Kinh nghiệm từ thực tế
Khái niệm phân loại rác tại nguồn không hề mới. Năm 2006, Hà Nội và một số địa phương đã thực hiện thí điểm dự án phân loại rác tại nguồn (gọi tắt là Dự án 3R) do Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản tài trợ. Tuy nhiên, sau 3 năm dự án tạm dừng vì lý do vận hành “thiếu đồng bộ”.
Tại thành phố Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế), bộ thùng lưu chứa rác phân loại vẫn chưa được “phủ sóng” đồng đều. Một số phường, xã đã trang bị ngôi nhà xanh chứa rác tái chế nhưng các loại rác thải rắn khác vẫn chưa có thùng chứa phù hợp và phương thức tập kết vẫn như trước đây. Bà Nguyễn Thị Quỳnh Hoa (thành phố Huế) băn khoăn những rác nguy hại, mảnh vỡ thuỷ tinh được gia đình phân loại nhưng không biết đơn vị thu gom có vận hành đúng như quy trình không?
Theo ông Nguyễn Vũ Chánh Nghĩa (Phó Trưởng phòng Kế hoạch Công ty cổ phần Môi trường và công trình đô thị Huế) cần phải có những thiết kế phù hợp với từng nhóm rác, cung đường xe vận chuyển cũng như lựa chọn phương pháp xử lý phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của địa phương.
Trên địa bàn tỉnh Hà Nam cũng chưa có cơ sở sản xuất, chế biến phân vi sinh từ rác thải mà vẫn xử lý bằng phương pháp đốt sau khi phân loại. Việc xử lý rác thải sau phân loại tại các nhà máy chưa thực hiện được.
Bà Dương Thị Thanh Xuyến cho rằng, nguyên nhân thực trạng trên là do cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ từ phân loại đến thu gom, vận chuyển và xử lý. Vì vậy dẫn đến việc phân loại chất thải nhưng khi thu gom, vận chuyển lại đưa chung vào cùng phương tiện hoặc được xử lý chung các loại với nhau. Bên cạnh đó, công tác phân loại mới được triển khai tại một số khu vực thí điểm quy mô nhỏ với sự hỗ trợ tài chính từ các chương trình, dự án, khó nhân rộng trên phạm vi toàn địa phương. Thời gian triển thí điểm không dài, chưa đủ để người dân có thể chuyển đổi thói quen nhận diện và phân loại chất thải sinh hoạt.
Từ thực tế triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại các địa phương thời gian qua có thể thấy công tác phân loại chỉ đạt được hiệu quả khi có sự chung tay của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt là UBND các cấp.
Cơ chế rõ ràng
Theo bà Dương Thị Thanh Xuyến lần đầu tiên nguyên tắc phân loại đối với chất thải rắn sinh hoạt được quy định tại Luật Bảo vệ môi trường 2020 gồm chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm và chất thải rắn sinh hoạt khác.
Đối với hộ gia đình, cá nhân ở đô thị phải chứa, đựng chất thải rắn sinh hoạt sau khi thực hiện phân loại phải lưu giữ vào các bao bì riêng theo từng loại và chuyển giao cho các tổ chức cá nhân có chức năng tương ứng; chất thải thực phẩm có thể được sử dụng làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi…
Đối với hộ gia đình, cá nhân ở nông thôn phát sinh chất thải rắn sinh hoạt sau khi thực hiện phân loại phải thực hiện quản lý như sau: Khuyến khích tận dụng tối đa chất thải thực phẩm để làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi. Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân tái sử dụng; tái chế hoặc cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt. Chất thải thực phẩm nếu không được tận dụng làm thức ăn chăn nuôi hoặc làm phân bón hữu cơ phải được chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt. Chất thải rắn sinh hoạt khác phải được chứa, đựng trong bao bì theo quy định và chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt.
Đối với thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt, Khoản 3 Điều 77 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 nhấn mạnh, cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt có trách nhiệm phối hợp với UBND cấp xã, cộng đồng dân cư, đại diện khu dân cư trong việc xác định thời gian, địa điểm, tần suất và tuyến thu gom chất thải rắn sinh hoạt và công bố rộng rãi. Đồng thời có quyền từ chối thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân không phân loại, không sử dụng bao bì đúng quy định và thông báo cho cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp hộ gia đình, cá nhân sử dụng bao bì của chất thải rắn sinh hoạt khác theo quy định.
Triển khai trong thực tế, ngày 2/11/2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Văn bản số 93/BTNMT-KSONMT hướng dẫn kỹ thuật phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Hướng dẫn này đưa ra nhận diện tối đa chủng loại chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân và phân loại thành 3 nhóm chất thải chính theo đúng quy định tại Khoản 1 Điều 75 Luật Bảo vệ môi trường 2020.
Cụ thể, nhóm 1 là chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế (gồm giấy thải, nhựa thải, kim loại thải, thủy tinh thải, vải, đồ da, đồ gỗ, cao su, thiết bị điện và điện tử thải bỏ); nhóm 2 là chất thải thực phẩm (gồm thức ăn thừa, thực phẩm quá hạn sử dụng, chất thải từ quá trình sơ chế thực phẩm) và nhóm 3 là chất thải rắn sinh hoạt khác (gồm chất thải nguy hại, chất thải cồng kềnh và chất thải khác còn lại).
Để rác thải đi đúng vòng tuần hoàn mang lại lợi ích, điều kiện cần là một quy chuẩn vận hành, điều kiện đủ là quy trình phân loại - thu gom - xử lý rác thải phải được thực hiện đồng bộ. Ngày 10/1/2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; trong đó quy định yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường đối với điểm tập kết, trạm trung chuyển, phương tiện vận chuyển và tiêu chí về công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
Các đơn vị thực hiện thu gom, xử lý cần huy động nguồn lực và bố trí các phương tiện hỗ trợ chu trình phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý; quy định rõ về dụng cụ, thời gian, tuyến đường thu gom, vận chuyển, xử lý; bố trí mặt bằng điểm tập kết, trạm trung chuyển, phương tiện vận chuyển đáp ứng yêu kỹ thuật; bố trí quỹ đất cho khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt; đầu tư kinh phí đổi mới, nâng cao công nghệ xử lý chất thải đảm bảo các yêu cầu về công nghệ, môi trường, kinh tế.
Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định việc thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt dựa trên khối lượng hoặc thể tích thay cho việc tính bình quân theo hộ gia đình hoặc đầu người như hiện nay. Cơ chế thu phí này sẽ góp phần thúc đẩy người dân phân loại, giảm thiểu rác thải phát sinh tại nguồn, giảm thiểu lượng chất thải phải xử lý do nếu không thực hiện phân loại sẽ phải phí cao hơn.
Một trong những điểm mới của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các hướng dẫn phân loại chất thải rắn sinh hoạt của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành đều trao quyền chủ động cho UBND cấp tỉnh trong công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt. Các địa phương xây dựng lộ trình phù hợp với điều kiện thực tế, đảm bảo thực hiện trước ngày 31/12/2024.
Có thể khẳng định, phân loại rác tại nguồn là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn bởi rác thải nếu chỉ chôn lấp thông thường sẽ gây rất nhiều lãng phí về diện tích lớn cho việc xây dựng, chi phí vận hành các bãi chôn lấp; nguy cơ gây ô nhiễm môi trường... Trong khi đó, các nguồn rác hữu cơ, giấy, nhựa, kim loại… có thể tái chế được cũng bị vùi chôn trong đất mà theo tính toán phải mất hàng trăm năm sau mới có thể phân hủy. Do vậy, việc tái chế rác thải không chỉ có ý nghĩa về mặt môi trường mà còn đem lại lợi ích về kinh tế. Hơn nữa với lượng hữu cơ lớn trong rác thải sinh hoạt, sẽ là nguồn nguyên liệu lớn để sản xuất phân vi sinh, tốt cho cây trồng và thân thiện với môi trường.