện pháp chấm điểm trong công tác bảo vệ rừng đối với từng cán bộ được giao quản lý rừng.
Trao đổi với ông Đỗ Thế Hùng, Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Ba Vì, được biết, lãnh đạo Vườn giao lực lượng kiểm lâm, nếu trong địa bàn có cháy rừng xảy ra mà không nắm bắt kịp thời thì Trạm trưởng, Phó trạm trưởng khi chấm công trong tháng sẽ xếp loại B. Vườn phân cấp, đánh giá xếp loại công chức theo từng tuần về mức độ hoàn thành nhiệm vụ, trong đó, coi trọng nhất là việc bảo vệ rừng. Với cách thức chấm điểm như vậy, lực lượng kiểm lâm đã nêu cao trách nhiệm hơn.
Hiện đang bước vào mùa nắng nóng, lãnh đạo Vườn yêu cầu, lực lượng kiểm lâm tập trung cao độ cho công việc nhằm hạn chế tối đa hỏa hoạn xảy ra.
Đề cao vai trò của nhân dân trong phòng, chống cháy rừng, theo tinh thần “4 tại chỗ”, ông Đỗ Thế Hùng cho biết thêm, người dân là “tai mắt” trong phát hiện và xử lý cháy rừng khi mới phát sinh. Tuy nhiên, chế độ đãi ngộ cho người dân phát hiện và chữa cháy rừng chưa thỏa đáng. Do đó, khó đòi hỏi người dân tận tâm cho công tác này.
Ông Hùng dẫn chứng, trường hợp người dân phát hiện đám cháy thực bì nhưng thờ ơ, không dập lửa hoặc chậm báo cơ quan chức năng sẽ gây ra hỏa hoạn lớn. Bên cạnh biện pháp tuyên truyền cần nguồn lực tài chính thỏa đáng cho hành động bảo vệ, phát hiện và phòng, chống cháy rừng. Nếu một vụ cháy rừng xảy ra thiệt hại sẽ rất lớn, nhất là đối với thảm bảo vệ thực vật, mất nhiều năm mới khôi phục được.
Theo thống kê, năm 2023, tại Vườn Quốc gia Ba Vì xảy ra 3 vụ cháy rừng nhưng tính chất, quy mô nhỏ, không gây thiệt hại do lực lượng chức năng và người dân dập tắt kịp thời. Mặc dù không để lại hậu quả lớn, tuy nhiên, vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng tại Vườn Quốc gia Ba Vì. Do vậy, việc chủ động nâng cao ý thức trong phòng, chống cháy rừng sẽ là biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn cháy rừng.