Sau gần 3 năm triển khai Nghị quyết 26-NQ/TW của Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, theo đánh giá của Chính phủ, các bộ, ngành, đời sống của người nông dân ở nông thôn đã có nhiều chuyển biến tích cực, thu nhập của người nông dân năm 2010 tăng 34,5% so với năm 2008, tất cả các lĩnh vực sản xuất như trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thủy sản đều có bước phát triển khá.
Bước đi vững chắc
Trong 3 năm qua, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức về thiên tai, dịch bệnh, tác động của cuộc suy thoái kinh tế thế giới, nhưng nông nghiệp, nông thôn vẫn đứng vững và từng bước vượt qua khó khăn, duy trì được tăng trưởng GDP nông nghiệp bình quân giai đoạn 2006 – 2010 đạt 3,36%, vượt mục tiêu 3,2%/năm do Đại hội Đảng X đề ra.
Cơ giới hóa nông nghiệp đã góp phần tăng thu nhập cho các hộ nông dân. Ảnh: Minh Trí - TTXVN |
Điển hình là sản lượng lúa năm 2010 tăng thêm 1,17 triệu tấn so với năm 2008. Nông nghiệp chuyển dịch theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả gắn với nhu cầu thị trường. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm, thủy sản năm 2010 đạt 19,53 tỷ USD, tăng 3,46 tỷ USD so với năm 2008 và vượt 81% so với mục tiêu Đại hội Đảng khóa X đề ra. Trong đó có 6 mặt hàng nông sản đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh, thực hiện Nghị quyết 26, các bộ, ngành và địa phương đã tập trung nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn; và nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực này ngày càng tăng. Cụ thể, trong 3 năm (2009 – 2011), tổng đầu tư cho lĩnh vực tam nông đạt trên 100.000 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với giai đoạn 2006 – 2008. Cơ cấu đầu tư cũng đã có sự thay đổi, trước đây đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn chỉ chiếm 45% đến nay đã đạt 52% và dự tính đến năm 2015 sẽ đạt 55%.
Sau gần 3 năm thực hiện Nghị quyết 26, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn ngày càng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo ở nông thôn giảm từ 16,2% xuống còn 11,3%. Thu nhập của người nông dân năm 2010 đạt 1,025 triệu đồng/người/tháng, tăng 34,5% so với năm 2008.
Bên cạnh đó, chương trình nhà ở cho người nghèo cũng sẽ sớm về đích. “Sau hai năm thực hiện chương trình hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, đến nay, gần 400.000 hộ đã được hỗ trợ về nhà ở, đạt khoảng 80% so với kế hoạch đề ra. Còn lại 100.000 hộ nghèo sẽ tiếp tục được hỗ trợ nhà ở để hoàn thành sớm trong năm 2011”, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết.
Thu hút thêm nguồn lực
Theo mục tiêu đến năm 2015, giá trị nông, lâm, thủy sản tăng bình quân 2,8 – 3%/năm; tỷ trọng nông nghiệp trong GDP cả nước chiếm từ 17 – 18%. Thu nhập bình quân đầu người tăng 1,8 – 2 lần so với năm 2010. Hàng năm đào tạo được 1 triệu lao động nông thôn, tỷ trọng lao động nông nghiệp chỉ còn chiếm 40 – 41% lao động xã hội. Tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm bình quân 2%/năm. |
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong 3 năm qua, việc triển khai Nghị quyết 26 ở một số địa phương vẫn còn những hạn chế nhất định như: Nhận thức của một bộ phận cán bộ và người dân về Nghị quyết 26 và Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) còn chưa đầy đủ; cơ chế chính sách đã ban hành chậm đi vào cuộc sống; phát triển nông nghiệp, nông thôn chưa xứng với tiềm năng…
Do vậy, Chính phủ yêu cầu trong thời gian tới, các địa phương phải quán triệt sâu sắc ý nghĩa, tầm quan trọng của Nghị quyết 26, căn cứ vào tình hình thực tiễn của địa phương mình để cụ thể hóa nội dung Nghị quyết.
Muốn phát triển đất nước nhanh, bền vững thì phải hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Các địa phương muốn nâng cao thu nhập phải đẩy mạnh chuyển dịch từ sản xuất tự tiêu sang sản xuất hàng hóa có năng suất, chất lượng cao. Trong đó, mỗi địa phương phải cân đối nguồn lực và lựa chọn mô hình, cây, con chủ lực để phát triển. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đây là tiền đề xây dựng thành công NTM.
Một trong những nội dung quan trọng triển khai Nghị quyết số 26 là Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2010 – 2020 là đến năm 2015 cả nước có 20% số xã đạt chuẩn NTM và đến năm 2050 con số này là 50%. Đến nay, 100% số tỉnh đã hoàn thành việc đánh giá sơ bộ thực trạng NTM theo 19 tiêu chí, làm cơ sở để triển khai những bước tiếp theo.
Theo nhận định của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, mô hình NTM đã và đang dần dần hình thành tại nhiều làng quê Việt Nam. Nhờ xây dựng theo mô hình NTM, các vấn đề y tế, giáo dục, bảo hiểm… cho người nông dân cũng có bước tiến đáng kể.
Trong thời gian tới, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải rà soát, ban hành các cơ chế để thực hiện tốt hơn nữa Nghị quyết 26. Bên cạnh đó, cần cân đối nguồn lực để huy động nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn; trong đó có cơ chế thu hút nguồn lực từ doanh nghiệp, người dân. Đặc biệt, chú trọng tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất, nâng cao đời sống ở nông thôn và quan tâm giáo dục đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng.
V.H