Có một người vì yêu mà làm nhiều việc cho Hà Nội. Cuộc đời ông dường như đã gắn bó mật thiết với làn sóng nước, với rùa Hồ Gươm. Ông là Phó Giáo sư - Tiến sĩ Hà Đình Đức - người vừa được báo TT&VH trao Giải thưởng “Bùi Xuân Phái Vì tình yêu Hà Nội”.
Ông “Đức Rùa”
Đến nhà ông, đâu đâu cũng thấy hình ảnh rùa. Giữa sân, một con rùa bò lổm ngổm. Trên bàn làm việc của mình, ông bày một bức ảnh rùa nổi giữa sóng nước Hồ Gươm. Góc phòng cũng có 4 bức tượng rùa bày trang trọng trên một cái đôn sứ. Còn trong tủ sách lung linh một chú rùa bằng kim loại màu vàng. Đó là chưa kể trên tường nhà ông, từ tầng 1 lên tầng 2 treo rất nhiều ảnh rùa. “Hình như giữa tôi và Cụ Rùa có một mối liên hệ nào đó khó lý giải”, ông bắt đầu câu chuyện của mình như thế.
Không chỉ nghiên cứu bảo vệ rùa Hồ Gươm, ông còn quan tâm nghiên cứu, bảo vệ toàn diện từ môi trường sinh thái đến cảnh quan kiến trúc và lịch sử văn hóa của khu vực Hồ Gươm và của cả Hà Nội nói chung.
PGS Hà Đình Đức đo kích thước rùa Hồ Gươm (Ảnh chụp ngày 29/5/2011). Ảnh do nhân vật cung cấp |
Hai mươi năm qua, ông “theo dõi” từng biến động sức khỏe của Cụ Rùa. Đến nỗi, “ăn tôi cũng nghĩ đến rùa, ngủ tôi cũng mơ thấy rùa”, ông Đức cười hóm hỉnh. Ông có thể kể hàng giờ về rùa Hồ Gươm, nhớ chính xác số lần “cụ” xuất hiện.
Ông bảo: “Người quý thì gọi tôi là ông “Đức Rùa”, “Giáo sư Rùa”, “Con trai Thần Rùa”. Người không thích thì cho tôi là “nhiễu sự”, “lão già rách việc”, “lão rỗi hơi”, nhiều tên lắm. Tôi không quan tâm đến những cái tên đó, cốt yếu việc mình làm là bảo vệ bằng được Cụ Rùa, bảo vệ Hồ Gươm. Đó là điều tôi cảm thấy toại nguyện”.
Ông nhiều lần miệt mài gõ cửa các cấp chính quyền để trình lên những giải pháp mà ông dày công nghiên cứu về rùa Hồ Gươm. Để phản đối dự án nạo vét Hồ Gươm, ông đã gửi tờ trình lên Thủ tướng Chính phủ, trong đó có những lời tràn đầy tâm huyết như: “Công việc nạo vét Hồ Gươm có thể làm xáo trộn môi trường đang sống yên ổn xưa nay của loài rùa quý và có nhiều khả năng đưa chúng tới chỗ diệt vong. Để bảo vệ loài rùa quý này, tôi tha thiết đề nghị tạm hoãn công việc nạo nét lòng hồ để tiến hành nghiên cứu những đặc điểm sinh thái và sinh học của loài rùa cũng như điều kiện sống hiện tại của chúng”. Lá thư của ông đã được Chính phủ đồng tình và chia sẻ.
Cuối năm 2010, sức khỏe rùa Hồ Gươm bị đe dọa, ông cũng đã nhiều lần đến quấy nhiễu các vị lãnh đạo thành phố Hà Nội để tìm cách thuyết phục nhằm đưa rùa lên bờ tìm cách cứu chữa.
Trong căn phòng làm việc của mình, ông lưu giữ rất nhiều sổ sách, hình ảnh, tài liệu, báo chí trong và ngoài nước. Đó là gia tài mà ông có được từ mấy chục năm qua về nhiều vấn đề liên quan đến lịch sử Hồ Gươm và rùa Hồ Gươm. Thật chẳng ngoa khi nhiều người gọi ông là cuốn “từ điển sống” về rùa Hồ Gươm. “Tôi còn giữ rất nhiều bức ảnh, đoạn clip về rùa Hồ Gươm do nhiều người bất chợt đi qua hồ, thấy Cụ Rùa nổi, liền chụp hay quay lại và gửi cho tôi. Đáng quý lắm vì có nhiều người yêu Hà Nội như thế”, ông xúc động nói.
Trong khoảng 2 tiếng đồng hồ, điện thoại của ông liên tục reo. Người thì hỏi: “Bác Đức ơi, hôm nay mưa to, nước hồ tràn lên đường Đinh Tiên Hoàng, liệu Cụ Rùa có sao không bác?”, hay thông báo “Hình như hôm nay Cụ Rùa nổi phía đường Bảo Khánh bác ạ”...
Họ tin tưởng và yêu mến ông, muốn nhờ ông gom góp những tình cảm ấy thành một việc làm có ý nghĩa cho Thủ đô Hà Nội.
Tấm lòng của một nhà khoa học
Ông tâm sự: “Tôi yêu Hà Nội theo kiểu của riêng mình. Và tôi luôn tâm niệm phải làm việc gì đó có ích cho Hà Nội, phải biến tình yêu ấy thành những việc làm vì Hà Nội”. Và Giải thưởng Bùi Xuân Phái - “Việc làm - Vì tình yêu Hà Nội” 2011 là sự ghi nhận xứng đáng cho những công sức của ông và các nhà quản lý, nhà khoa học trong việc chăm sóc, cứu chữa Rùa Hồ Gươm - "linh vật sống" của Thủ đô Hà Nội.
Một người không sinh ra ở Hà Nội, nhưng lại dâng hiến toàn bộ trí lực và tình yêu của mình cho mảnh đất ngàn năm văn hiến như ông thì thật hiếm có. Nghe ông say sưa nói về những vấn đề liên quan đến Cụ Rùa và Hồ Gươm, tôi chợt nhận ra, dường như trong trái tim ông, chưa bao giờ thôi cháy bỏng một tình yêu Hà Nội.
Ông là người góp một phần công sức trong việc đưa Rùa Hồ Gươm lên bờ để chăm sóc, cứu chữa. Bất chấp những nghi ngại, lời ra tiếng vào, ông quyết bảo vệ chính kiến của mình. Ông đã thuyết phục các vị lãnh đạo thành phố để có được những quyết định sáng suốt bằng những tấm ảnh chụp rùa với những vết thương trên mai, trên lưng, bằng cả 20 năm trời ông đeo đuổi “Cụ” Rùa. Và ông đã không uổng công khi những quyết định kịp thời của thành phố đã bảo vệ, cứu sống một cá thể, một di sản sống có nguy cơ tuyệt chủng.
Những việc ông làm cho Hồ Gươm, cho Hà Nội như: Đề xuất nạo vét Hồ Gươm bằng phương pháp thủ công, không làm xáo trộn môi trường sống yên ổn của loài rùa quý (năm 1993); đề nghị dừng dự án xây dựng tòa nhà 4 tầng làm Trung tâm Văn hóa Du lịch tại 16 Lê Thái Tổ bên cạnh tượng vua Lê, tránh xúc phạm di tích lịch sử có giá trị, phá vỡ cảnh quan khu vực Hồ Gươm (năm 1996); báo động loài rùa tai đỏ - loài ngoại lai xâm hại đã xuất hiện ở Hồ Gươm (năm 2004)...
Tất nhiên, không phải đề xuất, góp ý nào của ông cũng chí lý, nhưng tấm lòng, cái tâm của ông trong đó là không thể phủ nhận. Với một tình yêu như thế, tin rằng tới đây sẽ có nhiều việc làm – Vì tình yêu Hà Nội được ông làm không chỉ cho riêng mình.
Nguyễn Cúc