Cùng với xu thế hội nhập và tiến bộ, phụ nữ ngày nay luôn khẳng định bản lĩnh phái đẹp, chủ động, tự tin và luôn nỗ lực tạo ra bản sắc riêng từ trí tuệ bên trong đến bản sắc bên ngoài. Giỏi việc nước, đảm việc nhà, họ luôn vừa là người "giữ lửa" trong gia đình, đồng thời vừa có những đóng góp tích cực trên các lĩnh vực.
Vai trò quan trọng trong xã hội
Có thể thấy, phụ nữ ngày càng nhận thức đầy đủ và tích cực, chủ động thực hiện quyền công dân, nghĩa vụ đối với đất nước. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý nữ ngày càng được tăng cường và nâng cao về chất lượng, nhiều người được tín nhiệm bầu, bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước, số lượng cán bộ nữ là Ủy viên Trung ương, là đại biểu Quốc hội liên tục tăng qua các khóa gần đây.
Cùng với sự phát triển của đất nước và việc thực hiện các mục tiêu về bình đẳng giới, phụ nữ ngày này đã đạt được nhiều thành tựu trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội như: 30,26% đại biểu Quốc hội là nữ; các bộ, cơ quan ngang bộ có lãnh đạo chủ chốt là nữ đạt trên 50%. Nhiều nữ đại biểu đã phát huy trí tuệ, kinh nghiệm công tác, dành nhiều thời gian, công sức nghiên cứu, đóng góp vào thành công chung của Quốc hội, tích cực tham gia ý kiến trên các lĩnh vực y tế, an ninh - quốc phòng, đối ngoại… nhất là vấn đề bình đẳng giới, bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và trẻ em. Dù đảm nhiệm nhiều cương vị khác nhau nhưng đại đa số các nữ đại biểu Quốc hội đều giữ vững phẩm chất là người đại biểu nhân dân, là những người lãnh đạo gắn bó với cử tri, phản ánh được tâm tư, nguyện vọng của cử tri đến với Quốc hội, các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Trong những năm qua, đóng góp vào phát triển kinh tế của đất nước, các doanh nhân nữ là những người nắm bắt rất nhanh các cơ hội để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như sáng tạo trong kinh doanh. Họ là những người tiên phong hướng tới tạo dựng một nền sản xuất sạch, vì sức khỏe của cộng đồng và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Sự nhạy bén trong nắm bắt cơ hội kinh doanh đã giúp các doanh nhân nữ thuận lợi và có ưu thế được lựa chọn hơn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài, nhiều sản phẩm của doanh nghiệp được cải tiến, đổi mới phù hợp với nhu cầu của thị trường hơn.
Đến nay, những tấm gương về các doanh nhân nữ thành công trên thương trường và tạo lập được những thương hiệu, sản phẩm nổi tiếng của Việt Nam không chỉ ra khu vực mà trên toàn thế giới có thể kể đến như: Mai Kiều Liên - Vinamilk, Nữ doanh nhân Thái Hương - TH True milk, Nguyễn Thị Phương Thảo – CEO Vietjet Air…
Theo số liệu của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, cứ 4 doanh nghiệp tư nhân thì có 1 doanh nghiệp có nữ giới tham gia quản lý doanh nghiệp, đóng góp 40% của cải cho nền kinh tế. Nhiều tấm gương nữ doanh nhân tiêu biểu, thành đạt có nhiều đóng góp lớn cho xã hội và điều hành dẫn dắt doanh nghiệp thành công vượt qua các rào cản và thử thách trong bối cảnh tình hình mới như hiện nay.
Tỷ lệ có lãi ở doanh nghiệp do nữ làm chủ là 64%, cao hơn tỷ lệ 63% ở doanh nghiệp do nam làm chủ. Phụ nữ đủ năng lực trình độ để đảm trách các vị trí quản lý khi có ,6% chủ doanh nghiệp nữ có trình độ học vấn từ trình độ đại học và thạc sỹ quản trị kinh doanh, trong khi tỷ lệ này ở nam giới là 71,9%. Việt Nam xếp thứ 6 trong số các quốc gia có tỷ lệ nữ doanh nhân cao nhất. Nhà nghiên cứu khoa học nữ chiếm khoảng 46% tổng số nhân lực nghiên cứu phát triển của cả nước, cao hơn so với trung bình thế giới (chỉ có 30%) và nhiều thành tựu khác.
Theo Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương, trong thời đại mới, bên cạnh vai trò làm vợ, làm mẹ trong gia đình, người phụ nữ còn tiếp tục khẳng định và phát huy vai trò của mình đối với sự phát triển của xã hội, tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội. Họ đã không ngừng nghiên cứu, trau dồi tri thức và không ít người đã đạt đến những địa vị rất cao trong mọi lĩnh vực.
Phát huy truyền thống “anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tạo ra cho phụ nữ nhiều cơ hội để phát triển toàn diện về cả trí tuệ, sức khỏe, năng lực. Trước những yêu cầu đổi mới của đất nước, của xã hội cũng đem tới cho người phụ nữ không ít áp lực và thách thức. Theo kết quả nghiên cứu công bố năm 2022 của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), mặc dù tỷ lệ phụ nữ Việt Nam trong lĩnh vực chính trị cao hơn trung bình thế giới nhưng phụ nữ mới chỉ nắm giữ khoảng 21% các vị trí lãnh đạo chủ chốt.
Bên cạnh đó, công việc chăm sóc không được trả công của phụ nữ hiện nhiều gần gấp đôi nam giới. Việc phải dành thời gian cho những công việc không được trả lương đang hạn chế cơ hội của phụ nữ trong việc nâng cao kiến thức, kỹ năng, tham gia các hoạt động cộng đồng hay dành thời gian chăm sóc sức khỏe bản thân để hướng tới việc phát triển toàn diện.
Để giải quyết và khắc phục được những khó khăn trên, Đảng và Nhà nước tiếp tục quan tâm sâu sắc tới việc thực hiện các mục tiêu về bình đẳng giới, thực hiện các chủ trương, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển nhằm nâng cao và khẳng định vai trò của phụ nữ trong các lĩnh vực trọng yếu như chính trị, kinh tế, ngoại giao. Bên cạnh đó, các cơ quan, ban, ngành liên quan cần tăng cường công tác phối hợp liên ngành trong việc giám sát phục vụ phản biện xã hội đối với các chính sách liên quan đến đảm bảo an toàn cho phụ nữ, trẻ em; nghiên cứu, đề xuất các chính sách liên quan đến việc xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ và trẻ em.
Theo Chủ tịch Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga, bản thân người phụ nữ cần nâng cao ý thức học hỏi, chủ động vươn lên, trau dồi vốn văn hóa, vốn tri thức của mình, tự tin, bản lĩnh, dám nghĩ dám làm, vượt mọi khó khăn; biết tận dụng ứng dụng công nghệ nhằm tăng năng suất hiệu quả công việc, dành nhiều thời gian hơn để quan tâm, chăm sóc và phát triển bản thân.
Phát biểu trong một hội thảo gần đây, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai cho rằng, các tầng lớp phụ nữ Việt Nam ngày càng khẳng định vai trò, tham gia tích cực, có hiệu quả trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, đối ngoại, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, tiến bộ. Nhiều tấm gương phụ nữ được xã hội ghi nhận, tôn vinh; nhận thức của xã hội về vai trò của phụ nữ, bình đẳng giới ngày một tốt hơn, đội ngũ cán bộ phụ nữ ngày càng trưởng thành, có thêm nhiều kinh nghiệm trong công tác vận động, quan tâm chăm lo, hỗ trợ cho phụ nữ trong cuộc sống, nhất là phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn…
Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh, thời gian tới, cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng, người đứng đầu và hệ thống chính trị đối với việc thực hiện có hiệu quả Nghị quyết, chủ trương của Đảng đối với công tác xây dựng đội ngũ cán bộ nữ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và những mục tiêu, chương trình về bình đẳng giới; có giải pháp khắc phục khó khăn, thách thức, hạn chế về chính sách, pháp luật; tạo cơ hội bình đẳng cho phụ nữ và rút ngắn khoảng cách tuổi nghỉ hưu giữa cán bộ nam và cán bộ nữ. Từ đó, động viên đội ngũ cán bộ nữ phấn đấu, rèn luyện nâng cao trình độ, năng lực, phẩm chất, uy tín đáp ứng yêu cầu giai đoạn mới; quan tâm phát triển, tạo nguồn, bồi dưỡng, để có nhiều phụ nữ trong bộ máy chính trị; tăng cường sự tham gia tích cực của cán bộ nam trong thực hiện Nghị quyết, chủ trương của Đảng, Nhà nước đối với cán bộ nữ.
Là niềm tự hào của dân tộc, cùng với sự tiến bộ và phát triển hiện nay, phụ nữ Việt Nam vẫn đang và sẽ tiếp tục phát huy truyền thống “anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” để đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, đồng thời luôn là chỗ dựa tin cậy cho mỗi mái ấm gia đình, góp phần xây dựng cuộc sống ngày càng giàu đẹp, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.