Theo đó, Hội Đông y phối với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bạc Liêu nghiên cứu, đánh giá mức độ suy giảm các cây con làm thuốc trong tỉnh và hoạch định chính sách, kế hoạch bảo tồn, khôi phục, kế hoạch ưu tiên, nuôi trồng lại các cây con làm thuốc đã bị tuyệt chủng, nguy cơ tuyệt chủng và mất giống. Hội cũng tổ chức cho người dân thu hái thuốc nam mọc tự nhiên để sơ chế, bảo quản, dùng dưới dạng thuốc thang thành phẩm hoặc chế biến thành dạng viên.
Hoạt động tại một cơ sở chẩn trị y học cổ truyền. Ảnh: TTXVN |
Hội Đông y tỉnh dự kiến tăng 1- 2 phòng chẩn trị y học cổ truyền mỗi năm nhằm đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày một tăng cao của người dân. Trong thời gian tới, các cơ sở chẩn trị y học cổ truyền sẽ nâng dần tỷ lệ sử dụng nguồn nam dược lên khoảng 50%.
Ngoài ra, nhằm nâng cao nhận thức về vai trò và tác dụng của nguồn nam dược trong chữa bệnh cho người dân, Hội Đông y tỉnh Bạc Liêu tăng cường tuyên truyền, quảng bá về hiệu quả của các vị thuốc nam quí sẵn có như: sả, đinh lăng, rau má, cúc tần…
Bên cạnh đó, Hội Đông y tỉnh cũng tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng kiến thức về nam dược cũng như chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ hội viên. Từ năm 2015 đến nay, Hội đã tổ chức được 10 lớp bồi dưỡng kỹ năm khám chữa bệnh với gần 300 học viên.
Ông Đặng Hoàng Dũng – Trưởng ban chuyên môn Hội Đông y tỉnh Bạc Liêu cho biết, trên địa bàn toàn tỉnh có tất cả 7 vườn nam dược mẫu, trong đó có 4 vườn được đưa vào khai thác, cung cấp nguồn thuốc phục vụ các cơ sở chẩn trị y học cổ truyền chế biến thành thuốc thành phẩm với tổng diện tích 2ha (không tính trong nhân dân).
Hiện Bạc Liêu có 7 phòng và 64 cơ sở chẩn trị y học cổ truyền sử dụng nguồn thuốc nam để điều trị cho hàng trăm ngàn lượt bệnh nhân mỗi năm. Ngoài ra, tỉnh còn có hơn 20 cơ sở Tịnh Độ tại các chùa, tổ chức khám và chữa bệnh từ thiện cho 200 - 300 lượt người dân/ năm.