Thủ tướng: Giải quyết các đề xuất của Hà Nội đảm bảo khả thi, hiệu quả, kịp thời, đúng hạn
Sáng 6/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì cuộc làm việc của Thường trực Chính phủ với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về tình hình phát triển kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm 2023 và kết quả giữa nhiệm kỳ Đại hội XVII của Đảng bộ Thành phố; đặc biệt, xử lý những kiến nghị và trao đổi tìm giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.
Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, trên cơ sở phân tích tình hình, quán triệt quan điểm trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu thành phố Hà Nội tiếp tục quán triệt, cụ thể hóa Nghị quyết 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng Sông Hồng; Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ và Nghị quyết của Thành ủy, HĐND, phấn đấu hoàn thành vượt mức các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra cho năm 2023, tạo nền tảng vững chắc cho những năm tiếp theo.
Theo Thủ tướng, Hà Nội phải nắm bắt tình hình, vận dụng sáng tạo vào tình hình thành phố và cả nước; khẩn trương hoàn thành Quy hoạch thành phố và các quy hoạch liên quan; thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xử lý các vấn đề gần đây, trong đó khắc phục các yếu kém của thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp; thực hiện miễn giảm thuế, phí, lệ phí; cơ cấu lại, giãn hoãn nợ, nhóm nợ; tập trung cho 3 động lực tăng trưởng là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính; giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí đầu vào cho sản xuất, kinh doanh; tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp mở rộng đầu tư, kinh doanh, tạo công ăn, việc làm, sinh kế cho người dân.
Đặc biệt, Hà Nội phải huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển, nhất là hợp tác công tư, trong đó thực hiện các mô hình “lãnh đạo công, quản trị tư”, “đầu tư công, quản lý tư”, “đầu tư tư, sử dụng công”.
Tăng giá bản lẻ điện từ 4/5
EVN đã thông tin về việc điều chỉnh giá bán lẻ điện. Với mức tăng 3% giá bán lẻ điện bình quân từ 4/5, các hộ gia đình bị tăng từ 2.500 - 27.000 đồng tiền điện mỗi tháng.
Theo Quyết định 377 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), từ ngày 4/5, điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân là 1.920,3732 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng).
Với mức giá bán lẻ điện bình quân hiện nay 1.864,44 đồng/kWh (chưa gồm thuế giá trị gia tăng), giá điện mới được điều chỉnh tăng thêm hơn 55,9 đồng/kWh (tương ứng với mức 3%). Sau 4 năm không được điều chỉnh kể từ lần gần nhất (tháng 3/2019), giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh tăng nhẹ kể từ 4/5.
Việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân được thực hiện trên cơ sở Bộ Công Thương họp báo công bố kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2021 và 2022 của EVN. Theo công bố này, tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện các năm 2021 là 419.031,80 tỷ đồng; năm 2022 lên 493.265,30 tỷ đồng.
Về việc tăng giá bán lẻ điện bình quân lên 3% sẽ giúp tháo gỡ khó khăn tài chính cho EVN ra sao, ông Nguyễn Xuân Nam, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho hay, với mức tăng giá 3% sẽ giúp cho EVN bớt đi khó khăn về tài chính.
Với mức tăng 3% thì ước tính doanh thu năm 2023 trong 8 tháng tới của EVN sẽ tăng thêm khoảng hơn 8.000 tỷ đồng. Theo đại diện EVN, mức điều chỉnh này tương đương mức tăng 3% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành, đây là con số thấp hơn nhiều so với kịch bản tăng giá được Tập đoàn Điện lực Việt Nam xây dựng và trình Bộ Công Thương xem xét trước đó.
“Về tác động lên chỉ số giá tiêu dùng (CPI), theo tính toán của Tổng cục Thống kê, nếu giá điện tăng 10% sẽ tác động vào CPI là 0,33 điểm phần trăm, 5% sẽ tác động vào CPI là 0,17% thì việc tăng 3% sẽ thấp hơn”, ông Nam cho hay.
Vụ án Việt Á rất phức tạp nên Bộ Công an xin gia hạn điều tra
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 5/5, Trung tướng Tô Ân Xô - Người phát ngôn của Bộ Công an đã cho biết các vụ án Ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng, tiêu cực chỉ đạo đều được Bộ Công an tiến hành điều tra tích cực khẩn trương, cơ bản hoàn thành tiến độ.
Cũng theo Trung tướng Tô Ân Xô, riêng vụ Việt Á, Bộ Công an dự kiến có kết luận điều tra trong quý I/2023 nhưng do tính chất phức tạp của vụ án, có quá nhiều vụ án đang phải tiến hành đồng thời nên Bộ Công an đề xuất với Ban Chỉ đạo xin gia hạn điều tra, phấn đấu có kết luận điều tra vụ Việt Á trong quý II. Bộ Công an đang tích cực tiến hành.
Về vụ án liên quan đến ông Lê Thanh Thản (Tập đoàn Mường Thanh), vụ án này do cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an Hà Nội tiến hành. Theo báo cáo của Công an Hà Nội, ngày 5/7/2019, cơ quan CSĐT Công an Hà Nội đã tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Nhiều người tưởng chưa khởi tố nhưng thực tế đã khởi tố vụ án và khởi tố bị can. Tuy nhiên không áp dụng biện pháp ngăn chặn và vẫn cho tại ngoại với ông Lê Thanh Thản.
Cũng theo Trung tướng Tô Ân Xô, ngày 6/8/2019 và ngày 21/10/2019, cơ quan CSĐT, Công an Hà Nội tiếp tục khởi tố bổ sung vụ án, trong đó khởi tố thêm 6 cá nhân khác, đó là các ông Đỗ Văn Hưng (nguyên Chủ tịch UBND phường Kiến Hưng); ông Nguyễn Duy Uyển; ông Bùi Văn Bằng (cùng là nguyên Phó Chủ tịch UBND phường); ông Nguyễn Văn Năm (nguyên Chánh Thanh tra xây dựng quận Hà Đông); ông Vương Đăng Quân (nguyên Phó Chánh thanh tra xây dựng quận) và ông Mai Quang Bài (cán bộ thanh tra xây dựng quận Hà Đông, phụ trách địa bàn phường Kiến Hưng), về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Vụ án phức tạp, phải 5 lần điều tra bổ sung nên kéo dài từ 2019 đến nay. Trước đó, ngày 14/4, Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội đã ban hành cáo trạng truy tố 7 bị can trên và Tòa án nhân dân TP Hà Nội sẽ tiến hành xét xử trong tháng 6 tới.
Đón 7,3 triệu lượt khách dịp nghỉ lễ 30/4-1/5
Tổng cục Du lịch cho biết, trong kỳ nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và 30-4, 1-5 (từ ngày 29-4 đến 3-5), cả nước ước tính đã đón khoảng 7,3 triệu lượt khách, trong đó có 300.000 khách quốc tế, khoảng 7 triệu lượt khách nội địa (tăng 40% so với cùng kỳ năm 2022)
Trong số 7,3 triệu lượt khách có 3,2 triệu lượt khách có lưu trú. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 24.000 tỷ đồng (tăng 9% so với cùng kỳ). Công suất phòng trung bình tại các cơ sở lưu trú du lịch đạt 60%, đặc biệt với những ngày cao điểm đạt trên 70%, một số khu vực đạt tỷ lệ lấp đầy 95-100%.
Lượng khách đặt tour đi nước ngoài tăng mạnh, đạt tỷ lệ lấp đầy hơn 90%, thậm chí có tour đã hết chỗ như Thái Lan, Hàn Quốc, Bali (Indonesia),…
Trong khi các địa phương tăng trưởng lượng khách thì Phú Quốc giảm. Một trong lý do khiến lượng khách giảm tại điểm du lịch Phú Quốc (Kiên Giang) là do vé máy bay tới Phú Quốc cao khiến nhiều khách không lựa chọn điểm đến này.
Theo các chuyên gia du lịch, một đặc điểm du lịch kỳ nghỉ lễ này là: Khách đông, đi gần, ở ngắn, chi tiêu ít, tự túc.