Truy tố 2 cựu Bộ trưởng trong vụ Công ty Việt Á
Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã ra cáo trạng truy tố bị can trong vụ án Công ty Việt Á về các tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", "Tham ô tài sản", "Nhận hối lộ" và "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Trong số này, 6 người bị truy tố về tội "Nhận hối lộ" là: Cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long; Nguyễn Huỳnh, cựu thư ký của Nguyễn Thanh Long; Phạm Duy Tuyến, cựu Giám đốc CDC Hải Dương; Trịnh Thanh Hùng, cựu Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ; Nguyễn Minh Tuấn, cựu Vụ trưởng Trang thiết bị và Công trình Y tế, Bộ Y tế; Nguyễn Nam Liên, cựu Vụ trưởng Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế.
Phan Quốc Việt (Tổng Giám đốc Công ty Việt Á) và Vũ Đình Hiệp (Phó Giám đốc Công ty Việt Á) bị truy tố về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" và "Đưa hối lộ". Phan Tôn Noel Thảo và Hồ Thị Thanh Thảo, trợ lý tài chính và thủ quỹ của Công ty Việt Á, bị truy tố về tội "Đưa hối lộ".
Cựu Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh bị truy tố về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí".
Các bị can khác gồm nhiều Vụ trưởng, Vụ phó cấp Bộ; cán bộ UBND hoặc Tỉnh ủy; lãnh đạo cấp sở, nhân viên y tế, cán bộ CDC của 24 tỉnh, thành phố.
Trong vụ án này, Phan Quốc Việt bị xác định có vai trò chủ mưu, cầm đầu. Theo cáo trạng, đầu năm 2020, khi dịch COVID-19 bùng phát mạnh, Phan Quốc Việt biết chủ trương nghiên cứu sinh phẩm phục vụ phòng, chống dịch nên xin cùng tham gia đề án. Ngay sau khi được chuyển giao quy trình nghiên cứu kit xét nghiệm, Việt giao cấp dưới tiếp tục phát triển để sản xuất, rồi xin cấp phép lưu hành, kinh doanh thương mại.
Để Công ty Việt Á được tham gia nghiên cứu đề tài, phát triển sản phẩm kit test được cấp số đăng ký lưu hành sản phẩm không thuộc sở hữu của Công ty Việt Á, tạo điều kiện hiệp thương giá và kiểm tra giá hiệp thương theo giá đã được nâng khống, Phan Quốc Việt đã đưa tổng số tiền là 3,45 triệu USD và 4 tỷ đồng cho một số cán bộ liên quan trong vụ án.
Bên cạnh đó, quá trình Công ty Việt Á sản xuất và tiêu thụ kit test, với mục đích để Công ty Việt Á được thuận lợi trong việc tiêu thụ kit test, thu lời bất chính, Phan Quốc Việt trực tiếp hoặc chỉ đạo 7 nhân viên phụ trách vùng của Công ty Việt Á liên hệ làm việc và thỏa thuận, thống nhất với lãnh đạo, cán bộ các công ty trung gian (Công ty Việt Á bán cho các đơn vị, cơ sở y tế qua công ty trung gian) hoặc lãnh đạo, cán bộ các đơn vị, cơ sở y tế để Công ty Việt Á giao kit test và các thiết bị, vật tư y tế khác cho các đơn vị, cơ sở y tế sử dụng trước. Sau đó thông đồng hợp thức hồ sơ đấu thầu, ký hợp đồng để đơn vị, cơ sở y tế thanh quyết toán, chuyển tiền cho Công ty Việt Á/công ty trung gian theo đơn giá do Công ty Việt Á/công ty trung gian đưa ra.
Khởi tố Giám đốc Trung tâm nghiên cứu triển khai khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh
Ngày 30/9, thông tin từ Bộ Công an cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố Giám đốc Trung tâm nghiên cứu triển khai khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh Ngô Võ Kế Thành và 6 bị can khác liên quan đến vi phạm về đấu thầu, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Qua công tác điều tra, xác minh, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã chứng minh làm rõ trong quá trình lập, phê duyệt, tổ chức đấu thầu Dự án đầu tư nâng cấp và mua sắm máy móc thiết bị phục vụ nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm sản phẩm vi cơ điện tử tại Trung tâm nghiên cứu triển khai khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh, đủ căn cứ xác định hành vi thông đồng giữa Cơ quan quản lý nhà nước, chủ đầu tư, nhà thầu tư vấn đấu thầu và nhà thầu cung cấp thiết bị là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại Dịch vụ kỹ thuật T.S.T để trúng thầu, vi phạm nghiêm trọng các quy định của Luật Đấu thầu, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho tài sản nhà nước.
Ngày 28/9/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố 7 bị can; ra lệnh bắt bị can để tạm giam đối với: Ngô Võ Kế Thành (sinh năm 1980, trú tại phường 14, quận 11, Thành phố Hồ Chí Minh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu triển khai khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh); Hoàng Minh Bá (sinh năm 1978, trú tại đường Tôn Thất Tùng, phường Bến Thành, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, Giám đốc Công ty TST); Huỳnh Trọng Nghĩa (sinh năm 1975, trú tại phường 6, quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh, Giám đốc Công ty Trường Thịnh) về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại khoản 3 Điều 222 Bộ luật Hình sự.
Về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ", Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố: Trần Thị Bình Minh (sinh năm 1963, nguyên Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh, đang bị tạm giam trong vụ án xảy ra tại Trung tâm Công nghệ sinh học Thành phố Hồ Chí Minh); Phan Tất Thắng (sinh năm 19, phường 10, quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Phòng Kinh tế, Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh).
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Trần Duy Phước (sinh năm 1978, trú tại phường Hiệp Thành, quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh, nguyên Kế toán trưởng Công ty TST); Nguyễn Đức Quỳnh (sinh năm 1980, trú tại phường 13 quận Phú Nhuận, Nguyên nhân viên Trung tâm nghiên cứu triển khai khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh) về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại khoản 3 Điều 222 Bộ luật Hình sự.
Sau khi Viện kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã thi hành các Quyết định, Lệnh nêu trên đúng quy định của pháp luật, thu giữ nhiều hồ sơ, tài liệu liên quan đến vụ án.
Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang tiếp tục điều tra triệt để, mở rộng vụ án, áp dụng các biện pháp theo luật định để thu hồi tài sản cho Nhà nước.
Gia Lai: Thi hành kỷ luật và đề nghị xử lý kỷ luật đảng viên có vi phạm
Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Gia Lai có thông cáo báo chí thông tin về Kỳ họp lần thứ 37 diễn ra vào ngày 26/9.
Tại Kỳ họp này, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Gia Lai đã tiến hành xem xét và thi hành kỷ luật, đề nghị thi hành kỷ luật đối với: Nguyễn Tư Sơn, nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo; Trương Quý Sửu, nguyên Trưởng phòng Kế hoạch và Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo, hiện là đảng viên Chi bộ 8, Đảng bộ phường Hoa Lư (thành phố Pleiku) vì vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm, vi phạm quy định về pháp luật đấu thầu, mua sắm; gây dư luận xấu trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, làm giảm uy tín của bản thân và tổ chức Đảng, cơ quan nơi sinh hoạt, công tác.
Xét tính chất, mức độ, nguyên nhân, hậu quả vi phạm, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức Khai trừ đảng đối với Trương Quý Sửu; báo cáo, đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định xử lý kỷ luật đối với đồng chí Nguyễn Tư Sơn theo quy định.
Cũng trong khuôn khổ Kỳ họp, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh uỷ Gia Lai đã tiến hành xem xét kết quả thực hiện quy trình kiểm điểm, xem xét trách nhiệm đối với Đảng đoàn Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh khóa X (nhiệm kỳ 2019-2024). Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy nhận thấy: Đảng đoàn Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã thiếu chỉ đạo kiểm tra, để cán bộ, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm trong việc quản lý, sử dụng Quỹ phòng, chống dịch COVID-19. Xét tính chất, mức độ, nguyên nhân, hậu quả vi phạm, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy yêu cầu Đảng đoàn Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh kiểm điểm nghiêm túc, rút kinh nghiệm sâu sắc; chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm đối với các tập thể và cá nhân có liên quan; đồng thời, chỉ đạo khắc phục đối với các hạn chế, khuyết điểm.
Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Gia Lai cũng xem xét kết quả thực hiện quy trình kiểm điểm, xem xét trách nhiệm đối với đồng chí Đinh Thị Giang, Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh, Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026, nguyên Phó Bí thư Đảng đoàn, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh. Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy nhận thấy: Đồng chí đã vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm; vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng quỹ; làm ảnh hưởng đến uy tín của bản thân và tổ chức Đảng, cơ quan nơi sinh hoạt, công tác. Xét tính chất, mức độ, nguyên nhân, hậu quả vi phạm, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức Khiển trách đối với đồng chí Đinh Thị Giang.
Xem xét kết quả giám sát đối với Chi bộ Cục Thi hành án dân sự tỉnh và 2 đảng viên có liên quan, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy nhận thấy: Bên cạnh những kết quả đạt được, Chi bộ Cục Thi hành án dân sự tỉnh và các đảng viên có liên quan còn một số hạn chế, khuyết điểm trong việc xây dựng và thực hiện Quy chế làm việc, việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, công tác phòng, chống tham nhũng. Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy yêu cầu Chi bộ Cục Thi hành án dân sự tỉnh và các đảng viên được giám sát tổ chức kiểm điểm nghiêm túc và xây dựng kế hoạch khắc phục đối với những hạn chế, khuyết điểm đã được chỉ ra.
Xem xét kết quả việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng đối với Huyện ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy, Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Chư Sê, kết quả kiểm tra tài chính Đảng đối với Huyện ủy Chư Sê, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy nhận thấy: Bên cạnh những ưu điểm, Ban Thường vụ Huyện ủy, Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Chư Sê còn một số hạn chế, khuyết điểm cần kiểm điểm nghiêm túc. Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy yêu cầu Ban Thường vụ Huyện ủy, Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Chư Sê tổ chức kiểm điểm trách nhiệm, chỉ đạo xây dựng kế hoạch và tập trung khắc phục đối với những hạn chế, khuyết điểm đã được chỉ ra.
Mưa hơn 200 mm gây úng ngập cục bộ nhiều nơi tại Hà Nội
Trong tuần qua, đáng chú ý là trận mưa lớn vào tạng sáng 28/9 ở Hà Nội, có nơi lên trên 200mm, gây ngập cục bộ.
Theo Công ty TNHH một thành viên thoát nước Hà Nội, do ảnh hưởng của vùng mây đối lưu, trên địa bàn Thành phố Hà Nội xảy ra mưa lớn, thời gian mưa tập trung từ 0h đến 6h ngày 28/9.
Lượng mưa đo được tại một số khu vực ở mức cao như huyện Mỹ Đức (202,1 mm), huyện Ứng Hòa (180,5 mm), quận Hoàng Mai (105,1 mm)...các quận trung tâm Hoàn Kiếm (47,3 mm), quận Ba Đình (61,0 mm), Hai Bà Trưng (56,7 mm), Đống Đa (51,3 mm)...
Đáng chú ý, một số tuyến phố có khả năng ngập sâu hơn với độ sâu 30-40cm như Cao Bá Quát (đoạn trước Công ty Môi trường đô thị Hà Nội), đường Đội Cấn, Đào Tấn, Liễu Giai, Ngọc Khánh, Thụy Khuê, Vương Thừa Vũ, Quan Nhân, Nguyễn Tuân, Nguyễn Trãi, Bùi Xương Trạch, Cự Lộc, Triều Khúc, Lương Thế Vinh, Nguyễn Huy Tưởng, Định Công, ngõ 192 Lê Trọng Tấn…
Tình trạng ngập lụt ở nội đô Hà Nội đã gây ra cảnh tắc đường, nước tràn vào nhà dân hoặc hầm chung cư gây thiệt hại lớn về tài sản.