Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi trong việc thành lập, phát triển thì các nhóm trẻ độc lập tư thục vẫn tồn tại những khó khăn như thiếu tính ổn định về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất không đảm bảo…
Đề án được triển khai tại các quận, huyện có khu công nghiệp, khu chế xuất của Hà Nội như Bắc Từ Liêm, Hoàng Mai, Long Biên, Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn, Gia Lâm, Chương Mỹ, Nam Từ Liêm, Quốc Oai, Thường Tín, Thạch Thất. Các địa phương này có 17 khu công nghiệp, khu công nghệ cao, trong đó có 9 khu công nghiệp đang hoạt động với khoảng 149.500 công nhân lao động. Số lao động nữ chiếm tới 70% tổng số lao động tại các khu công nghiệp, phần lớn là các lao động ngoại tỉnh và đang ở độ tuổi sinh đẻ.
Số liệu thống kê của Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội cho thấy, tại 12 quận, huyện có khu công nghiệp - khu chế xuất, cụm công nghiệp là 40 trường mầm non, trong đó có 25 trường công lập, 15 trường tư thục; có 52 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục (trong đó Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội đang giúp đỡ 44 nhóm). Tổng số trẻ huy động ra lớp của 12 quận, huyện là 22.236 cháu, trong đó có 6.040 cháu là con nữ công nhân khu công nghiệp - khu chế xuất. Về cơ bản, số trẻ là con nữ công nhân lao động được chăm sóc, nuôi dưỡng tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập và ngoài công lập, số lượng trẻ nhỏ dưới 12 tháng tuổi chủ yếu được chăm sóc tại gia đình.
Theo bà Hoàng Thanh Hương, Trưởng phòng Giáo dục Mầm non (Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội), trong nhiều năm gần đây, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã tham mưu với thành phố các đề án, kế hoạch chung để phát triển hệ thống các trường mầm non trên địa bàn, trong đó có cả các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục tại các khu công nghiệp - khu chế xuất. Cũng từ sự phối hợp giữa Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội với Ban Quản lý các khu công nghiệp mà nhiều khu công nghiệp tại các địa phương đã xây dựng trường mầm non, tạo điều kiện để con của các công nhân được học tại các trường công lập. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng công khai danh sách các trường mầm non, nhóm trẻ trên địa bàn thành phố để việc quản lý được quy củ hơn.
Tuy nhiên, công tác quản lý, chỉ đạo hoạt động các nhóm trẻ độc lập tư thục tại khu công nghiệp - khu chế xuất còn nhiều khó khăn như: đặc thù dân số cơ học tăng nhanh, luôn biến động do công nhân chủ yếu làm việc theo hợp đồng ngắn hạn; việc dự báo dân số và nhu cầu đến trường của trẻ không dễ dàng. Bên cạnh đó, Đề án chủ yếu tập trung vào khảo sát, tập huấn, chưa chú trọng đến kinh phí hỗ trợ về cơ sở vật chất; số lượng cán bộ phụ trách việc thẩm định, giám sát của UBND các phường, xã ít, không có chuyên môn nghiệp vụ về chuyên ngành…
Cũng nêu những khó khăn về việc xây dựng các trường mầm non tại các khu công nghiệp - khu chế xuất, ông Nguyễn Văn Thuận, Trưởng phòng Quản lý (Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội), cho rằng khó khăn lớn nhất là các khu công nghiệp được phê duyệt trước đây gần như không có quỹ đất dành cho xây dựng trường mầm non cũng như các công trình ổn định, mang tính chất an sinh xã hội.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã chia sẻ kết quả, kinh nghiệm cũng như những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Đề án. Bà Trần Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Sóc Sơn, cho biết: Trên địa bàn huyện Sóc Sơn không chỉ có Khu công nghiệp Nội Bài mà còn có các khu công nghiệp ở các tỉnh lân cận của tỉnh Thái Nguyên, tỉnh Bắc Ninh. Vì vậy, trong những năm gần đây, số lượng công nhân đi làm tại các khu công nghiệp tăng lên nhiều. Số công nhân nữ trên địa bàn huyện Sóc Sơn là trên 8.000 người, nhu cầu gửi trẻ, đặc biệt là trẻ dưới 36 tháng tuổi rất cao. Nhìn chung, số trường lớp trên địa bàn huyện đã đáp ứng được số trẻ ra lớp, tuy nhiên, nhu cầu gửi trẻ sớm, đón muộn của một số gia đình có bố mẹ làm công nhân cần thì các trường công lập chưa đáp ứng được. Vì vậy, các nhóm trẻ độc lập tư thục góp phần giải quyết những nhu cầu trên.
Mặc dù vậy, theo bà Trần Thị Thu Hà, các nhóm trẻ độc lập tư thục vẫn còn nhiều bất cập như: hầu hết các giáo viên mới tốt nghiệp, tuổi đời còn trẻ nên kinh nghiệm chăm sóc trẻ dưới 36 tháng còn hạn chế. Bên cạnh đó, các nhóm trẻ tư thục độc lập chỉ dừng lại ở việc trông giữ, chăm sóc trẻ là chính, chưa thực hiện tốt nội dung giáo dục để trẻ được phát triển toàn diện về trí tuệ và nhân cách. Các nhóm trông giữ trẻ tại gia đình cũng chưa đáp ứng được yêu cầu về chuyên môn, người giữ trẻ lớn tuổi nên không có trình độ, cơ sở vật chất hạn chế nên không đủ điều kiện để cấp giấy phép thành lập nhóm trẻ, lớp mẫu giáo tư thục độc lập.
Bà Đặng Thị Hường, Chủ Nhóm trẻ tư thục Thăng Long Kid (huyện Đông Anh, Hà Nội), cũng cho rằng bên cạnh việc tạo thuận lợi từ phía chính quyền trong việc thành lập nhóm trẻ và nguồn trẻ tương đối ổn định thì nhóm trẻ của bà còn có những khó khăn như: áp lực thời gian dạy trẻ kéo dài do các phụ huynh là công nhân không đón được con theo giờ hành chính, nhu cầu gửi sớm, đón muộn, học ngày thứ Bảy… Hơn nữa, do đặc thù công việc, cha mẹ học sinh thường xuyên có sự thay đổi nơi làm việc, chỗ ở nên giáo viên tiếp cận với các trẻ không được lâu dài, giáo viên thường xuyên phải làm quen với trẻ mới và giúp trẻ bắt nhịp với nền nếp, sinh hoạt của nhà trường. Điều này phần nào gây nên những khó khăn, vất vả đối với giáo viên.
Đánh giá kết quả mà các cấp Hội phụ nữ trên địa bàn thành phố Hà Nội đạt được trong việc thực hiện Đề án, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Trưởng Ban Gia đình xã hội thuộc Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, cho rằng các nhóm, lớp trẻ độc lập tư thục tại các khu công nghiệp - khu chế xuất của Hà Nội đã hỗ trợ được phần lớn nhu cầu gửi con của các công nhân.
Cũng tại Hội nghị, đại diện các địa phương đã kiến nghị, đề xuất các cấp lãnh đạo, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội tiếp tục quan tâm, chỉ đạo thực hiện các hoạt động của Đề án, đồng thời xây dựng thí điểm các cơ sở mầm non tư thục có quy mô, trong đó có cơ chế đặc thù trong ngành giáo dục như phân ca làm việc để đón nhận trẻ là con của các nữ công nhân làm việc tại các khu công nghiệp - khu chế xuất.
Bên cạnh đó, để các nhóm trẻ độc lập tư thục có điều kiện phát triển, đảm bảo chất lượng, các cơ quan chức năng, các địa phương cần quan tâm hơn nữa, hỗ trợ cho các nhóm trẻ về trang thiết bị, tập huấn chuyên môn để nâng cao chất lượng chăm sóc, dạy dỗ trẻ, sớm đáp ứng được nhu cầu gửi trẻ đang ngày càng cấp thiết của người lao động trong các khu công nghiệp - khu chế xuất.