Phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu

Ngày 31/3, tại Cần Thơ, trong khuôn khổ chương trình kỷ niệm 55 năm ngày thành lập (31/3/1966 - 31/3/2021), Trường Đại học Cần Thơ tổ chức Hội nghị quốc tế "Phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long: Nông nghiệp, Thủy sản và Môi trường thích ứng với biến đổi khí hậu".

Tại hội nghị, các đại biểu được nghe kết quả của 36 chương trình nghiên cứu khoa học thuộc Dự án "Nâng cấp Trường Đại học Cần Thơ thành trường đại học xuất sắc, đạt chuẩn quốc tế về đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và quản trị đại học", do Trường Đại học Cần Thơ phối hợp cùng Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) thực hiện.

Các nhà khoa học chỉ ra rằng Đồng bằng sông Cửu Long là vùng đất mẫn cảm với thay đổi của tự nhiên. Biến đổi khí hậu và nước biển dâng diễn ra nhanh hơn dự báo, gây ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, ảnh hưởng đến sinh kế và đời sống của người dân. Việc khai thác tài nguyên nước trên thượng nguồn châu thổ, đặc biệt là xây dựng đập thủy điện đã làm thay đổi dòng chảy, giảm lượng phù sa, suy giảm nguồn lợi thủy sản, xâm nhập mặn sâu vào nội vùng, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Mặt trái từ hoạt động phát triển kinh tế với cường độ cao ở nội vùng bộc lộ ngày càng gay gắt, gây nhiều hệ lụy như ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái nghiêm trọng, sụt lún đất, suy giảm mực nước ngầm, xâm thực bờ biển, nhiều diện tích rừng tự nhiên, nhất là rừng ngập mặn, rừng tràm, rừng phòng hộ bị chặt phá, chuyển đổi sang mục đích sử dụng khác hoặc bị suy thoái nặng nề. Việc khai thác bùn cát quá mức, xây dựng nhà cửa và hạ tầng sát bờ sông, kênh, rạch làm gia tăng nguy cơ sạt lở...

Bên cạnh đó, việc huy động, sử dụng nguồn lực cho đầu tư phát triển còn hạn chế. Mặt bằng học vấn và tỷ lệ ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến của vùng thấp hơn mức bình quân chung của cả nước; chất lượng giáo dục, y tế vẫn còn thấp so với yêu cầu; nhân lực chất lượng cao đang có xu hướng dịch chuyển sang các địa phương khác...

Trên cơ sở phân tích, các đại biểu tham gia Hội nghị cho rằng để giải quyết những thách thức nêu trên, góp phần giúp vùng Đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững, thịnh vượng, trên cơ sở chủ động thích ứng, phát huy tiềm năng, thế mạnh, chuyển hóa những thách thức thành cơ hội để phát triển, bảo đảm được cuộc sống ổn định, khá giả của người dân cũng như bảo tồn được những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của vùng thì việc đầu tư, phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ đóng vai trò hết sức quan trọng.

Phó Giáo sư Nguyễn Lý Bình (Trường Đại học Cần Thơ) đề xuất các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu trong lĩnh vực nông nghiệp. Theo đó, về mặt tổng thể, cần hình thành các tiểu vùng sinh thái làm định hướng phát triển nông nghiệp: vùng đồng bằng ngập lũ, vùng sinh thái nước ngọt, vùng sinh thái nước mặn…; xây dựng cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo 3 trọng tâm: thủy sản – cây ăn quả - lúa gắn với các tiểu vùng kinh tế. Song song đó, cần triển khai các mô hình chuyển đổi từ trồng lúa sang canh tác cây ăn quả, nuôi bò sữa hoặc lúa – cá kết hợp…; đào tạo, tập huấn nông dân thành “công nhân công nghiệp”, làm chủ được công nghệ trong canh tác nông nghiệp. 

Theo Giáo sư Ishimatsu Atsushi (Cố vấn học thuật của Dự án JICA), để phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, cần có các giải pháp “thuận thiên, thuận nhân” thì mới mang tính bền vững. Cụ thể, cần đánh giá chi tiết các thay đổi do biến đổi khí hậu trong tương lai, qua đó đề xuất các mô hình phù hợp với điều kiện thay đổi cụ thể; đánh giá hiệu quả kinh tế, xã hội và tác động môi trường của các mô hình sử dụng đất đai. Từ đó, người dân được cung cấp các thông tin hữu ích trong việc lập kế hoạch sản xuất, đầu tư, kinh doanh ở các tiểu vùng kinh tế. Ngoài ra, ở tầm vĩ mô, cần có các chính sách theo kịp những thay đổi của biến đổi khí hậu và công nghệ 4.0 trong nông nghiệp để đưa ra các giải pháp hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp một cách hiệu quả nhất…

Đề cập chi tiết về các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu trong nuôi trồng thủy sản, Giáo sư Trần Ngọc Hải (Trường Đại học Cần Thơ) cho rằng cần xây dựng cơ cấu kinh tế nông nghiệp hợp lý, bảo đảm gắn kết chuỗi sản phẩm hàng hóa, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu; chú trọng công nghiệp chế biến và công nghiệp hỗ trợ cho nền kinh tế nông nghiệp. Ngoài ra, cần nghiên cứu sâu về sinh học, sinh lý, khả năng thích nghi và phương pháp thuần hóa các loài thủy sản nước ngọt để nuôi trong vùng nước lợ, nước mặn…

Giáo sư Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ, cho biết, Dự án “Nâng cấp Trường Đại học Cần Thơ” sử dụng vốn vay ODA từ Chính phủ Nhật Bản thông qua JICA được thực hiện trong 7 năm (từ tháng 10/2015-10/2022) với tổng kinh phí 2.250 tỷ đồng (tương đương 12.300 triệu yên). Dự án tập trung vào 3 lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, môi trường, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, gia tăng giá trị nông nghiệp và thủy sản ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. 

Ánh Tuyết (TTXVN)
Sóc Trăng chuyển dịch cơ cấu cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu
Sóc Trăng chuyển dịch cơ cấu cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu

Trước tình hình biến đổi khí hậu khó lường, hạn mặn luôn ảnh hưởng đến tình hình sản xuất nông nghiệp, nhất là các loại cây trồng cần nhiều nước ngọt như: lúa trong mùa khô, ngành nông nghiệp Sóc Trăng đang đẩy mạnh việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng như giảm diện tích lúa vụ 3 để tăng cường các loại cây trồng khác cần ít nước như: rau, màu, cây ăn trái…

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN