Tính tới thời điểm này, Hà Nội đã chính thức tổ chức phân làn phương tiện giao thông tại 5 tuyến phố của Thủ đô đã được gần 2 tháng. Song dường như kết quả thu được không mấy khả quan khi tình trạng lộn xộn, lấn làn của phương tiện diễn ra phổ biến, mọi lúc mọi nơi, dù có lực lượng chức năng đứng ra chỉ dẫn. Tình trạng ùn tắc tại các tuyến phố vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
Lấn làn vẫn phổ biến
Theo ghi nhận của phóng viên tại 5 tuyến phố được phân làn (Bà Triệu, Phố Huế - Hàng Bài, Xã Đàn, Đại Cồ Việt, Trần Khát Chân, Giải Phóng), tình trạng vi phạm lấn làn, giao thông diễn ra lộn xộn vẫn khá phổ biến, chủ yếu là xe máy đi sang làn đường của ô tô. Bất cập trong công tác phân làn hiện nay là c ác tuyến phố chọn phân làn phương tiện đều có nhiều điểm giao cắt, khoảng cách giữa các điểm giao cắt ngắn nên các phương tiện có quá ít thời gian để tách, nhập làn.
Xe máy đi lấn sang làn đường ôtô dù có cán bộ hướng dẫn phân làn. Nguồn Internet.
|
Thời gian đầu thực hiện phân làn giao thông tại Hà Nội, lực lượng Thanh tra giao thông (Sở Giao thông Vận tải Hà Nội) luôn có mặt, đứng chốt tại các điểm giao cắt có dải phân cách để chỉ dẫn, nhắc nhở phương tiện đi đúng làn đường. Tuy nhiên, thời gian gần đây, lực lượng Thanh tra giao thông cũng vắng bóng dần, khiến cho tình trạng vi phạm ngày càng nhiều.
Anh Nguyễn Hữu Dũng, lái xe taxi tại Hà Nội, cho biết: tình trạng lấn đường của xe máy sang phần làn đường của ô tô là rất phổ biến, xảy ra ở mọi tuyến phố. Đặc biệt vào giờ cao điểm lại càng nghiêm trọng hơn. Nhiều người tham gia giao thông bằng xe máy lại cho rằng, tỷ lệ xe máy cao hơn ô tô rất nhiều, nhưng phần đường dành cho xe máy lại không được rộng tương ứng, dẫn tới tình trạng làn dành cho xe máy thì quá đông, làn cho ôtô thì quá vắng, nên người đi xe máy thường lấn làn.
Khi tổ chức phân làn, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội kỳ vọng đây là phương án có thể giảm thiểu ùn tắc. Tuy nhiên, vào những giờ cao điểm tại các tuyến phố như Bà Triệu, Phố Huế - Hàng Bài, tình trạng tắc nghẽn vẫn thường xuyên diễn ra, hầu như không có nhiều thay đổi so với thời điểm trước khi phân làn.
Nguyên nhân do đâu?
Sau khi các tuyến phố được tổ chức phân làn, ở giữa mỗi làn đường chính được cắm một cột biển và dải phân cách cứng để chỉ dẫn phương tiện đi theo làn. Tuy nhiên, chính những cột biển, dải phân cách lại là nguyên nhân khiến không ít người gặp phải tai nạn. Mặc dù, đ ơn vị chức năng đã cho lắp đặt các hộp phân cách cứng bằng nhựa, có dùng sơn phản quang đặt trước các cột biển báo để cảnh báo người đi đường, tuy nhiên, tình trạng va quệt với dải phân cách phân làn vẫn diễn ra rất phổ biển, thậm chí hầu hết những hộp phân cách đặt trước biển chỉ dẫn phân làn đều bị xe va quệt làm hư hỏng, nứt vỡ…
Lý giải về tình trạng trên, ông Nguyễn Xuân Tân, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, cho hay: tất cả các biển báo, dải phân cách, vạch sơn đều lắp phản quang, tuy nhiên do người tham gia giao thông thiếu quan sát, phóng nhanh, vượt ẩu nên mới xảy ra va quệt.
Ông Tân cũng cho biết, chi phí dành cho việc phân làn 5 tuyến phố khoảng 7,14 tỷ đồng. Dự kiến từ nay tới cuối năm, Hà Nội sẽ tổ chức phân làn, tách dòng phương tiện thêm 8 tuyến phố nữa với kinh phí khoảng 16,7 tỷ đồng.
Theo Sở Giao thông Vận tải, tiêu chí lựa chọn các tuyến đường phân làn giao thông chủ yếu tập trung vào các tuyến phố có đủ điều kiện về hạ tầng giao thông và ý thức của người dân tương đối cao; những tuyến đường phố có mặt cắt ngang mỗi chiều có đủ chiều rộng từ tối thiểu 10m trở lên; tuyến phố có các khoảng cách giữa các nút giao thông tối thiểu trên 300m...
Thống kê của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho thấy, hiện tại thành phố có 8.489 km đường giao thông, đường trong đô thị ngắn và hẹp mặt đường dưới 11m chiếm 70%. Như vậy, xét theo tiêu chí mà Sở đưa ra để thực hiện phân làn thì có 70% tuyến đường có mặt cắt ngang mỗi chiều không đủ tối thiểu (trên 10 m) để thực hiện phân làn.
Theo ông Khuất Việt Hùng, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch và Quản lý Giao thông vận tải (Trường Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội), việc tách từng loại phương tiện trong dòng giao thông trong nội thành Hà Nội là khó vì đặc trưng về sử dụng đất dọc theo các tuyến phố ở Hà Nội không giống các nước khác. Trong bối cảnh đường sá, hạ tầng chưa cho phép chỉ nên nghiên cứu thực hiện trên các tuyến đường phù hợp, các tuyến còn lại muốn phân làn cần nghiên cứu, đánh giá khoa học kỹ lưỡng, không nên thực hiện theo phong trào./.
Đức Dũng