Tham dự có 50 đại biểu đại diện cho gần 40 nghìn người có công và nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu trong phong trào Đền ơn đáp nghĩa.
Tại Hội nghị, ông Phạm Văn Binh, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Ninh Thuận nêu rõ, hoạt động được tổ chức nhằm tri ân những người có công tiêu biểu với cách mạng; biểu dương nghị lực, ý chí vươn lên của các thương binh, bệnh binh đã không ngừng nỗ lực, khắc phục khó khăn, phấn đấu vươn lên nối tiếp truyền thống anh hùng trong học tập, công tác, lao động, sản xuất, kinh doanh và hoạt động xã hội. Qua đó, góp phần làm giàu chính đáng để ổn định đời sống gia đình, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Ninh Thuận, những năm qua, tỉnh có nhiều cố gắng trong thực hiện các chế độ, chính sách đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và người có công với cách mạng. Hiện trên địa bàn có 3.000 đối tượng đang hưởng trợ cấp hằng tháng; 100% mẹ Việt Nam anh hùng được các đơn vị nhận phụng dưỡng. Ngoài ra, các địa phương còn tổ chức và nhiều hoạt động thết thực như nhận đỡ đầu bố, mẹ liệt sỹ cô đơn, con liệt sỹ mồ côi; nhận chăm sóc thương binh, bệnh binh khó khăn... Nhờ đó, những năm gần đây, đời sống của người có công và gia đình người có công với cách mạng không ngừng được nâng lên. Đến nay, 99,5% hộ người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú; 100% xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ và người có công với cách mạng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Nguyễn Long Biên đề nghị, các cấp, ngành, đoàn thể, địa phương tiếp tục quan tâm, triển khai hiệu quả Chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ và Tỉnh ủy về công tác chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình người có công với cách mạng; triển khai đồng bộ, kịp thời các chế độ chính sách, đặt biệt là sớm thực hiện Nghị định số 77/2024/NĐ-CP, ngày 1/7/2024 của Chính phủ về điều chỉnh mức chuẩn trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng tăng thêm 35,7% và được áp dụng từ ngày 1/7/2024.
Chính quyền các cấp tạo điều kiện thuận lợi, có biện pháp hỗ trợ cụ thể, thiết thực, hiệu quả, phát huy vị trí, vai trò của người có công, thương binh, bệnh binh và gia đình, nhất là trong phát triển sản xuất, kinh doanh, kinh tế hộ gia đình; động viên, khích lệ kịp thời, biểu dương, khen thưởng các thương binh, bệnh binh, người có công nỗ lực vươn lên khắc phục khó khăn, tiếp tục đóng góp công sức, trí tuệ vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chính quyền các cấp cần làm tốt hơn nữa công tác tu bổ, tôn tạo mộ, nghĩa trang liệt sỹ, các công trình ghi công liệt sỹ; đẩy mạnh tìm kiếm, quy tập, xác định danh tính liệt sỹ còn thiếu thông tin; tiếp tục giải quyết kịp thời, chu đáo chính sách thương binh, liệt sỹ, người có công.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận mong muốn, chính quyền địa phương phát triển sâu rộng và nâng cao chất lượng các phong trào, chương trình Đền ơn đáp nghĩa. Xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ và người có công; chú trọng công tác giáo dục thế hệ trẻ, quan tâm đến chính sách hậu phương quân đội, các chương trình tình nghĩa phù hợp với truyền thống văn hóa và đạo lý “uống nước nhớ nguồn”...
Tại Hội nghị, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Ninh Thuận đã phát động ủng hộ Quỹ Đền ơn đáp nghĩa. Ban quản lý Quỹ đã nhận được hơn 300 triệu đồng từ các nhà hảo tâm, tổ chức, cá nhân tham gia ủng hộ.
Dịp này, UBND tỉnh Ninh Thuận đã tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho 50 cá nhân tiêu biểu có công với cách mạng.