Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Trưởng Văn phòng luật sư Nguyễn Anh, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho biết: Đây là sự cố hỏa hoạn đặc biệt nghiêm trọng về người và tài sản xảy ra trên địa bàn Thủ đô Hà Nội. Hậu quả xảy ra là hết sức đau lòng khi có 2 người tử vong và nhiều tài sản của người dân bị thiệt hại.
Để có căn cứ xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật, các cơ quan tố tụng cần phải làm rõ nguyên nhân cháy dẫn tới hậu quả thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Trên cơ sở kết luận giám định của cơ quan chuyên môn về nguyên nhân cháy sẽ là căn cứ xử lý theo quy định pháp luật. Nếu có dấu hiệu tội phạm sẽ khởi tố điều tra và xử lý người nào có hành vi phạm tội.
Trường hợp nguyên nhân cháy là do lỗi vô ý, bất cẩn của cá nhân trong sinh hoạt là nguyên nhân trực tiếp phát sinh hỏa hoạn gây hậu quả thiệt hại về tính mạng, tài sản thì sẽ có dấu hiệu phạm tội vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy. Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 315 Bộ luật hình sự 2015.
Trường hợp nguyên nhân cháy là hành vi cố ý phóng hỏa đốt nhà gây hậu quả thiệt hại về người và tài sản thì cá nhân đó sẽ phải chịu trách nhiệm về Tội giết người và Tội hủy hoại tài sản. Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 123 và Điều 178 Bộ luật hình sự 2015.
Trả lời câu hỏi hỏa hoạn do chập cháy điện thì chủ dãy phòng trọ xử lý như nào, Luật sư Thơm cho hay: Theo quy định tại Phụ lục I, Nghị định 79/2014/NĐ-CP có đưa ra danh mục cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy gồm:
1. Trụ sở cơ quan hành chính nhà nước, nhà chung cư có chiều cao từ 09 tầng trở lên; nhà đa năng, khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ, trụ sở làm việc của cơ quan chuyên môn, doanh nghiệp, tổ chức chính trị xã hội và tổ chức khác, viện, trung tâm nghiên cứu cao từ 07 tầng trở lên.
2. Cảng hàng không; nhà máy sửa chữa bảo dưỡng máy bay.
3. Cơ sở khai thác, chế biến, sản xuất xăng dầu, khí đốt và hóa chất dễ cháy, nổ với mọi quy mô.
4. Kho vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; cơ sở sản xuất, kinh doanh, cung ứng, bảo quản và sử dụng vật liệu nổ công nghiệp.
5. Kho xăng dầu có tổng dung tích 500 m3 trở lên; kho khí đốt có tổng trọng lượng khí từ 600 kg trở lên.
6. Cửa hàng kinh doanh xăng dầu có từ 01 cột bơm trở lên; cửa hàng kinh doanh khí đốt có tổng lượng khí tồn chứa từ 70 kg trở lên.
7. Chợ kiên cố hoặc bán kiên cố có tổng diện tích kinh doanh từ 1.200 m2 trở lên hoặc có từ 300 hộ kinh doanh trở lên; trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng bách hóa có tổng diện tích các gian hàng từ 300 m2 trở lên hoặc có tổng khối tích từ 1.000 m3 trở lên.
8. Nhà máy điện hạt nhân; nhà máy nhiệt điện có công suất từ 100 MW trở lên; nhà máy thủy điện có công suất từ 20 MW trở lên; trạm biến áp có điện áp từ 220 KV trở lên.
Mặt khác, theo Phụ lục IV, Nghị định này này thì nhà nghỉ cao từ 05 tầng trở lên hoặc có khối tích từ 5.000 m3 trở lên thuộc danh mục dự án, công trình do cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy.
Căn cứ Phụ lục I, IV Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31/7/2014 của Chính phủ quy định danh mục cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC, dãy nhà trọ cấp 4 của ông Hiệp không thuộc danh mục cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC nên không bắt buộc phải lập hồ sơ quản lý, theo dõi hoạt động PCCC theo quy định tại Điều 3 Thông tư số 66/2014/TT-BCA ngày 16/12/2014 của Bộ Công an.
Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động thì chủ nhà và người thuê nhà phải thực hiện đầy đủ các điều kiện an toàn về PCCC theo Điều 9 Nghị định số 79/2014/NĐ-CP quy định về điều kiện an toàn về PCCC như đối với hộ gia đình “Nơi đun nấu, nơi thờ cúng, nơi có sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt, hệ thống điện, thiết bị sử dụng điện phải bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy; Tài sản, vật tư, chất cháy phải được bố trí, sắp xếp, bảo quản và sử dụng đúng quy định an toàn về phòng cháy và chữa cháy; Có phương tiện chữa cháy phù hợp với đặc điểm hoạt động và điều kiện của từng hộ gia đình”.
Như vậy, nếu có căn cứ xác định nguyên nhân gây hỏa hoạn là do chập cháy thiết bị điện trong phòng trọ được coi như trong hộ gia đình thì đây được coi là rủi ro khách quan. Trong trường hợp này chủ nhà trọ không có lỗi gây ra hỏa hoạn.
Được biết, dãy phòng trọ bị hỏa hoạn của ông Hiệp là nơi tá túc của hàng trăm gia đình bệnh nhi ở tỉnh lẻ và những lao động thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn. Ông Hiệp mở ra nhằm mục đích giúp đỡ, chia sẻ những hoàn cảnhh đang cần được sự giúp đỡ của xã hội. Nhiều năm qua, khu trọ với mức giá chỉ 15.000 đồng/ngày của ông Hiệp đã được người dân ghi nhận ở tấm lòng nhân đức, tương thân, tương ái. Sự cố hỏa hoạn xảy ra, nếu do chập điện là sự rủi ro trong sinh hoạt như hộ gia đình chúng ta trong cuộc sống hàng ngày.
Tuy nhiên, việc ông Hiệp mở dãy phòng trọ dù là mục đích nhân ái thì cũng cần phải đăng ký hoạt động với Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong lĩnh vực kinh doanh. Nếu trường hợp ông Hiệp chưa thực hiện việc đăng ký kinh doanh thì có thể bị xử phạt hành chính theo điều 6, Nghị định số 124/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung nghị định số 185/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại “Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi hoạt động kinh doanh dưới hình thức hộ kinh doanh mà không có Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh theo quy định”
Điều 313. Tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy
1. Người nào vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 08 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Trước đó, ngày 17/9, ngọn lửa bất ngờ bùng phát tại dãy nhà trọ gần cổng bệnh viện Nhi Trung ương. Hàng trăm người dân hoảng hốt bỏ chạy. Khu vực cháy có kết cấu phức tạp, gồm nhiều gian nhà trọ cơi nới bằng vật liệu dễ cháy như mái tôn lót xốp khiến việc dập lửa gặp nhiều khó khăn.