Dự án “chết yểu”
Dự án phân loại rác tại nguồn 3R do cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ về vốn được thực hiện tại Hà Nội từ năm 2006. Sau 3 năm triển khai, JICA đã chuyển giao toàn bộ cho công ty TNHH Một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội - URENCO. Tuy nhiên sau gần 10 năm thực hiện mô hình xử lý rác 3R với mục tiêu giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế rác thải dường như đã bị lãng quên tại Hà Nội.
Dù được phân loại hay không, tất cả các loại rác đều được đổ lẫn vào thùng và chuyển lên xe rác |
Phường Phan Chu Trinh (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) là một trong những nơi đầu tiên thực hiện thí điểm phân loại rác nguồn tại Hà Nội, nhưng đến nay, mô hình này chỉ còn lại tàn dư. Trên lý thuyết sẽ có 2 loại thùng rác phân loại cho người dân để rác nhưng thực tế hiện nay, cả thùng màu xanh (đựng rác vô cơ) và thùng màu vàng (đựng rác hữu cơ) đều để lẫn lộn các loại rác.
Ông Lê Hữu Phúc, Tổ trưởng Tổ dân phố số 7, phường Phan Chu Trinh cho biết, khi dự án 3R được triển khai tại phường, tất cả người dân trong khu đều rất hào hứng tham gia. Thậm chí, còn có cả đội ngũ đứng “trông chừng” thùng rác, hướng dẫn bà con phân loại và vứt rác đúng nơi quy định. Ban đầu cũng khá khó khăn, nhưng một thời gian sau, người dân đã xây dựng thành nếp sinh hoạt thì việc phân loại rác trở nên dễ dàng. Mỗi gia đình được hỗ trợ 2 thùng rác, một xanh, một vàng để phân loại rác ngay tại nhà. Việc phân loại này đã cho thấy hiệu quả rõ ràng, từ nhà ra ngõ đều rất sạch sẽ. Một thời gian sau, khi người dân vẫn phân loại rác và vứt đúng nơi quy định thì dự án kết thúc và cũng từ đó, chính những công nhân thu gom rác lại đổ trộn lẫn các loại rác với nhau.
“Chúng tôi có ý kiến nhưng bên công ty môi trường nói rằng, họ không đủ kinh phí để bố trí 2 xe chở 2 loại riêng và mỗi xe phải đủ khối lượng thì mới có thể chuyển rác về xử lý nên không tách riêng hai loại rác được. Từ đó thì người dân không phân loại nữa”, ông Phúc cho biết.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Chu (phường Thành Công) từng hào hứng thực hiện dự án 3R. Nhưng hiện nay, 2 thùng rác được phát để phân loại trước đây đã được dùng vào những việc khác, thùng rác màu vàng để đựng nước còn thùng màu xanh để kê đồ trên sân thượng. “Chúng tôi có phân loại thì rồi công nhân họ cũng đổ chung vào nên giờ nhà tôi lại cho chung tất cả các loại rác vào túi ni lông rồi đem vứt bỏ”, bà Chu cho biết.
Thất bại do thiếu đồng bộTheo đánh giá, dự án 3R triển khai ở Hà Nội đã đem đến những kết quả khả quan, hiện tượng vứt rác bừa bãi giảm tối đa, độ chính xác trong phân loại rác là 80 - 90%, giảm 30 - 40% lượng rác phải chôn lấp, giúp tiết kiệm chi phí, giảm ô nhiễm môi trường, thậm chí còn có thể sản xuất phân vi sinh hữu cơ từ nguồn rác đã phân loại, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, đến nay, cả 4 phường thí điểm thực hiện dự án 3R đều không còn triển khai nữa.
Trao đổi với chúng tôi bà Nguyễn Thị Ánh Hường, Phó Chủ tịch UBND phường Phan Chu Trinh cho biết, phường Phan Chu Trinh là một trong 4 phường đầu tiên thí điểm mô hình 3R nhưng sau gần 10 năm, đến nay hiệu quả còn lại chỉ là con số không. Hiện không còn hộ gia đình nào duy trì phân loại rác nữa vì có phân loại rác ở nhà thì đến khi công nhân vận chuyển đều trộn lẫn 2 loại làm một.
Theo bà Hường, một trong những nguyên nhân chính dẫn dẫn đến việc phân loại rác không thể tiếp tục thực hiện được là thiếu sự đồng bộ và chỉ đạo từ các cấp các ngành. Các điểm trung chuyển cũng như vận chuyển rác thải chưa được xây dựng, trang bị chưa đủ để đáp ứng yêu cầu vận chuyển, xử lý riêng từng loại rác thải. “Thay đổi thói quen của người dân cần quá trình lâu dài, nếu như không có những chính sách bền vững thì khó có thể thực hiện được”, bà Hường nhấn mạnh.
Đến nay, nhiều người dân tại 4 phường thí điểm dự án 3R cũng như các phường khác trên địa bàn Hà Nội vẫn mong muốn tiếp tục thực hiện phân loại rác như trước kia. Tuy nhiên, đại diện của Bộ Tài Nguyên và Môi trường thừa nhận, việc dự án như 3R không thành công là do chưa có tính bền vững trong chính sách, đầu tư cơ sở hạ tầng không đồng bộ khiến việc phân loại chất thải trở nên nửa vời. Còn đại diện Urenco cho biết, công ty cũng thiếu kinh phí để thực hiện nên có tình trạng dự án 3R chết yểu như hiện nay.