Ông già diệt Mỹ thành ông chủ than đen

Ông là người lính đã vào sinh ra tử trên các chiến trường miền Đông, miền Tây Nam bộ. Những năm tháng trong quân ngũ, ông không chỉ là dũng sĩ diệt Mỹ, mà còn tích cóp được nhiều kinh nghiệm và bản lĩnh sống, để giờ đây trở về với cuộc sống đời thường ông vẫn chiến đấu trên mặt trận kinh tế, mang lại cuộc sống ấm no hạnh phúc cho bản thân, gia đình và xã hội. Ông là Trần Xuân Hỗ ở phường Đông Giang, Cẩm Phả, đất mỏ Quảng Ninh.


Trận đánh tàu địch không thể nào quên


Ngồi trước mặt tôi là ông Trần Xuân Hỗ, chiến sĩ đoàn đặc công M26 hải quân năm xưa, người đã nhiều lần rà phá thủy lôi của Mỹ trên cửa biển Cửa Việt, Quảng Trị. Ông kể cho tôi nghe về cuộc đời lính biển của ông. Cũng như bao chàng trai làng khác, theo tiếng gọi thiêng liêng của Đảng, chàng trai Trần Xuân Hỗ lên đường nhập ngũ. Nơi ông nhận nhiệm vụ là đoàn đặc công M26 hải quân.


Ông Trần Xuân Hỗ cùng công nhân đang kiểm tra máy móc trong xưởng.


Những năm 1967 -1969, cuộc chiến đấu diễn ra trên các chiến trường miền Nam rất ác liệt, trong đó Cửa Việt là một trọng điểm ném bom của Mỹ đối với mục tiêu hải quân. Vào một đêm giá lạnh tháng 10 năm 1969, ông cùng 3 đồng đội khác mặc quần áo nhái, “xuất quỉ nhập thần” đánh chìm tàu dầu Nôxiubi tại Cửa Việt. “Lúc đó, bốn chúng tôi hăng hái lắm.


Khi nhận được lệnh cấp trên là anh em sẵn sàng đi ngay. Trời thì rét căm căm, phải ngâm mình trong nước lạnh giá. Một người nghi binh, một người cảnh giới, còn tôi đã bơi bám vào mạn tàu và đặt mìn hẹn giờ ở mũi lái. Sau khi đặt mìn xong, tôi bơi vào vị trí bí mật và cả bốn anh em chờ mìn nổ. Đúng như đã hẹn, một tiếng nổ đanh thép, rồi tiếp theo nhiều tiếng nổ khác phía thân tàu.


Toàn bộ tàu Nôxiubi bốc cháy rồi chìm dần trong biển nước. Lúc đó chúng tôi ôm nhau mà khóc. Khóc vì mừng quá, vì đã thắng lợi. Đó là kỷ niệm trong đời lính mà tôi không thể nào quên”, ông Hỗ nhớ lại.


Sau trận đánh chìm tàu ở Cửa Việt, anh lính Trần Xuân Hỗ lại tham gia chiến dịch Tây Nguyên, chiến dịch Khe Sanh. Đến bây giờ, ông không còn nhớ chính xác ông đã đi những chiến trường nào, dấu chân ông đã in những đâu, chỉ biết ông đã được phong tặng danh hiệu cao quí “Dũng sĩ diệt Mỹ”.


Và ông chủ hôm nay


Năm 1993, người “Dũng sĩ diệt Mỹ” Trần Xuân Hỗ nghỉ hưu. Lúc ấy, gia đình nghèo quá. Cơm không đủ ăn, các con thì nhỏ. Đồng lương ít ỏi của hai vợ chồng không đủ nuôi các con ăn học. Phải làm thế nào để thoát nghèo khi hành trang của mình chẳng có gì ngoài nghị lực và bản lĩnh của người lính? Lúc ấy, ông chỉ biết rằng không thể bó tay ngồi một chỗ khi con ăn đói, mặc rách đến trường.


Bao đêm ông trằn trọc với chỉ một điều: “Làm gì để thoát nghèo và giúp đỡ vợ con khi còn sức khỏe”? Thế rồi ông bắt tay vào làm đủ thứ nghề. Ban đầu là sản xuất đinh, sau đó xoay sang nghề dập quản bút học sinh. Do sản phẩm làm ra là hàng gia công nên không đủ sức cạnh tranh với sản phẩm nhà máy, lợi nhuận thu về chẳng đáng là bao, không tồn tại trên thị trường, thế là dẹp tiệm. “Chẳng lẽ lại bó tay. Thua keo này ta bày keo khác”.


Ông suy nghĩ đến ốm cả người. Không ngờ người lính xông pha chiến trận ngày nào, diệt giặc dễ như trở bàn tay, vậy mà trên “chiến trường” kinh tế lại khó thế. Ông bắt tay vào công việc mới, đó là nghề đóng than tổ ong.


Ông kể lại: “Nghề đóng than tổ ong đến với tôi tình cờ, vậy mà lại hay. Trong một lần uống nước chè chát vỉa hè, tôi gặp những người thợ làm than đang trò chuyện vui vẻ. Qua tìm hiểu từ họ, tôi nảy sinh ý định mở xưởng than tổ ong bán lẻ và cung cấp cho các đầu mối. Những ngày đầu khó khăn về vốn liếng, tôi đã chạy ngược chạy xuôi vay bạn bè, anh em, ngân hàng để có tiền mở xưởng. Mình tôi trằn lưng nhào nặn, vào khuôn.


Thời gian đầu có ngày đóng được cả trăm viên than coi như thắng lợi. Nhiều hôm, than mới đóng xong thì trời đổ mưa như trút nước. Không có bạt che, tôi đành đứng nhìn những viên than rã dần theo nước mưa mà ứa nước mắt. Cũng có hôm, cả dãy than dài đổ sập nhão nhoẹt nước vì mưa”.


Thời gian lặng lẽ trôi, từ những viên than tổ ong thấm đẫm bao mồ hôi và nước mắt, ông đã có tiền mua những vật dụng đắt tiền, xây nhà cửa khang trang và trang trải cho ba con ăn học.


Từ chỗ một mình làm quần quật, một ngày cũng chỉ đóng được trăm viên than, nay ông đã có một xưởng than tổ ong, giải quyết công ăn việc làm cho hơn chục lao động cùng khu phố. Bà con khu phố rất khâm phục đức chịu khó cần cù của ông.


Ông đã giúp con của họ việc làm có thu nhập ổn định lại không vướng vào tệ nạn xã hội trong khi thị xã Cẩm Phả, Quảng Ninh là một điểm đen về tệ nạn ma túy mại dâm.


Khi nói về những thành công, ông tâm sự: “Trở về cuộc sống đời thường phải phát huy “chất lính” chứ. Phải nói thật, những ngày đầu làm kinh tế rất khó khăn, song nhờ có bản lĩnh Cụ Hồ và vợ con động viên mà bao khó khăn tôi cũng vượt qua. Bây giờ thì khỏe rồi, cả xóm này ai cũng gọi tôi là ông già diệt Mỹ thành ông chủ than đen. Tôi muốn nói với các bạn thanh niên lớp trẻ hiện nay một điều, công sức trí tuệ và lòng nhiệt huyết là chìa khóa của thành công”, rồi ông vỗ tay đôm đốp và cười hể hả.



Bài và ảnh:Mai Thắng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN