“Trong 5 năm trở lại đây, tại khu vực rừng do đơn vị quản lý chưa từng phát hiện voọc bạc nên việc phát hiện này có ý nghĩa về thực tiễn và bảo tồn nguồn gen. Ban Quản lý Vườn sẽ tiếp tục theo dõi, xác định số lượng đàn và nguồn gốc cũng như nắm bắt các đặc tính sinh học của đàn voọc này và sớm có phương án bảo vệ”, ông Đào Xuân Thủy khẳng định.
Voọc bạc hay còn gọi là voọc Đông Dương, có tên khoa học là Trachypithecus germaini caudalis, phân bố vùng Đông Nam Á. Tại Việt Nam, loài động vật này được ghi nhận có mặt từ vùng Đông Bắc Việt Nam cho đến vùng rừng Trường Sơn và một số khu vực ở Nam Bộ.
Voọc bạc được xác định là đang bị đe dọa tuyệt chủng ở mức sẽ nguy cấp. Số lượng loài này được cho là đã suy giảm hơn 50% trong vòng 36 năm qua dưới tác động của việc săn bắt và mất nơi cư trú. Chúng có giá trị khoa học cao, là đối tượng nghiên cứu khoa học, nuôi làm vật thí nghiệm nghiên cứu vaccine phục vụ đời sống con người.
Vườn Quốc gia Chư Mom Ray hiện có gần 58.500 ha rừng, chủ yếu là rừng tự nhiên. Đây là nơi có tính đa dạng sinh học cao và có vai trò quan trọng trong việc bảo tồn đa dạng sinh học trong khu vực Đông Dương. Theo các kết quả điều tra, giám định các mẫu vật thu được và kế thừa có chọn lọc các kết quả nghiên cứu, đến nay đã ghi nhận sự có mặt của hơn 1.000 loài động vật thuộc 6 lớp Thú, Chim, Bò sát, Lưỡng cư, Cá, Côn trùng; trong đó, có 112 loài quý, hiếm được ghi trong sách đỏ Việt Nam và Thế giới (IUCN) cần ưu tiên bảo tồn.