Theo quyết định của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), các tuyến xe khách cố định có cự ly từ 300 km trở lên xuất phát từ Hà Nội, các tỉnh Đông Bắc, Tây Bắc đi các tỉnh, thành phía Nam bắt buộc phải đi theo đường Hồ Chí Minh (HCM) đoạn từ Hà Nội đến Vinh (và ngược lại) từ tháng 2/2012.
Việc phân luồng xe khách sang đường Hồ Chí Minh là cần thiết để giảm tải cho quốc lộ 1A. |
Tuy nhiên, đến nay, nhiều doanh nghiệp vận tải không “mặn mà” thực hiện quyết định này do những bất cập nảy sinh; đồng thời kiến nghị tới Bộ GTVT cần sớm tháo gỡ vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp, vừa giúp doanh nghiệp đảm bảo điều kiện kinh doanh, vừa sớm giảm tải cho quốc lộ (QL)1 cũ đang nâng cấp, sửa chữa.
Bất cập nảy sinh
Theo thiết kế báo cáo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN), đường HCM đoạn tuyến Hà Nội - Vinh dài hơn 60 km so với đường QL1 cũ, nhưng có chi phí chạy xe ít hơn, đặc biệt là đối với xe khách chạy đường dài và khó khăn chỉ xảy ra đối với các xe khách chạy tuyến ngắn Hà Nội – Vinh trong việc dừng, đón trả khách dọc đường nếu bắt buộc phải điều chỉnh hành trình. Lưu lượng vận tải trên QL1 đoạn Hà Nội - Vinh hiện đã lên đến 25.000 - 40.000 xe/ngày đêm và đang trong tình trạng quá tải, xuống cấp nghiêm trọng. Trong khi, đoạn tuyến này trên đường HCM chỉ đạt lưu lượng cao nhất khoảng 7.000 xe/ngày đêm và có thể lưu thông tới 11.000 xe/ngày đêm. Vì vậy, việc phân làn đi theo đường này hiện nay là yêu cầu cấp thiết.
Do đó, Bộ GTVT đã chỉ đạo sở GTVT các địa phương, các doanh nghiệp vận tải có xe chạy tuyến Bắc Nam cố định trên 1.000 km có lộ trình đi qua QL1 đoạn Hà Nội - Ninh Bình - Thanh Hóa - Vinh và ngược lại, sẽ đi theo vành đai 3 ra đường HCM để nâng cấp QL1 cũ. Danh sách các doanh nghiệp vận tải đều đã được gửi đến Cục CSGT Đường bộ, đường sắt để phối hợp thực hiện. Tổng cục ĐBVN cũng đã đề nghị 22 sở GTVT các tỉnh, thành phố thực hiện điều chỉnh hành trình 30% doanh nghiệp có tuyến vận tải hành khách liên tỉnh chạy xe tuyến cố định cự ly từ 300 - 1.000 km. Trên thực tế, theo ghi nhận của phóng viên Tin Tức, QL1 đoạn Hà Nội - Vinh đang có hai đoạn từ Ninh Bình - Vinh nâng cấp, sửa chữa, ảnh hưởng không nhỏ đến giao thông của phương tiện lưu thông, nhất là tình trạng ùn tắc kéo dài. Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn chưa có doanh nghiệp nào báo cáo số lượng tuyến sẽ điều chỉnh luồng đi đường HCM.
Đường Hồ Chí Minh thông thoáng hơn, nhưng doanh nghiệp vận tải muốn đi tuyến quốc lộ 1A để dễ bắt khách. |
Tuy nhiên, theo phản ánh của các doanh nghiệp vận tải và sở GTVT các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Quảng Trị... và của nhiều lái xe, đường HCM hiện nay khó thu hút được xe chạy vì cự ly tuyến đường đấu nối với các địa phương xa hơn rất nhiều so với QL1. Bên cạnh đó, các dịch vụ hỗ trợ như: Trạm nghỉ, cứu hộ, cứu nạn, cây xăng... vừa thiếu, vừa hạn chế, đặc biệt là cảm giác bất an mỗi khi chạy theo tuyến đường này luôn thường trực với những người lái xe. Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN thừa nhận, đường HCM hiện vẫn còn tồn tại một số bất cập về hạ tầng, dịch vụ đi kèm. Cụ thể, các dịch vụ sửa chữa phương tiện chủ yếu tập trung ở các thị trấn, thị xã; tính chung toàn tuyến đường HCM thông xe từ Hà Nội đến Kon Tum, trung bình khoảng 120 km mới có được một trạm quy mô nhỏ. Còn các điểm cung cấp xăng dầu, dừng, nghỉ dọc đường chủ yếu mang tính tự phát, chưa cung cấp đủ dịch vụ cho lái xe và hành khách. Việc kết nối giữa đường HCM và QL1 thông qua các tuyến đường ngang hiện nay vẫn còn một số cầu yếu, đường xuống cấp và một số đoạn tuyến chưa được phủ sóng điện thoại di động...
Chưa hết, việc các sở GTVT có trách nhiệm lựa chọn 30% tổng số phương tiện của các doanh nghiệp, HTX đang hoạt động trên các tuyến để điều chỉnh sang lộ trình mới và bố trí phương án tổ chức giao thông hợp lý cũng gặp không ít trở ngại, vì khó xác định đối tượng nào thuộc diện 30% bắt buộc phải đi đường HCM. Thêm vào đó, các xe đang chạy tuyến cố định chuyển sang chạy đường HCM chắc chắn doanh thu sẽ bị giảm, vì khi đăng ký kinh doanh vận tải, các doanh nghiệp đã nghiên cứu kỹ lộ trình, luồng tuyến, nhu cầu đi lại, số lượng hành khách, có lãi mới làm. Nếu chạy tuyến đường mới, không có khách thì không doanh nghiệp nào dám chạy, thậm chí, các doanh nghiệp sẽ sẵn sàng bỏ tiền ra “làm luật” để được chạy tuyến cũ. Thực tế này dễ nảy sinh cơ chế “xin cho”, khó quản lý.
Khó cũng phải làm
Mặc dù chưa nhận được sự hưởng ứng của các doanh nghiệp vận tải và các sở GTVT địa phương, nhưng theo Tổng cục ĐBVN, việc bắt buộc một số loại xe đi đường HCM không phải chủ trương mới của Bộ GTVT, việc phân luồng đi đường này hiện nay là yêu cầu cấp bách, nhằm vừa giảm tải, vừa giải tỏa ùn tắc cho QL1 đang quá tải và đang trong quá trình sửa chữa nâng cấp. Từ 2006, tuyến đường HCM đã được đưa vào khai thác, về cơ bản Bộ GTVT đã có nhiều nghiên cứu và tuyên truyền để các xe sử dụng đường HCM và hiện tại cần phải kiên quyết thực hiện chủ trương này. Hơn nữa, việc các doanh nghiệp vận tải không “mặn mà” chạy đường HCM do không “bắt” được khách, ảnh hưởng đến lợi nhuận là không có cơ sở, vì trong các văn bản pháp luật về vận tải hành khách hiện hành đều quy định rõ xe khách chỉ được đón trả khách tại bến và các điểm cố định, mọi trường hợp dừng, đỗ, đón trả khách dọc đường đều sai quy định và cần phải chấn chỉnh.
Trong tháng 3 này, Tổng cục ĐBVN sẽ làm việc với các sở GTVT và các đơn vị vận tải để tiếp tục quán triệt và giải quyết các vướng mắc trong tổ chức thực hiện. Tổng cục ĐBVN cũng đề nghị Bộ GTVT sớm có văn bản yêu cầu các tỉnh, thành phố dọc tuyến đường HCM khẩn trương chỉ đạo Sở GTVT và các cấp chính quyền cơ sở phối hợp với các đơn vị quản lý đường, thanh tra đường bộ tăng cường công tác tuyên truyền để các doanh nghiệp chấp hành, người dân không vi phạm hành lang an toàn tuyến đường... Do đó, để việc phân luồng có hiệu quả, các cơ quan chức năng cần có chế tài mạnh đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải đã được yêu cầu điều chỉnh xe đi theo tuyến đường mới.
Còn theo ý kiến của các chuyên gia giao thông, ngành GTVT các địa phương cần tìm ra phương án tổ chức giao thông hợp lý và thông báo cho các doanh nghiệp lộ trình hoạt động nhằm đảm bảo an toàn cho các phương tiện lưu thông trên tuyến đường HCM. Nếu lưu lượng phương tiện gia tăng trên tuyến đường HCM, các dịch vụ hỗ trợ sẽ tăng theo. Trước mắt, các địa phương có thể lập các trạm cứu hộ khẩn cấp để hỗ trợ phương tiện trong trường hợp cần thiết...
Theo Tổng cục ĐBVN, hiện có khoảng 120 doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải đã được Tổng cục yêu cầu điều chỉnh hành trình. Danh sách các đơn vị này đã được gửi đến Cục CSGT Đường bộ, đường sắt để phối hợp thực hiện. Do đó, nếu đơn vị nào không thực hiện đúng hành trình như đã yêu cầu điều chỉnh sẽ bị xử phạt theo Nghị định 34/CP của Chính phủ.