Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, Thừa Thiên - Huế là chiến trường nóng bỏng, là mắt xích trọng yếu trong cuộc đọ sức giữa ta và địch. Đảng bộ, quân và dân Thừa Thiên - Huế vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng cờ luân lưu quyết chiến quyết thắng và Nhà nước tặng danh hiệu "Tấn công, nổi dậy, anh dũng, kiên cường". Truyền thống đó ngày càng được phát huy để xây dựng quê hương Thừa Thiên - Huế ngày càng giàu mạnh. Phóng viên báo Tin Tức (TTXVN) có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Văn Cao (ảnh), Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế về những thành tựu của địa phương sau 40 năm giải phóng.* Xin ông khái quát đôi nét tiêu biểu về chiến trường Trị Thiên trong chống Mỹ?Đúng 6 giờ 30 phút ngày 26/3/1975, lá cờ “quyết chiến, quyết thắng” của quân và dân ta tung bay trên đỉnh Kỳ Đài - Phu Văn Lâu, đánh dấu một sự kiện lịch sử trọng đại - Thừa Thiên Huế được hoàn toàn giải phóng. Để có được ngày vui toàn thắng, trong chặng đường đầy gian khổ, hy sinh trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đảng bộ, quân và dân Thừa Thiên - Huế đã đoàn kết một lòng, kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, phát triển cơ sở cách mạng ở nông thôn và đô thị; xây dựng căn cứ địa cách mạng ở miền núi và lực lượng hậu cần tại chỗ. Thế trận chiến tranh nhân dân được phát huy mạnh mẽ, từng bước đánh bại các chiến lược của Mỹ - Ngụy trên chiến trường.
Thành phố Huế trở thành đô thị phát triển sau 40 năm giải phóng. |
Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 19, Thừa Thiên - Huế là một trong ba ngọn cờ đầu, vinh dự được tặng danh hiệu “Tấn công, nổi dậy, anh dũng, kiên cường” và được Bác Hồ gửi thư khen ngợi. Hình ảnh các chiến sĩ bộ binh, pháo binh, đặc công, công binh, biệt động, du kích mưu trí, dũng cảm, kiên cường; những công nhân, chị em tiểu thương, những trí thức, học sinh, sinh viên, các tăng ni, phật tử vùng lên tranh đấu, những bà mẹ, những gia đình cơ sở cách mạng không sợ tra tấn tù đày, dũng cảm cất giấu vũ khí, kiên trung đùm bọc chở che, nuôi nấng các đồng chí lãnh đạo và lực lượng cách mạng hoạt động ngày, đêm ngay giữa lòng địch. Hình ảnh của đồng bào các dân tộc gùi lương, tải đạn ra chiến trường bất chấp mưa bom bão đạn; ăn rau, khoai sắn để dành gạo cho cách mạng là những hình ảnh mà mỗi chúng ta khắc cốt ghi tâm.
Đặc biệt, Tiểu đội 11 cô gái sông Hương, với trang bị AK, K44, một số mìn và lựu đạn nhưng đã dàn trận khắp các địa điểm tại khách sạn Hương Giang, Đại học Sư phạm, chợ Cống, Xuân Phú để cầm cự và đánh lui cả một tiểu đoàn lính Mỹ có nhiều xe bọc thép và máy bay chiến đấu yểm trợ. Trong trận chiến này ta đã diệt 70 lính và 4 xe tăng, thu nhiều vũ khí của địch để trang bị lại phục vụ cho chiến đấu. Chiến công của 11 cô gái sông Hương đã được Bác Hồ gửi thư khen:
"Dõng dạc tay cầm khẩu súng trườngKhôn ngoan dàn trận khắp trong phườngBác khen các cháu dân quân gáiĐánh giặc Hoa Kỳ phải nát xương"Năm 2009, Tiểu đội du kích 11 cô gái sông Hương đã vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vì những chiến công xuất sắc trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Trong cuộc chiến chống đế quốc Mỹ, hàng vạn chiến sỹ, những người con ưu tú của Tổ quốc đã ngã xuống, vĩnh viễn nằm lại trên quê hương Thừa Thiên - Huế; hàng vạn đồng bào bị giết hại, hàng chục ngàn người tàn tật, bị nhiễm chất độc do kẻ thù gây ra; hàng ngàn cán bộ, đảng viên và nhân dân bị bắt, tra tấn tù đày trong các nhà lao đế quốc. Để có được niềm vui của ngày hôm nay, cùng với cả nước, tỉnh Thừa Thiên - Huế có trên 100.000 người có công cách mạng, trong đó có gần 19.000 liệt sỹ, 13.000 thương bệnh binh; 1.242 bà mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng; 22 Anh hùng Lực lượng vũ trang; gần 5.000 cán bộ, chiến sỹ bị địch bắt tù đày; 30.000 người hoạt động kháng chiến, gần 3.500 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học…
*Phát huy truyền thống anh hùng đó, Đảng bộ và nhân dân Thừa Thiên - Huế đã xây dựng quê hương trong những năm đổi mới như thế nào, thưa ông? 40 năm sau ngày quê hương giải phóng, Thừa Thiên - Huế đã vượt qua nhiều gian nan, thử thách, ra sức khắc phục hậu quả nặng nề của chiến tranh, thường xuyên nâng cao cảnh giác, đối phó với những âm mưu, hành động phá hoại của các thế lực thù địch, tập trung phát triển kinh tế - xã hội. Nhờ đoàn kết trong nội bộ, đồng thuận trong xã hội, kế thừa những thành quả của các thời kỳ trước, Đảng bộ và nhân dân Thừa Thiên - Huế đã nỗ lực không ngừng, phát triển toàn diện.
Nền kinh tế của tỉnh tăng trưởng nhanh và bền vững, bình quân hơn 10%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển đổi theo hướng tích cực “du lịch, dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp”; trong đó, ưu tiên phát triển các ngành kinh tế trọng điểm có lợi thế so sánh, phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Đến nay, du lịch, dịch vụ chiếm 55,3% GDP của tỉnh, công nghiệp - xây dựng chiếm 34,1%, nông - lâm - ngư nghiệp chiếm 10,6%. Tổng thu ngân sách năm 2014 gần 5.000 tỷ đồng; tổng sản phẩm bình quân đầu người gần 2.000 USD. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5,06%. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân cả vùng sâu, vùng xa được nâng lên rõ rệt.
Hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, nhất là hạ tầng giao thông đã được đầu tư xây dựng đồng bộ, khá hoàn chỉnh, mang dáng dấp hiện đại và chống được việc chia cắt giữa các vùng đầm phá, vùng núi, vùng sâu, vùng xa. Nhiều dự án giao thông được tập trung thực hiện, như: Hệ thống đường quốc lộ 1A, Quốc lộ 49, đường Hồ Chí Minh, đường phía tây thành phố Huế, các đường tỉnh lộ, đường kinh tế quốc phòng ven biển; hệ thống cầu nội thị Huế, cầu qua phá Tam Giang - Cầu Hai; cảng nước sâu Chân Mây, các hầm đường bộ Hải Vân, Phú Gia, Phước Tượng, sân bay quốc tế Phú Bài, cửa khẩu A Đớt - Tà Vàng, Hồng Vân - Cô Tài. Các công trình trọng điểm về thủy điện như A Lưới, Bình Điền, Hương Điền; các hồ đập thủy lợi Thảo Long, hồ Truồi, Tả Trạch, Thủy Yên - Thủy Cam và nhiều công trình khác... Việc tập trung đầu tư các cơ sở hạ tầng quan trọng đã góp phần làm thay đổi diện mạo đô thị và nông thôn, tạo thế và lực mới, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Huế đã phấn đấu trở thành đô thị loại 1, là thành phố Di sản thế giới, thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam, thành phố văn hóa ASEAN và đang từng bước được xây dựng hiện đại, nhưng vẫn bảo tồn, phát huy kiến trúc truyền thống và các giá trị văn hóa Huế. Đến nay, toàn tỉnh có thêm 3 đô thị loại IV, 7 đô thị loại V; tỷ lệ đô thị hóa đạt 52,7%. Các thành phần kinh tế được khuyến khích và tạo điều kiện phát triển, quy mô sản xuất, kinh doanh ngày càng được nâng cao. Lĩnh vực dịch vụ tăng trưởng nhanh, du lịch phát triển vững mạnh và ổn định. Nhiều sản phẩm và khu du lịch mới chất lượng cao đã đi vào hoạt động, như: Khu du lịch nghỉ dưỡng Laguna của Tập đoàn Banyan Tree, khu du lịch Tam Giang; khu du lịch sinh thái Vedana Lagoon, khách sạn Sài Gòn - Morin, Indochine Palace, La Résidence, Làng Hành Hương,... Công nghiệp, nông nghiệp phát triển khá, góp phần giải quyết việc làm và tạo động lực cho nền kinh tế; nhiều dự án lớn đã được đầu tư phát triển, như: Nhà máy Bia Huế, các nhà máy sợi, may, xi măng, chế biến thủy sản; các mô hình trang trại, gia trại... cũng đang hình thành và phát triển.
Thừa Thiên - Huế tổ chức thành công 8 kỳ Festival Huế cùng với các kỳ Festival nghề truyền thống đã khẳng định vị thế của một thành phố Festival, một trung tâm văn hóa - du lịch đặc sắc của cả nước. Công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc, văn hóa Huế được thực hiện đồng bộ. Quần thể di tích Cố đô Huế và nhã nhạc cung đình Huế đã được công nhận là Di sản vật thể và phi vật thể của nhân loại. Các lĩnh vực y tế, giáo dục đào tạo, khoa học kỹ thuật có bước phát triển, tiếp tục khẳng định vị thế của khu vực miền Trung và nhiều tỉnh, thành trong cả nước.
Đảng bộ, quân và dân tỉnh Thừa Thiên - Huế tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng, bất khuất, vẻ vang của Đảng, của dân tộc; phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, lòng yêu quê hương, đất nước, niềm tự hào, ý chí tự lực tự cường và sức sáng tạo, biến chủ nghĩa anh hùng cách mạng và khí thế cuộc Tổng tiến công nổi dậy mùa Xuân 1975 thành sức mạnh tinh thần và phong trào thi đua hành động cách mạng của quần chúng. Chung sức, chung lòng, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách, quyết tâm phấn đấu xây dựng Thừa Thiên - Huế thành một tỉnh giàu về kinh tế, đẹp về văn hóa, vững về chính trị và quốc phòng an ninh, xứng đáng với niềm tin cậy của nhân dân cả nước.
Xin trân trọng cảm ơn ông!Bài và ảnh: Quốc Việt