Mỗi năm, hàng nghìn vụ ly hôn trong các gia đình trên cả nước vẫn diễn ra mà nguyên nhân chính là do bạo lực gia đình, trong đó, phần lớn nạn nhân là phụ nữ. Nhiều người vợ vẫn cố gắng nhẫn nhịn khi thường xuyên bị chồng ngược đãi, hành hung mà không rõ nguyên nhân. Đó là cuộc sống gia đình. Còn ngoài xã hội, trong cơ chế kinh tế thị trường, mặc dù cả nam giới và phụ nữ đều đi làm và tham gia công tác xã hội nhưng vẫn tồn tại phổ biến tình trạng hầu như công việc nội trợ, chăm sóc con cái và người đau ốm trong gia đình được xác định là trách nhiệm của phụ nữ.
Thực tế xã hội cũng cho thấy, tại Việt Nam, việc thực hiện bình đẳng giới vẫn còn nhiều rào cản, khó khăn. Trước hết là do thái độ, nhận thức hành vi của một số người còn mang tính định kiến về giới, tư tưởng “trọng nam khinh nữ” còn khá nặng nề. Tư tưởng trọng nam khinh nữ, bắt buộc phải sinh được con trai để nối dõi tông đường vẫn còn gây áp lực nặng nề cho không ít phụ nữ trong xã hội. Không hiếm gia đình có tư tưởng chỉ đầu tư, vun vén cho con trai mà thờ ơ, lạnh nhạt với con gái.
Lý giải tình trạng trên, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà cho biết: Luật Bình đẳng giới được Chính phủ triển khai từ năm 2007. Luật quy định nguyên tắc bình đẳng giới trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình, biện pháp bảo đảm bình đẳng giới, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân trong việc thực hiện bình đẳng giới. Mục tiêu của Luật là xóa bỏ phân biệt đối xử về giới, tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển kinh tế - xã hội và phát triển nguồn nhân lực, tiến tới bình đẳng giới thực chất giữa nam, nữ và thiết lập, củng cố quan hệ hợp tác, hỗ trợ giữa nam, nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình.
Qua 10 năm thi hành, đến nay, nước ta đã đạt được nhiều thành tựu về bình đẳng giới, xóa bỏ khoảng cách giới, đặc biệt là ở các lĩnh vực lao động, việc làm, chăm sóc sức khỏe, giáo dục... Nổi bật là tỷ lệ nữ tham gia chính trị tại tất cả các cấp đã có chuyển biến tích cực. Tỷ lệ nữ Ủy viên Bộ Chính trị và Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng tăng trong 3 nhiệm kỳ liên tiếp. Lần đầu tiên có nữ Chủ tịch Quốc hội và có 3 nữ Ủy viên Bộ Chính trị. Nhiệm kỳ 2016 - 2021, tỷ lệ nữ tham gia Quốc hội và Hội đồng nhân dân đều tăng so với nhiệm kỳ 2007 - 2011. Tỷ lệ nữ tham gia Quốc hội đạt 27,1%, cao hơn mức trung bình 23,4% toàn cầu và 18,6% của châu Á.
Đối với lĩnh vực kinh tế, tỷ lệ doanh nghiệp do nữ làm chủ tăng từ 4% năm 2009 lên 27,8% năm 2017, cao nhất Đông Nam Á và xếp thứ 19/54 trong bảng chỉ số xếp hạng Chỉ số nữ doanh nhân và xếp thứ 7/54 trong số các nước có nhiều chủ doanh nghiệp là nữ...
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, trên thực tế, Luật Bình đẳng giới cũng bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Nổi lên là các quy định trong Luật còn chung chung, mang tính định hướng, khó triển khai trong thực tiễn, có quy định đến nay vẫn chưa thể hướng dẫn thi hành; chưa có sự thống nhất giữa Luật Bình đẳng giới và các luật chuyên ngành. Việc thực hiện các quy định về lồng ghép vấn đề bình đẳng giới chưa được đầu tư thỏa đáng; thiếu quy trình thống nhất hướng dẫn việc lồng ghép giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật - Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cho hay.
Nhận định về nguyên nhân của tình trạng trên, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà cho biết: Đó là do Luật Bình đẳng giới mang tính lồng ghép cao, cần có sự phối hợp cao và chặt chẽ giữa các bên liên quan, do đó trong quá trình triển khai còn gặp nhiều khó khăn vướng mắc. Cấp ủy, chính quyền một số địa phương chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc và quan tâm đúng mức tới công tác bình đẳng giới. Tư tưởng định kiến giới còn tồn tại khá phổ biến trong nhân dân, kể cả trong một bộ phận cán bộ, công chức.
Đồng tình với nhận định này, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề Xã hội của Quốc hội Lê Thị Nguyệt cũng nêu những tồn tại, hạn chế cụ thể trong hoạt động thẩm tra lồng ghép giới, và cho biết: Việc thẩm tra lồng ghép giới đối với các dự án pháp lệnh và nghị quyết vẫn tập trung chủ yếu đối với những dự án thuộc lĩnh vực Ủy ban các vấn đề xã hội. Tuy một số dự án Luật, Bộ luật có báo cáo riêng về việc thực hiện lồng ghép giới của Ban soạn thảo, đã được thẩm tra lồng ghép giới và có văn bản sau khi thẩm tra lồng ghép giới nhưng các nội dung này lại không được thể hiện, không được phân tích dưới góc đội giới trong các báo cáo của Ủy ban chủ trì thẩm tra.
Kết quả đầu ra của việc thẩm tra thường chỉ thể hiện ở hình thức công văn, văn bản đóng góp ý kiến, báo cáo kết quả tọa đàm, hội thảo, hội nghị mà chưa phải là báo cáo thẩm tra của Ủy ban, trừ các dự án do Ủy ban chủ trì thẩm tra. Và chưa có sự đeo bám đến cùng, đa số chỉ góp ý ở kỳ họp khi Quốc hội cho ý kiến lần đầu - bà Lê Thị Nguyệt nhấn mạnh.
Để thực thi Luật Bình đẳng giới hiệu quả hơn, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội cho biết, công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về bình đẳng giới của các cấp, các ngành và ngay chính với bản thân người phụ nữ, nam giới là nhiệm vụ đầu tiên và quan trọng nhất cho sự thành công. Bộ sẽ thực hiện lồng ghép giới vào các hoạt động, chương trình, dự án, đề án của ngành, đơn vị, địa phương. Phấn đấu đến năm 2030 hoàn thiện hệ thống chính sách về bình đẳng giới và triển khai cung cấp các dịch vụ công về bình đẳng giới trên phạm vi toàn quốc.
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà cũng cho biết, hiện đã đề xuất các kiến nghị với Quốc hội trong việc tăng cường hoạt động giám sát thực hiện pháp luật, chính sách về bình đẳng giới; trong các hoạt động thẩm tra, giám sát lồng ghép giới trong xây dựng các luật chuyên ngành và phân bổ ngân sách có trách nhiệm giới. Cơ quan chức năng tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách về bình đẳng giới; nghiên cứu xây dựng và thực hiện chương trình, đề án nhằm giảm khoảng cách giới trong một số ngành, lĩnh vực đang tồn tại bất bình đẳng giới… Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao và Tòa án nhân dân Tối cao phối hợp chặt chẽ hoạt động truy tố, xét xử; kịp thời truy tố, xét xử đối với những tội phạm bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em; trong nghiên cứu, các văn bản hướng dẫn làm cơ sở cho công tác điều tra, xét xử được kịp thời, nghiêm minh tội phạm bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em.