Ô nhiễm từ… nấu ăn
Nhiều người vẫn có quan điểm ra ngoài đường mới bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm không khí, nhưng thực tế ít ai ngờ là ngay trong nhà cũng ẩn chứa nguy cơ ô nhiễm không khí.
Mới đây, PGS.TS. Trần Ngọc Quang (Đại học Xây dựng) cùng cộng sự đã công bố nghiên cứu về tác động giữa ô nhiễm không khí ngoài trời và ô nhiễm không khí trong nhà.
Nhóm nghiên cứu chọn 6 điểm đo ở ngoài trời và 6 điểm đo ở trong nhà là các căn hộ chung cư tại Hà Nội. Kết quả cho thấy, tại 6 điểm đo ngoài trời, nồng độ bụi siêu mịn trong giờ cao điểm lên tới 27.000-31.000 hạt/cm3. Nồng độ này tương đương với kết quả quan trắc trung bình của bụi mịn ở Bắc Kinh vào năm 2014 (30.000 hạt/cm3). Trong đó, điểm đo Linh Đàm có giá trị cao hơn hẳn các nơi khác. Nguyên nhân được nhóm nghiên cứu đưa ra là do Linh Đàm gần đường vành đai 3 - nơi có mật độ giao thông lớn.
Còn hàm lượng bụi siêu mịn trong nhà ở 6 điểm đo bằng khoảng một nửa so với ngoài trời, tùy thuộc vào địa điểm. “Chúng ta dành phần lớn thời gian trong nhà, đặc biệt là người già và trẻ em nên nguy cơ phơi nhiễm do ô nhiễm không khí rất cao”, PGS. TS Trần Ngọc Quang cho biết.
Theo kết quả của nhóm nghiên cứu, bên cạnh nguyên nhân do bụi từ bên ngoài, bụi trong nhà còn phát sinh từ các hoạt động của gia đình, đặc biệt là hoạt động nấu ăn. “Tại một điểm đo, có thời điểm nồng độ bụi còn cao hơn ngoài trời. Lý do là thời điểm đó, chủ nhà rang lạc, nấu ăn. Hoạt động này cũng góp phần tạo ra bụi siêu mịn”, PGS.TS Trần Ngọc Quang chia sẻ.
Còn theo nghiên cứu của Tổ chức Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) công bố mới đây, bụi và nhiều loại vi khuẩn gây hại ẩn chứa ở rất nhiều nơi không ngờ đến trong nhà: Trên bề mặt các vật dụng, trong các sợi cotton trong gối, chăn, tấm trải giường, trong không khí, được sản sinh ngay cả từ bếp nướng, khói thuốc hay sự thiếu thông hơi trong ngôi nhà... Ở nhà có người lớn hút thuốc, không khí độc hại đến mức trẻ em sẽ có nguy cơ rất cao bị hen suyễn, viêm phổi, nhiễm trùng tai.
Nguy hại sức khỏe
Theo các chuyên gia, trong không khí hiện nay, bụi bẩn bình thường có kích thước khoảng 20 micromet (μm). Bụi mịn có kích thước chỉ 10μm và nhiều hơn cả là bụi siêu mịn nhỏ hơn 2,5μm. Những bụi này, khẩu trang bình thường không ngăn được, nên nó dễ dàng xâm nhập vào cơ thể và gây ra nhiều bệnh về đường hô hấp, bệnh ung thư và thậm chí làm thay đổi cấu trúc ADN của con người.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, mỗi năm có 4,3 triệu người tử vong sớm do ô nhiễm không khí trong nhà gây ra bởi việc sử dụng không hiệu quả các nhiên liệu rắn trong khi nấu ăn. Trong đó, khoảng 12% số người tử vong do viêm phổi, 34% do đột quỵ, 26% do thiếu máu cục bộ cơ tim, 22% do bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và 6% chết vì ung thư phổi.
TS Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Môi trường cho biết, thực trạng ô nhiễm không khí trong nhà ngày càng cần được quan tâm hơn. Đây là vấn đề được các quốc gia phát triển rất chú trọng song Việt Nam chưa quan tâm. Trong khi đó, thời gian mọi người ở trong nhà nhiều hơn ngoài trời.
“Vì vậy cần chương trình nghiên cứu tổng thể, bài bản để làm rõ nguồn gây ô nhiễm, mức độ gây ô nhiễm trong nhà tại Việt Nam để mọi người có thể biết và giảm thiểu tình trạng này”, TS Hoàng Dương Tùng cho biết.
TS Hoàng Dương Tùng cũng đưa ra khuyến cáo, để bảo vệ sức khỏe, người dân nên có những biện pháp tự bảo vệ mình như thường xuyên dọn dẹp nhà cửa, hạn chế sử dụng những sản phẩm gây ô nhiễm, thiếu thân thiện môi trường như bếp than tổ ong…
Người dân nên theo dõi chất lượng không khí qua các trạm đo trên cổng thông tin điện tử thành phố Hà Nội hoặc mạng quan trắc của Tổng cục Môi trường. Bản đồ sẽ cho chúng ta biết chỉ số AQI của từng khu vực cụ thể cùng thông tin chi tiết để có biện pháp phòng tránh. Với những ngày không khí bên ngoài ô nhiễm thì không nên mở cửa và nên có những công cụ lọc không khí trong nhà như máy lọc không khí…