Không ít người dân sinh sống trên các tuyến phố có lưu lượng người và phương tiện tham gia giao thông lớn như: Khâm Thiên, Nguyễn Lương Bằng, Tây Sơn (Đống Đa), Phố Vọng, Nguyễn An Ninh, Lĩnh Nam (Hoàng Mai), hay đường Giải Phóng… đều phản ánh tình trạng mất an toàn giao thông do nguyên nhân chính là lái xe tránh “ổ gà” và gây ra tai nạn. Tai nạn thường tăng sau những cơn mưa do “ổ gà” bị che khuất bởi nước đọng khiến nhiều phương tiện “mắc bẫy”, mất tay lái.
Người đi đường luôn phải chú ý tránh những ổ gà trên đường Nguyễn Lương Bằng, quận Đống Đa (Hà Nội). |
Tham gia giao thông dọc phố Khâm Thiên hay Nguyễn Lương Bằng, mọi người đều có thể phát hiện thấy những “ổ gà” xuất hiện chằng chịt bên cạnh những “ổ voi” là những nắp hố ga lồi lõm, chềnh ềnh giữa đường. Tất cả phương tiện lưu thông trên các tuyến đường này đều phải chăm chú để tránh “ổ gà”. Bác Nguyễn Đức Thìn, nhà trên phố Nguyễn Lương Bằng cho hay: “Những “ổ gà”, “ổ voi” này xuất hiện là hậu quả do các đơn vị thi công thảm nhựa đường. Bên cạnh đó, các đơn vị đào đường khiến mặt đường dễ bị biến dạng.
Tại tuyến đường Định Công mới chạy dọc sông Lừ dẫn vào khu đô thị mới Đại Kim (Hoàng Mai), người tham gia giao thông gặp vô vàn khó khăn do vài năm trở lại đây, con đường này bị xuống cấp trầm trọng, mà không được sửa chữa dứt điểm. Những “ổ gà, ổ voi” nối tiếp nhau trở thành nỗi ám ảnh của người dân khi đi qua đây. Nhiều người dân sống ven đường đã phải rải gạch đá vụn vào những hố sâu để hạn chế tai nạn đáng tiếc xảy ra.
Chị Thu Bích, bán hàng tạp hóa trên đường Định Công bức xúc: Sau mỗi lần có mưa thì tuyến đường bị lầy lội, đọng nước, còn ngày nắng thì bụi mù trời. Ai đi đường cũng phải lấy tay bịt mồm, bịt mũi, che mặt. Nếu có xe buýt, xe tải đi qua, thì người đi đường phải tránh xa vì nguy cơ xảy ra tai nạn do phải tránh bụi, tránh “ổ voi, ổ gà” là rất lớn.
Đường Tam Trinh hướng đi Pháp Vân hay đường Lĩnh Nam nối với đường dẫn lên cầu Thanh Trì hiện cũng đang là “nỗi ám ảnh” đối với người và phương tiện lưu thông qua đây. Anh Trần Long, nhà ở đường Tam Trinh cho biết: “Hàng ngày, các phương tiện qua lại rất đông đúc, đặc biệt là các loại xe tải hạng nặng, khiến cho đường nhanh chóng xuống cấp. Nhiều người dân đã đổ đất thải lấp tạm các “ổ voi, ổ gà”. Chúng tôi đã nhiều lần gửi đơn đề nghị các cơ quan chức năng nhưng việc xử lý rất chậm”.
Qua tìm hiểu, tình trạng triển khai chậm các công trình hạ tầng giao thông của thành phố cũng là một trong những lý do khiến đường sá xuống cấp nhanh. Dự án cải tạo, nâng cấp hai tuyến đường Lĩnh Nam và Tam Trinh mở rộng mặt đường lên 40 - 55 m bị “treo” gần chục năm trong khi lượng phương tiện tăng nhanh đã khiến các tuyến đường bị xuống cấp nghiêm trọng…
Ông Vũ Ngọc Thắng, Phó trưởng phòng Giao thông đô thị (Sở GTVT Hà Nội) cho biết: Hà Nội hiện có 6 đơn vị được thành phố đặt hàng duy tu, bảo dưỡng các tuyến đường giao thông thường xuyên tại các quận, huyện. Định kỳ hàng tháng, theo quy trình, các đơn vị này sẽ đi kiểm tra các tuyến đường, nếu bị xuống cấp phải lập kế hoạch, khảo sát thi công sửa chữa. Trước thực tế trên, Sở sẽ đốc thúc các đơn vị phụ trách các tuyến đường kiểm tra và sửa chữa ngay.
Năm 2016 là năm thực hiện “Năm trật tự, văn minh đô thị” giai đoạn 2016 - 2020 của thành phố, với mục tiêu giảm từ 5 - 10% số vụ tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt so với năm 2015; giảm số “điểm đen” về tai nạn giao thông. TP Hà Nội cần sớm triển khai các biện pháp xử lý dứt điểm tình trạng đường sá xuống cấp, mới mong đạt được những mục tiêu đề ra.