Phân luồng, hạn chế tình trạng mất an toàn giao thông
Quốc lộ 1, đoạn qua tỉnh Quảng Bình đã được Bộ Giao thông Vận tải đầu tư nâng cấp và mở rộng với quy mô 4 làn xe, đưa vào sử dụng từ năm 2016. Riêng đoạn từ Km 673-Km705, qua hai huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy chỉ được rải thảm mặt đường, không mở rộng (chỉ 2 làn xe) nhưng xây dựng thêm tuyến tránh song song với tuyến đường cũ theo hình thức BOT với mục đích giảm lưu lượng phương tiện trên Quốc lộ 1.
Tuy nhiên, sau khi tuyến tránh đưa vào sử dụng, các loại xe ngoại tỉnh lưu thông hướng Bắc-Nam theo thói quen chủ yếu tập trung trên tuyến cũ, với lưu lượng phương tiện ngày càng tăng. Tình trạng mất an toàn giao thông luôn hiện hữu, thực tế đã ghi nhận nhiều vụ tai nạn thương tâm liên quan đến xe đường dài Bắc - Nam.
Để đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến cũ, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Bình đề nghị Bộ Giao thông Vận tải thực hiện việc bổ sung biển báo khu đông dân cư, hệ thống vạch sơn kẻ mặt đường, lắp đèn tín hiệu tại ngã tư, hệ thống camera giám sát tại các vị trí quan trọng…
Tuy nhiên, theo báo cáo của Ban An toàn giao thông hai huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy và Công an tỉnh Quảng Bình, tình hình trật tự an toàn giao thông vẫn diễn biến phức tạp, nhất là đoạn qua khu đông dân cư.
Ông Trần Quốc Toàn, Trưởng Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Lệ Thủy cho biết, hai tuyến đường song song với nhau và có chiều dài tương đương nhau. Xe lưu thông trên cả hai tuyến này đều đóng phí BOT như nhau nhưng nhiều tài xế vẫn đi vào tuyến đường cũ (Quốc lộ 1) khiến tình hình tai nạn giao thông có chiều hướng gia tăng.
Cụ thể, năm 2018, số vụ tai nạn giao thông trên địa bàn huyện Lệ Thủy tăng gần gấp đôi trên cả 3 tiêu chí so với năm 2017. Trong các cuộc họp, nhiều cử tri đã đề nghị cắm biển phân luồng xe qua địa bàn nhằm đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông.
UBND huyện Lệ Thủy đã có văn bản gửi Sở Giao thông Vận tải và UBND tỉnh Quảng Bình đề nghị phân luồng giao thông đối với xe tải trọng lớn chạy tuyến đường tránh.
Trả lời lý do vì sao cơ quan chức năng cho cắm biển phân luồng giao thông, yêu cầu xe tải trọng từ 10 tấn, xe khách từ 30 chỗ ngồi phải đi vào tuyến đường tránh, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Bình Hoàng Đăng Cương cho biết, việc phân luồng được cơ quan chức năng thực hiện dựa trên kiến nghị của UBND các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh và Công an tỉnh Quảng Bình.
Trên cơ sở đó, Sở đã tham mưu UBND tỉnh có văn bản gửi Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Sau khi chủ trì tổ chức hội đồng liên ngành cùng với các sở, ngành địa phương liên quan đi kiểm tra hiện trường và thống nhất ý kiến, Cục Quản lý Đường bộ II - đơn vị nhận ủy quyền của Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có văn bản thực hiện việc phân luồng thí điểm 1 năm. Bắt đầu từ 1/6/2019, thực hiện phân luồng theo tuyến tránh đối với các loại xe tải trọng trên 10 tấn (24/24 giờ) và xe khách Bắc - Nam từ 30 chỗ ngồi trở lên (từ 5-24 giờ).
Phù hợp với lợi ích chung cộng đồng
Sau hơn một tháng triển khai phân luồng theo tuyến tránh đối với các loại xe tải trọng trên 10 tấn và xe khách từ 30 chỗ ngồi trở lên, việc tham gia giao thông của người dân trên tuyến Quốc lộ 1 gặp thuận lợi, đặc biệt tại các khu đông dân cư như bệnh viện, trường học tình trạng mất an toàn giao thông đã giảm.
Ông Nguyễn Minh, Chủ tịch UBND xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh đánh giá, chỉ tính riêng xã Võ Ninh gần như tất cả các trường học từ Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở đều nằm bám mặt đường Quốc lộ 1. Những lúc tan trường, lượng người tham gia giao thông đông, trong khi đường chỉ có 2 làn xe, số xe tải trọng lớn như xe đầu kéo, rơ moóc tham gia giao thông nhiều nên rất nguy hiểm.
Vì vậy, việc cơ quan chức năng đặt biển cấm xe tải trọng lớn và xe khách đi qua tuyến Quốc lộ 1 là rất hợp lý và được nhân dân ủng hộ. Hiện nay, tình trạng mất an toàn giao thông đã giảm hẳn, việc đi lại của người dân thuận lợi hơn.
Thực tế, dù đã đáp ứng nguyện vọng của đa số người dân địa phương hai huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy nhưng khi thực hiện phân luồng giao thông trên tuyến đường tránh đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc kinh doanh dịch vụ: ăn uống, vận tải, xăng dầu của một số hộ dân, đơn vị dọc theo tuyến Quốc lộ 1.
Ông Phạm Trung Đông, Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh chia sẻ, thực hiện phân luồng chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến việc kinh doanh của một số hộ dân. Tuy nhiên, các hộ dân cũng cần chia sẻ vì mục tiêu chung của cộng đồng.
Nhằm đảm bảo lợi ích hài hòa giữa việc đảm bảo an toàn giao thông và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, huyện đề nghị cơ quan chức năng nghiên cứu sau thời gian thí điểm có thể điều chỉnh về đối tượng cũng như thời gian đối với xe khách hợp lý hơn.
Theo ông Hoàng Đăng Cương, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Bình, việc phân luồng phương tiện đoạn qua hai huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy đã được các sở ngành, cơ quan liên quan xem xét, phân tích kỹ lưỡng trên cơ sở tổng thể lợi ích chung về trật tự an toàn giao thông, an toàn xã hội và tài sản của nhân dân địa phương.
Tuy nhiên, để giảm bớt khó khăn cho các hộ kinh doanh, đề nghị UBND các huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy có phương án miễn, giảm thuế cũng như hỗ trợ chuyển đổi vị trí, mục đích kinh doanh cho phù hợp thực tế.
Đối với những kiến nghị của các đơn vị kinh doanh vận tải, thời gian tới, Sở Giao thông Vận tải sẽ phối hợp với đơn vị chức năng xây dựng điểm đón trả khách trên các tuyến tránh Quốc lộ 1 theo quy hoạch nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hộ kinh doanh đón trả khách dọc đường theo đúng quy định. Ngoài ra, đây chỉ mới phân luồng thí điểm, sau 1 năm các cơ quan chức năng sẽ tổng kết đánh giá, đưa ra phương án tối ưu nhất.