Đa số thạc sỹ, tiến sỹ cho rằng, ngoài chính sách tiền lương chưa thỏa đáng, thì cơ sở vật chất thiếu thốn cũng chưa đáp ứng được nhu cầu làm việc và nghiên cứu.
Một GS.TS Chuyên ngành về tài chính (giấu tên): Những sáng tạo của thạc sỹ, tiến sỹ cần có sự tôn trọng
Sở dĩ những tiến sỹ, thạc sỹ khi học ở nước ngoài không muốn quay trở về nước làm việc là bởi, khi ra nước ngoài họ đã được học tập và làm việc trong một môi trường rất tốt và có khả năng tiến xa hơn trong sự nghiệp. Đặc biệt, đối với những tiến sỹ, thạc sỹ nghiên cứu các môn khoa học, hầu như về Việt Nam họ không có cơ hội phát triển thêm. Bên cạnh đó, chính sách, phúc lợi xã hội ở nước ngoài khá tốt, nên việc họ quyết định ở lại nước ngoài là chuyện dễ hiểu. Còn đối với những tiến sỹ, thạc sỹ đã quay về Việt Nam làm việc nhưng lại không làm trong các đơn vị Nhà nước, cũng do môi trường làm việc và đồng lương chưa thỏa đáng với những gì họ bỏ ra. Thường những người đã đi học nước ngoài về họ rất chủ động và thích đưa ra những ý kiến sáng tạo tuy nhiên những ý kiến đó thường bị đánh giá thiếu thực tế và thiếu sự tôn trọng.
Tôi nghĩ, để thu hút những tiến sỹ, thạc sỹ gắn bó lâu dài với các cơ quan Nhà nước thì chúng ta cần phải có một chính sách thỏa đáng về lương bổng, đặc biệt là môi trường làm việc. Có thể những ý kiến, những sáng tạo của họ chưa phù hợp với môi trường hiện tại, nhưng những ý kiến đó cần phải được tôn trọng. Bên cạnh đó, hiện nay chúng ta vẫn chưa có một chế tài cụ thể nào đối với những người đi học từ ngân sách Nhà nước. Do đó, ngoài những chính sách về lương bổng, môi trường làm việc thì cũng cần có một chế tài cụ thể như: Liên kết với trường họ đang theo học, yêu cầu ký cam kết sau khi đào tạo xong phải cho họ về nước hoặc những người được cử đi học phải có sự ràng buộc với đơn vị đó...
PGS.TS Trần Lê Quan - Phó hiệu trưởng trường ĐH Khoa họcTự nhiên TP Hồ Chí Minh: Cần có một môi trường làm việc tốt
Những thạc sỹ, tiến sỹ đang công tác tại trường ĐH Khoa học Tự nhiên đều từng là sinh viên của trường. Họ xin được học bổng ở nước ngoài hoặc được cử tuyển đi học theo chương trình. Hiện chúng ta chưa có chính sách cụ thể nào để giữ chân lâu dài đối với những thạc sỹ, tiến sỹ khi học nước ngoài về. Khi họ học ở nước ngoài thấy điều kiện học tập và môi trường làm việc tốt hơn và khả năng tiến thân xa hơn thì họ sẽ có xu hướng ở lại nước mà mình theo học để tiếp tục thực hiện những công trình nghiên cứu. Ở Việt Nam cũng có kinh phí cho các tiến sỹ, thạc sỹ nghiên cứu khoa học tuy nhiên môi trường làm việc, cơ sở vật chất chưa đáp ứng được nhu cầu học tập và làm việc của họ. Bên cạnh đó, mức lương đãi ngộ cho thạc sỹ, tiến sỹ cũng chưa được cao, nên nhiều tiến sỹ, thạc sỹ phải làm thêm ở các công ty nước ngoài. Theo tôi, chúng ta cần phải tạo điều kiện và môi trường làm việc nghiên cứu cũng như chế độ chính sách tốt thì sẽ giữ họ gắn bó với đơn vị họ đang công tác.
PGS. TS Hùng Quyền, chuyên ngành dầu khí trường ĐH Bách Khoa TP Hồ Chí Minh: Cần tạo điều kiện nghiên cứu
Môi trường học tập và làm việc nước ngoài rất tốt và dễ thu hút các thạc sỹ, tiến sỹ của ta ở lại làm việc và học tập. Bởi vậy, để kéo họ về nước làm việc thì chính sách đãi ngộ và môi trường làm việc vẫn là quan trọng nhất. Hiện tại, trường ĐH Bách Khoa TP Hồ Chí Minh rất tạo điều kiện cho những thạc sỹ, tiến sỹ trẻ phát huy khả năng nghiên cứu khoa học của mình. Nhà trường thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo hoặc tạo điều kiện tối đa cho họ tham gia các buổi hội thảo khoa học quốc tế. Theo tôi, với những tiến sỹ, thạc sỹ trẻ đang làm việc tại các trường Đại học thì nên sắp xếp thời gian phù hợp để họ vừa nghiên cứu và giảng dạy tăng thêm nguồn thu nhập.
Đan Phương (thực hiện)