Bước ra từ cánh cổng trường Học viện Báo chí và Tuyên truyền, tôi khi đó như một chồi lá còn rất non, ôm theo bao ước mơ với nhiều hoài bão vươn xa. Ngay sau đó, tôi nhanh chóng ứng tuyển vào một công ty truyền thông ở Hà Nội. Khởi đầu với mục tiêu “thử sức” và “cọ xát” ở môi trường khác xa giảng đường, tôi tham gia làm nội dung quảng cáo cho các doanh nghiệp nước ngoài. Nhưng dù được coi là đã có một công việc có mức lương hấp dẫn, thời gian trôi qua, tôi nhận thấy công việc này không phải là đam mê mà tôi muốn theo đuổi.
Và cũng chính vào mùa bàng lên lá của hơn 3 năm trước, tôi đã trút bỏ được tâm trạng “ướt sũng”, vỡ oà trong niềm hạnh phúc khi nhận tin được thử việc tại báo Tin tức - một tờ báo uy tín của Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN). Có lẽ trong mơ tôi cũng chưa bao giờ tin được mình có cơ hội làm việc ở một tờ báo lớn, có tuổi đời hơn tôi cả hàng chục năm.
Tôi đắm chìm trong niềm hạnh phúc trên hành trình đầu tiên của đường đời, với biết bao cảm xúc, vừa hân hoan trong niềm vui, vừa hồi hộp về công việc mới.
Những lần đầu tiên
Ngày đầu tiên đi làm – ngày đầu tiên tôi bước đi trên con đường của ước mơ – cũng là ngày đầu tiên tôi được chào đón với “gia đình Tin tức”.
Tôi vẫn nhớ như in cảm xúc của tôi vào ngày hôm đó. Giữa tiết trời cuối xuân, khi những cơn mưa cứ dùng dằng đến rồi lại đi, tôi lo lắng, hồi hộp nghĩ về những điều sắp xảy đến. Không biết công việc mới của tôi ra sao, môi trường mới có phù hợp với tôi không, đồng nghiệp của tôi sẽ như thế nào… Tôi đã phải ghìm chặt những cảm xúc ấy lại khi thang máy dừng lại ở tầng 7 trụ sở TTXVN ở số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội.
Từ lối hành lang đi vào, mùi thơm ngan ngát của giấy mới, tiếng sột soạt của máy in và không khí làm việc nghiêm túc của toà soạn dường như đã khiến tôi bất chợt quên đi những cảm xúc bộn bề trước đó. Dù khá bận rộn, nhưng mọi người trong toà soạn rất ân cần, niềm nở chào đón tôi. Đó là buổi chiều trước ngày ra báo Tuần Tin tức.
Và tôi bắt đầu hành trình là một biên tập viên thử việc tại phòng Quốc tế với những mẩu tin ngắn - chủ yếu là tin thế giới đó đây, nhìn ra thế giới, khoa học công nghệ. Với lợi thế là được làm việc đúng chuyên ngành, tôi đã “ngạo nghễ” dịch những mẩu tin nghe có vẻ “dễ nhằn” này một cách nhanh chóng. Tôi không biết rằng thói quen viết những câu dài lê thê, thiếu chọn lọc, rườm rà của tôi không phù hợp với văn phong báo chí.
Đến cuối giờ làm, chị Hoàng Trang – người chị cùng phòng hướng dẫn tôi – đã gửi cho tôi một tin nhắn: “Ở trường, em có được học cách tách câu khi biên dịch không?”. Câu hỏi này khiến một học sinh chuyên văn, lại còn là sinh viên báo chí như tôi, có một chút suy nghĩ. Song như một hồi chuông thức tỉnh, tôi hiểu được mình đang thiếu sót điều gì. Thú thật rằng tôi chưa từng được dạy bài bản về điều đó. Tôi có thói quen dịch “word by word”, hay “bê” nguyên câu trong morat tiếng Anh sang tiếng Việt khiến người đọc khó hiểu. Chị Trang sau đó đã phân tích cho tôi những điều nhỏ nhặt nhất – đó là cách viết câu, tách câu khi biên dịch. Chị nhấn mạnh “văn viết khác văn nói”, cần viết câu ngắn gọn, để người đọc dễ hiểu.
Thời còn thử việc ấy, tôi cũng được chị Hà Linh và chị Hồng Hạnh giúp đỡ rất nhiều. Dù công việc bận rộn, nhưng cứ cuối giờ làm việc, các chị lại dành thời gian “nhặt sạn” những sản phẩm từ cây bút còn non như tôi.
Trong hành trình ấy, tôi không thể không kể đến “cô giáo nghiêm khắc” nhất của tôi – chị Thuỳ Dương – phó phòng Quốc tế. Những ngày đầu trực tin, tôi rất lo lắng mỗi khi messenger hiện thông báo: “Thuy Duong đã gửi tin nhắn cho bạn”. Không phải là một, mà là loạt tin nhắn dài miên man, chỉ ra hàng loạt lỗi sai trong tin của tôi – từ những điều nhỏ nhất đến những lỗi sai nghiêm trọng - dịch ẩu, dịch sai nghĩa, viết câu khô cứng, khó hiểu…
“Chị trả tin, em biên tập lại!” – Đối với tôi, đây là lời nhắc nhở nghiêm khắc rằng hãy tập trung khi làm việc. Tôi nhận ra rằng bao nhiêu lần chị Dương trả lại tin, là bấy nhiêu lần tôi được tích luỹ kinh nghiệm, cơ hội sửa sai, nhìn nhận lại, xem xét kỹ vấn đề và tìm cách khắc phục.
Và rồi cứ thể, tôi như chồi lá non được những giọt mưa, tia nắng ấm áp ươm mầm ngày một lớn lên...
Cơ hội và thử thách
Dần dần, sau một thời gian “rèn” bút, tôi được lãnh đạo phòng tin tưởng giao cho làm các tin bài quan trọng hơn về chính trị. Đến khi chị Trang nghỉ sinh con, chị Hạnh lại bầu bí, phòng Quốc tế thiếu nhân lực trầm trọng. Trưởng phòng khi đó là anh Trần Thanh Tuấn, đã điều động tôi tham gia trực sáng tối, cuối tuần hỗ trợ đồng nghiệp.
Cùng với đó, anh Tuấn cũng tạo cơ hội cho tôi thử sức viết bài tổng hợp các sự kiện thế giới nổi bật trong tuần. Vì là cây bút còn non, tôi đã vô cùng lo lắng, liên tục nhắn tin hỏi anh về cách chọn lọc và tổng hợp sự kiện. Nhờ có sự hướng dẫn, chỉ bảo tận tình và những lời động viên của anh, tôi đã tìm rất nhiều tài liệu, đọc và tìm những ý kiến “đắt” nhất của chuyên gia để hoàn thiện bài tổng hợp đầu tiên.
Khi đã quen dần với thể loại này, tôi nhận thấy những bài viết như vậy không chỉ giúp tôi “đào sâu” vấn đề mà còn giúp tôi vượt qua giới hạn của chính mình.
Sau khi anh Tuấn nhận công tác tại nước ngoài, anh Nguyễn Hà Ngọc đảm nhận vai trò phụ trách phòng Quốc tế, tôi đã có thời gian ngắn “khủng hoảng”. Với phương thức làm việc có phần mới mẻ, trong khi tâm lý của tôi còn “ngại” và “ì”, tôi như bị chìm trong hàng loạt đường dẫn tin bài, chủ đề mà anh Ngọc giao. Và không phải là dịch bài đơn thuần, anh Ngọc yêu cầu tôi tổng hợp, phân tích các sự kiện, tham gia viết loạt bài về những sự kiện quốc tế đáng chú ý cùng với những cây bút “tiền bối” của phòng Quốc tế. Đối với tôi, đây là một thử thách quá sức. Tôi - vốn “sợ” những điều mới mẻ - đã loay hoay và không khỏi lo lắng.
“Đừng để nỗi sợ đè bẹp ước mơ”, đó là câu nói mà anh Hà Ngọc đã động viên tôi khi đó. Câu nói này đã tạo động lực rất lớn, lên dây cót tinh thần giúp tôi vượt qua những nỗi sợ trong cơn “khủng hoảng” và ngay cả khi đã vượt qua được những khủng hoảng đó.
Tôi nghĩ một biên tập viên trẻ như tôi sẽ phải cố gắng, học hỏi nhiều hơn, “lao” vào nhiều thử thách hơn để có những sản phẩm chất lượng hơn.
‘Lấn sân’ làm MC truyền hình
Trong ký ức về nơi chắp cánh ước mơ tôi, giai đoạn tham gia làm phóng sự truyền hình là một “thước phim” quý giá.
Khi Tin tức TV ra đời, nhiều lần, chị Thu Hằng – phó phòng Quốc tế - đã động viên tôi “lên sóng”. Sau một số lần không dám nhận lời vì thiếu tự tin, tôi đã quyết định thử sức với vai trò hoàn toàn mới này.
Giai đoạn đầu, cùng các đồng nghiệp trong phòng, tôi đã dành thời gian đến trường quay để học hỏi, tích luỹ kinh nghiệm. Thời gian đó, anh Tuấn – người có nhiều kinh nghiệm làm truyền hình nhất của toà soạn Tin tức – đã trở thành “thầy giáo” của chúng tôi. Anh đã dành cả buổi chỉ dẫn chúng tôi từ những điều nhỏ nhặt nhất – như tư thế ngồi, nét mặt, cách đặt tay sao cho chuyên nghiệp và đặc biệt là giọng nói, tốc độ nói, cách nhấn nhá phù hợp…
Tôi sẽ không bao giờ quên cảm xúc trước buổi lên sóng đầu tiên. Lúc đó, tôi thực hiện phóng sự về biến đổi khí hậu. Dù đã chuẩn bị rất kỹ vào tối hôm trước, tập đọc kịch bản một cách nhuần nhuyễn trước gương, nhưng trước khi quay phim bấm máy, tôi vẫn không khỏi hồi hộp. Ngồi trên chiếc ghế “nóng”, tôi trấn an bản thân, hít một hơi thật sâu và sẵn sàng “lên hình”.
Nhờ có sự dẫn dắt, hỗ trợ và động viên của các anh chị lãnh đạo phòng, phóng sự đầu tiên mà tôi đảm nhiệm vai trò MC đã hoàn thành, dù vẫn chưa hoàn hảo như mong đợi. Và cứ thế, cùng các thành viên khác của phòng Quốc tế, tôi đã tham gia thực hiện nhiều phóng sự hơn, trau giồi nhiều kinh nghiệm hơn. Chúng tôi hỗ trợ lẫn nhau, mỗi người đảm nhiệm một vai trò, như một mảnh ghép nhỏ của bức tranh hoàn chỉnh, góp sức nhỏ của một cá nhân để tạo nên sức mạnh của cả tập thể.
Giờ đây, mỗi lần lên sóng, tim tôi không còn đập thình thịch như buổi đầu tiên đó. Tôi đã quen dần với ống kính máy quay, tự tin, chín chắn và tích luỹ được nhiều kinh nghiệm hơn sau mỗi buổi dẫn. Tôi luôn cảm thấy biết ơn khi được làm việc trong một môi trường chuyên nghiệp, luôn được các “tiền bối” động viên, chia sẻ những kinh nghiệm không chỉ trong công việc mà còn cả trong cuộc sống.
Không biết từ bao giờ, tôi đã được các thành viên trong “gia đình Tin tức” gọi là “em út”, luôn ưu ái, yêu thương, trao cơ hội và cả những thử thách giúp tôi trưởng thành hơn. Báo Tin tức – một phần thanh xuân tươi đẹp nhất của tôi – sắp tròn 40 tuổi. Tôi hy vọng tờ báo sẽ giữ vững vị thế là kênh thông tin tin cậy của Chính phủ và ngày càng phát triển hơn nữa.