Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết: “Diễn đàn có ý nghĩa quan trọng trong thời kỳ hội nhập, vì đây là Hội nghị đối ngoại do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chỉ đạo tổ chức để bàn về công tác đối ngoại nhằm phát huy vai trò công đoàn ngành tham gia hội nhập quốc tế và của cả hệ thống công đoàn. Diễn đàn diễn ra trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang ra sức phấn đấu thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Cán bộ, đoàn viên tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ chính trị (khóa XIII) về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”.
“Năm 2023, chúng ta đã chứng kiến thế giới trải qua những biến động to lớn, diễn biến nhanh, phức tạp, tác động đa chiều đến cục diện thế giới, đặt ra nhiều khó khăn, thách thức toàn diện cho các nước trên thế giới. Mặc dù đại dịch COVID-19 đã cơ bản được kiểm soát, thế giới chuyển sang giai đoạn phục hồi và phát triển, song vẫn phải đối mặt rất nhiều thách thức to lớn, nổi bật là cạnh tranh chiến lược nước lớn, xung đột tiếp tục gia tăng, một số điểm nóng diễn biến phức tạp hơn; các vấn đề an ninh phi truyền thống, nhất là biến đổi khí hậu tiếp tục diễn biến phức tạp. Cuộc xung đột Nga – Ukraina tác động tiêu cực về nhiều mặt đối với toàn thế giới. Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Đông Nam Á tiếp tục chịu tác động của cạnh tranh chiến lược nước lớn. Trong bối cảnh đó, việc triển khai, thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vẫn đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Chính trị - an ninh tiếp tục được giữ vững. Kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, tăng trưởng kinh tế đạt mức tương đối cao, Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết.
“Bất kỳ quốc gia, dân tộc nào trong quá trình hình thành và phát triển của mình cũng đều phải xử lý hai vấn đề cơ bản là đối nội và đối ngoại. Hai vấn đề này có mối quan hệ hữu cơ, biện chứng, tác động qua lại, hỗ trợ lẫn nhau, gắn kết và đan xen ngày càng chặt chẽ với nhau, nhất là trong điều kiện toàn cầu hoá phát triển mạnh mẽ và sâu rộng. Đối ngoại ngày nay không chỉ là sự nối tiếp của chính sách đối nội, mà còn là một động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của các quốc gia, dân tộc”, ông Đỗ Thắng Hải cho biết.
Theo đại diện Ban Đối ngoại Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam, thời gian qua, Công đoàn Việt Nam đã quán triệt, triển khai nghiêm túc chủ trương, đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý hoạt động đối ngoại được thực hiện thống nhất trong toàn hệ thống theo quy chế quản lý thống nhất hoạt động đối ngoại. Các hoạt động đối ngoại song phương được thực hiện hiệu quả như trao đổi học tập kinh nghiệm hoạt động công đoàn, ký kết thỏa thuận hợp tác, hỗ trợ đào tạo cán bộ, tổ chức các hoạt động kỷ niệm, ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn quốc tế...
Công đoàn Việt Nam đã củng cố, duy trì, làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác, hữu nghị, truyền thống với công đoàn các nước, tập trung vào quan hệ với công đoàn các nước láng giềng, các nước trong khu vực ASEAN và Châu Á - Thái Bình Dương, các nước bạn bè truyền thống. Đồng thời, Công đoàn Việt Nam cũng chú trọng các hoạt động để khôi phục các mối quan hệ bị gián đoạn, từng bước mở rộng quan hệ với các đối tác mới theo chủ trương của Đảng.
Các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, công đoàn ngành Trung ương cũng thực hiện nhiều hoạt động đối ngoại song phương, thiết lập quan hệ đối tác mới và khôi phục, thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác với các đối tác tương ứng.
Về đối ngoại đa phương, Công đoàn Việt Nam đã chủ động tham gia, đóng góp tích cực trong các diễn đàn quốc tế, các hoạt động công đoàn quốc tế theo cơ chế đa phương; tham gia có trách nhiệm trong thực hiện các nghĩa vụ thành viên quốc tế. Đơn cử là Đại hội Liên hiệp Công đoàn Thế giới (WFTU) lần thứ 18 ở Italia năm 2022. Tại Hội nghị, Chủ tịch Tổng Liên đoàn đã được tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch, tiếp tục thể hiện được uy tín, vai trò của Công đoàn Việt Nam trong phong trào công đoàn thế giới. Hiệu quả hợp tác với các tổ chức công đoàn khu vực và quốc tế, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và các tổ chức phi chính phủ được nâng cao.
Một số công đoàn ngành trung ương tham gia ngày càng sâu vào hoạt động của các công đoàn ngành, nghề quốc tế và khu vực. Thông qua các diễn đàn, cơ chế đa phương của Công đoàn Việt Nam đã thúc đẩy các hoạt động đối thoại, chia sẻ thông tin với cộng đồng quốc tế, nâng cao sự hiểu biết, ủng hộ đối với thể chế của Việt Nam trong vấn đề lao động và hoạt động công đoàn, góp phần khẳng định, nâng cao vị thế, vai trò, uy tín của tổ chức Công đoàn Việt Nam trong phong trào công đoàn quốc tế và khu vực.
Tham luận tại diễn đàn, các đại biểu chia sẻ một số chủ đề như: Xây dựng, thực thi hiệu quả các cam kết quốc tế về lao động trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới – Vai trò của tổ chức công đoàn; Giải pháp phát triển bền vững hoạt động đối ngoại công đoàn vùng biên giới; Xu hướng phát triển về tổ chức và hoạt động của công đoàn ngành xây dựng quốc tế; bài học kinh nghiệm đối với Công đoàn Xây dựng Việt Nam trong hội nhập quốc tế…
Kết luận tại Diễn đàn số 9, ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết: Việc tổ chức tại Bộ Công Thương có ý nghĩa, đó là vấn đề người lao động đang quan tâm là việc tăng lương, nhưng kèm theo là đó là kiềm chế giá cả, trong đó có vai trò rất lớn của Bộ Công Thương.
Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Thanh Hải khẳng định, đối ngoại nhân dân là một trong những sáng tạo độc đáo của cách mạng Việt Nam. Việc quán triệt sâu sắc tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng ta về đối ngoại nhân dân là nhân tố có ý nghĩa quyết định, bài học kinh nghiệm quan trọng hàng đầu, đúc rút được từ thực tiễn cách mạng nước ta và hoạt động đối ngoại nhân dân trong suốt chiều dài lịch sử của đất nước.
Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam nêu rõ 4 vấn đề trọng tâm. Trong đó, cần tiếp tục khẳng định một trong những nội dung cốt lõi của tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối của cách mạng Việt Nam là đoàn kết dân tộc phải gắn liền với đoàn kết quốc tế, chủ nghĩa yêu nước chân chính phải gắn liền với chủ nghĩa quốc tế trong sáng của giai cấp công nhân, đoàn kết nhân dân trong nước gắn với đoàn kết nhân dân thế giới.
Trong tình hình mới, cần tăng cường quan hệ quốc tế để thế giới hiểu đúng, sâu sắc về Công đoàn Việt nam một tổ chức có bề dày lịch sử gần 100 năm, tạo lập bản sắc văn hóa Công đoàn Việt Nam: Trung thành với lợi ích giai cấp công nhân, luôn gắn với lợi ích quốc gia, dân tộc, giữ vững và phát huy truyền thống đoàn kết quốc tế, vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội”. Trên cơ sở này không ngừng mở rộng mặt trận ủng hộ Công đoàn Việt Nam, đồng thời phải có tâm thế tích cực bảo vệ Công đoàn Việt Nam trước mọi âm mưu, thủ đoạn chia rẽ sự đoàn kết, thống nhất, sứ mệnh và bản sắc văn hoá của Công đoàn Việt Nam.
Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam lưu ý, công tác đối ngoại Công đoàn cần chú trọng mục tiêu giao hoán tri thức về phong trào công nhân và Công đoàn, nhất là các vấn đề mang tính toàn cầu; các kinh nghiệm thực tiễn do cán bộ Công đoàn chuyên nghiệp quốc tế thực hiện là những tri thức quy, cần được trân trọng, tiếp thu chọn lọc, làm phong phú hơn tư duy về tổ chức và hoạt động Công đoàn.
Đặc biệt, cần chú trọng quan tâm nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính bền vững trong quan hệ quốc tế; chủ động kết nối, phát triển quan hệ với các đối tác mới; tích cực chuẩn bị lực lượng để tham gia có trách nhiệm cao hơn tại các cơ chế, diễn đàn đa phương của Công đoàn khu vực và quốc tế; Công tác vận động, tranh thủ nguồn lực hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ tập trung bổ khuyết cho tổ chức và hoạt động Công đoàn, nhất là tri thức mới về phong trào công nhân, Công đoàn.
Ông Trần Thanh Hải cũng đề nghị quan tâm đến vấn đề nâng cao năng lực nghiên cứu tham mưu chiến lược từ quan hệ quốc tế đi đôi với việc xây dựng, phát triển ngày càng nhiều sản phẩm thông tin đối ngoại hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu thông tin của các đối tượng; làm tốt công tác phối hợp với các cơ quan chức năng, giữa Trung ương và địa phương để phát huy được sức mạnh tổng hợp thực hiện nhiệm vụ đối ngoại công đoàn; bố trí nguồn lực tài chính hợp lý cho hoạt động đối ngoại và nhân lực chuyên nghiệp, bản lĩnh, am tường sâu sắc về Công đoàn.