Phát hiện hàng chục 'thương binh ảo' để trục lợi tiền chính sách

Qua kiểm tra bước đầu, Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố Quảng Ngãi đã phát hiện trong danh sách 104 thương binh đương chức chuyển về nhận tiền chế độ tại xã, phường từ 1/7/2018, có 33 người ở 5 phường: Trần Phú, Chánh Lộ, Nguyễn Nghiêm, Quảng Phú, Lê Hồng Phong (thành phố Quảng Ngãi) không có địa chỉ cụ thể và cũng không rõ họ công tác, làm việc tại cơ quan, đơn vị nào. Đây là danh sách ảo để một số đối tượng trục lợi trong nhiều năm qua.

Đầu tháng 7/2018, Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố Quảng Ngãi thực hiện chuyển tiền về các xã, phường trực thuộc để chi trả chế độ trực tiếp cho 104 trường hợp thương binh đang công tác và đang sinh sống tại địa phương.

Sau khi các địa phương rà soát, đối chiếu, kiểm tra, UBND phường Chánh Lộ phát hiện 7 thương binh có tên trong danh sách (danh sách mà thành phố chuyển về) chưa từng sinh sống tại địa phương; phường Quảng Phú cũng phát hiện 9 trường hợp; phường Trần Phú phát hiện 9 trường hợp; 3 trường hợp ở phường Nguyễn Nghiêm và 5 trường hợp ở phường Lê Hồng Phong. 

Trong 5 phường kể trên, cán bộ làm công tác chi trả chế độ thương binh ở phường Quảng Phú và Chánh Lộ cương quyết không cho nhận tiền thay khi không có giấy ủy quyền. Các phường Trần Phú, Nguyễn Nghiêm và Lê Hồng Phong, từ tháng 7/2018 đến tháng 12/2018 vẫn cho người khác nhận thay tiền chế độ thương binh, mặc dù người nhận không có giấy ủy quyền.

Sau khi được các phường báo cáo lên, Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội rà soát, kiểm tra, phát hiện tất cả 33 trường hợp này, từ năm 2006 đến nay đều không liên hệ với Phòng Lao động -Thương binh và Xã hội thành phố để nhận tiền chế độ, tiền quà Tết, tiền điều dưỡng… mà do người khác ký nhận thay. Thời điểm giữa năm 2014, số tiền chính sách phải chi trả cho 33 người này khoảng 64 triệu đồng/tháng và hiện nay là khoảng 75 triệu đồng/tháng.

Bà M, trước đây là nhân viên hợp đồng lao động của Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố Quảng Ngãi (người ký tên vào danh sách nhận tiền hằng tháng của 33 thương binh đương chức từ năm 2006 - 2016) cho biết: Khi bà làm việc tại Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố, thủ quỹ của phòng có nhờ bà ký thay vào hồ sơ để họ chuyển tiền cho người khác nhận thay cho các thương binh.

Có người được bà ký thay gần 10 năm, nhưng không có yêu cầu giấy ủy quyền gì cả. Khi ký, thủ quỹ của phòng có nói với bà đây là những thương binh chuyển từ Bình Định, Kon Tum, Quảng Nam, Đà Nẵng và đang công tác tại lực lượng Công an, Nhà máy đường Quảng Ngãi, nhưng do bận công tác nên không đi nhận được… Hơn nữa, vì chỗ quen biết nên bà đã ký, chứ không nghĩ sự việc lại phức tạp như hiện nay...   

Lý giải về vụ việc trên, Trưởng Phòng Lao động -Thương binh và Xã hội thành phố Quảng Ngãi Phạm Phới nói: Trong số 104 thương binh đương chức chuyển về các phường từ 1/7/2018, có 33 trường hợp không rõ địa chỉ, không có số điện thoại, không đến nhận tiền và được các phường báo cáo về phòng mới đây. Lý do vì sao họ không đến nhận tiền, Phòng chưa biết. Hiện nay, Phòng đã báo cáo vụ việc cho lãnh đạo UBND thành phố.

Ông Phạm Tấn Hoàng, Chủ tịch UBND thành phố Quảng Ngãi cho biết: Trên cơ sở báo cáo của Phòng Lao động -Thương binh và Xã hội, UBND thành phố Quảng Ngãi sẽ thành lập Đoàn thanh tra để làm rõ vụ việc. Trong quá trình thanh tra, nếu phát hiện có sai phạm, sẽ kiên quyết xử lý theo quy định.

Sỹ Thắng (TTXVN)
 Vụ 'ăn chặn' tiền chính sách ở Quảng Ngãi: Chuyển hồ sơ sang cơ quan Công an
Vụ 'ăn chặn' tiền chính sách ở Quảng Ngãi: Chuyển hồ sơ sang cơ quan Công an

Liên quan đến vụ "ăn chặn" tiền chính sách xảy ra ở phường Trần Phú, thành phố Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Ngãi) mà TTXVN đã phản ánh vào tháng 5/2018, xét thấy có dấu hiệu sai phạm, UBND thành phố Quảng Ngãi đã có văn bản số 4222/UBND do Chủ tịch UBND thành phố Phạm Tấn Hoàng ký để chuyển vụ việc sang Cơ quan điều tra, Công an thành phố Quảng Ngãi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN