Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ được ban hành năm 2017 đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về tư duy của các cấp, các ngành trong xây dựng chính sách, xác định các chương trình chiến lược, các dự án cấp bách. Thực tiễn bốn năm triển khai cho thấy, việc kế thừa các chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước cùng với tích hợp, lồng ghép kết quả các chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ, các dự án phát triển đã tạo đà mạnh mẽ cho ĐBSCL phát triển và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, trước bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, dịch bệnh COVID-19 diễn biến khó lường ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của ĐBSCL, đòi hỏi cần có nghiên cứu, đánh giá một cách toàn diện, khoa học, để có định hướng chiến lược tổng thể, lâu dài, những giải pháp đồng bộ, cấp bách, những cơ chế, chính sách mới mang tính đột phá, biến thách thức thành cơ hội phát triển nhanh và bền vững.
Chia sẻ tại Tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “ĐBSCL: Thuận thiên bền vững, vượt đại dịch” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng 16/12, ông Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường cho biết: Năm 2021 rất khó khăn với ĐBSCL, cùng với cả nước, đây là khu vực chịu ảnh hưởng nặng bởi dịch, phải thực hiện giãn cách kéo dài.
Thống kê ước tính trong 6 tháng đầu năm, tăng trưởng trung bình khu vực ĐBSCL đạt hơn 4,5%, thấp hơn trung bình 5,64% của cả nước. Thậm chí, dự kiến, cuối năm tăng trưởng khu vực ĐBCSLC có thể bị âm.
Trong năm 2021, số lượng doanh nghiệp đăng ký lập mới hơn 6.000 doanh nghiệp, chỉ bằng 34% so với cùng kỳ năm trước, chỉ cao hơn so với khu vực Tây Nguyên và Trung du miền núi phía Bắc, trong khi đó số doanh nghiệp dừng hoạt động là gần 8.000 đơn vị.
“Đây là khu vực năng động, xuất khẩu lớn, tạo nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước, nhưng gặp khó khăn nên ảnh hưởng nhiều tới nguồn lực ứng phó với biến đổi khí hậu trong thời gian tới. Hầu hết nguồn lực tài chính, nhân lực được sử dụng chống dịch thời gian qua. Thời gian tới, để bảo đảm thực hiện Nghị quyết 120, phải tập trung một số giải pháp; trong đó triển khai giải pháp thuận thiên, bảo đảm phù hợp với môi trường. Đồng thời, đây là giai đoạn cả nước thực hiện Quy hoạch phát triển vùng đến 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và năm 2050; là cơ hội xây dựng quy hoạch tích hợp phù hợp hệ sinh thái, bảo đảm phù hợp cảnh quan, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân phát triển liên kết vùng, liên kết TP Hồ Chí Minh và Đông Nam Bộ trong thời gian tới”, ông Trần Đình Thọ cho hay.
Đồng quan điểm, GS Trần Thục, Phó Chủ tịch, Hội đồng Tư vấn của Ủy ban Quốc gia về Biến đổi khí hậu cho rằng, ĐBSCL có ranh giới vị trí, nhưng hoạt động ở tỉnh này hoàn toàn có thể ảnh hưởng đến tỉnh khác. Tuy nhiên, hiện nay còn thiếu cái nhìn thổng thể để phối hợp giữa các địa phương với nhau.
“Nghị quyết 120 tạo tiền đề cho liên kết vùng và Thủ tướng Chính phủ cũng đã có quyết định thí điểm liên vùng đối với ĐBSCL. Tôi nghĩ đây là một bước tiến quan trọng để các địa phương phối hợp của từng vùng. Cần phải có quy hoạch tích hợp, quy hoạch toàn bộ ĐBSCL, từ đó các tỉnh, thành phố có quyền tích hợp cho địa phương mình và các vùng liên kết giữa các tỉnh”, GS Trần Thục nêu ý kiến.
Còn ông Trần Quang Hoài, Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, Bộ đã triển khai quyết liệt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về vấn đề "thuận thiên". Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã chia thành 3 vùng: Vùng nước ngọt gồm các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Long An. Vùng giữa là vùng nằm giữa vùng ngọt và vùng ven biển. Vùng ven biển có phương pháp sinh kế cho bà con theo quy hoạch của Bộ.
“Đối với phòng chống thiên tai, lấy con người làm trọng tâm và phải thuận thiên. Chúng ta không thể bất kỳ chỗ nào cũng xây dựng công trình, bởi có những khu vực không thể xây dựng công trình được. Các nhà khoa học trong nước và quốc tế cũng như Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xác định xây dựng công trình phải phù hợp thực tiễn của khu vực ĐBSCL, phù hợp với biến đổi khí hậu. Chính phủ đã có chương trình khoa học công nghệ chống thiên tai, trong đó có vấn đề về công trình phòng chống thiên tai cho ĐBSCL”, ông Trần Quang Hoài cho hay.
Về phòng chống thiên tai cho khu vực, Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai cho biết sẽ tập trung vào yếu tố con người là quan trọng nhất. Trong những năm gần đây, lũ ở một số khu vực không kém gì những trận lũ năm 2000 khiến thiệt hại gần 500 người dân. Trong khi đó, những năm 2016 trở về trước không có người dân nào bị thiệt mạng vì chúng ta thực hiện quyết liệt việc nâng cao năng lực cộng đồng, hướng dẫn người dân bảo vệ an toàn tính mạng và sức khỏe bằng những chương trình như cấp nước sạch, đảm bảo sinh kế cho bà con.
Hiện nay, các địa phương đang tích cực trong việc gắn bảo đảm an toàn trong thiên tai với xây dựng nông thôn mới vì đây là những nội dung, những điểm sáng mà rất nhiều địa phương đã làm rất tốt như Đồng Tháp, Cà Mau đều là những vùng bị ảnh hưởng nặng nề của thiên tai nhưng đời sống của người dân đều đang được nâng lên.