Nhiều bất cập, hạn chế
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, thiệt hại về người do thiên tai trong năm 2020 là quá lớn, đặc biệt là vụ sạt lở đất đã làm 35 cán bộ, chiến sỹ thuộc lực lượng cứu hộ và 2 cán bộ địa phương bị thiệt mạng.
Tại các bộ, ngành, địa phương, công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết đánh giá, đưa ra các kịch bản, phương án với những tình huống thiên tai lớn, trên diện rộng, khu vực vùng sâu, vùng xa khi bị chia cắt… còn hạn chế, chưa bài bản, chưa phù hợp thực tế; lực lượng phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn còn thiếu tính chuyên nghiệp, chưa được đào tạo, tập huấn chuyên sâu; thiếu trang thiết bị chuyên dùng, chưa đáp ứng yêu cầu trong nhiều tình huống thiên tai.
“Khả năng chống chịu cơ sở hạ tầng nói chung, nhất là nhà dân, công trình phòng, chống thiên tai còn thấp trước sức tàn phá của bão, lũ; hệ thống giao thông thường xuyên xảy ra sạt lở, ngập sâu, chia cắt. Công tác tổ chức vận động, quyên góp, cứu trợ cho người dân bị ảnh hưởng do thiên tai của một số tổ chức, cá nhân còn có những bất cập. Việc chấp hành chỉ đạo của chính quyền, cơ quan phòng chống thiên tai ở một số khu vực còn chưa nghiêm túc dẫn đến xảy ra thiệt hại đáng tiếc về người và tài sản”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Phân tích về nguyên nhân của bão, lũ gây thiệt hại nghiêm trọng, người đứng đầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng về yếu tố khách quan thiên tai đã và đang diễn ra ngày càng khốc liệt, bất thường và vượt lịch sử kể cả về số lượng, cường độ, phạm vi. Cùng với đó, địa hình đồi núi có độ dốc cao, chia cắt mạnh, kết cấu đất vùng núi phần lớn là bở rời, dễ sạt trượt, kết hợp với mưa vượt mức lịch sử nên lũ tập trung nhanh, nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét. Lòng dẫn của nhiều tuyến sông bị bồi lấp, gặp thủy triều cao nên khả năng thoát lũ chậm, kéo dài thời gian ngập lũ; lũ ngập sâu từ 2-3m, có nơi tới 5m như ở huyện Lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình). Dân số khu vực miền núi, khu công nghiệp, khu ven biển gia tăng, dẫn đến nguy cơ mất an toàn rất cao.
Về chủ quan, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chỉ rõ, do nhận thức, mức độ quan tâm của chính quyền và người dân một số nơi còn hạn chế nên chưa tập trung đề ra giải pháp cụ thể cũng như đầu tư thích đáng cho công tác phòng, chống thiên tai, thậm chí một số nơi trong quá trình xây dựng hạ tầng, sinh sống, sản xuất còn làm gia tăng rủi ro thiên tai và thiệt hại.
Hệ thống tổ chức bộ máy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn hầu hết là kiêm nhiệm, hoạt động thiếu tính chuyên nghiệp, thiếu trang thiết bị chuyên dùng, công cụ hỗ trợ theo dõi, giám sát, kết nối chỉ đạo điều hành... dẫn đến lúng túng, bị động trong ứng phó, khắc phục hậu quả đối với tình huống thiên tai lớn, trên diện rộng.
Việc ứng dụng khoa học - công nghệ, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu trong công tác phòng chống thiên tai của các bộ, ngành, địa phương còn rất hạn chế, nhất là trong việc cảnh báo sạt lở đất. Việc quan tâm đầu tư cũng như đào tạo, nâng cao năng lực cộng đồng, truyền thông ở cấp cơ sở để thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” còn chưa đáp ứng yêu cầu, các phương án đưa chưa sát với thực tế, một số nơi còn mang tính hình thức dẫn đến hiệu quả chưa cao, nhất là khi có tình huống thiên tai lớn.
Kinh phí bố trí cho công tác phòng, chống thiên tai còn bất cập, phân tán dẫn đến xử lý các trọng điểm kéo dài nhiều năm, hiệu quả không cao. Năm 2020 các cơ quan chức năng xác định có 230 trọng điểm, vị trí xung yếu về đê điều, 200 hồ chứa có nguy sạt lở, thẩm thấu cơ cao chưa được xử lý. Khu neo đậu tàu, thuyền chỉ đáp ứng được khoảng 48 % nhu cầu; thiếu nguồn lực để thực hiện các chương trình, đề án, dự án phòng, chống thiên tai.
Bài học kinh nghiệm
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng do tác động của biến đổi khí hậu mà nguy cơ rủi ro thiên tai có thể xảy ra mọi lúc, mọi nơi. Tính mạng của người dân và thành quả của xã hội chỉ được đảm bảo an toàn khi công tác phòng ngừa và ứng phó được coi trọng và thường xuyên lồng ghép trong các hoạt động kinh tế, xã hội; đặc biệt cần quan tâm đầu tư cho giai đoạn phòng ngừa (1 đồng cho phòng ngừa sẽ bớt 7 đồng khắc phục), khắc phục tình trạng khi thiên tai qua đi thì các hoạt động liên quan thường bị xem nhẹ.
“Công tác phòng, chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn đòi hỏi phải được trang bị những thiết bị tiên tiến, hiện đại, lực lượng chuyên nghiệp, nắm vững chuyên môn nghiệp vụ, địa bàn, nhiệt huyết, không quản ngại khó khăn, nguy hiểm, thường xuyên được tập huấn, diễn tập; cơ sở dữ liệu đồng bộ để dự báo, theo dõi giám sát, phân tích, cảnh báo; quyết định kịp thời, chính xác và hiệu quả”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nêu rõ.
Ngoài ra, công tác dự báo, cảnh báo sớm, chính xác, phạm vi hẹp, nhất là về mưa, lũ, lũ quét, sạt lở đất giữ vai trò quan trọng hàng đầu trong chỉ đạo điều hành, ứng phó với thiên tai. Việc vận dụng linh hoạt phương châm “4 tại chỗ” phù hợp với đặc điểm của các hộ dân cư và địa phương, đồng thời phát huy vài trò lực lượng xung kích cơ sở là hết sức cần thiết. Bên cạnh đó, vai trò của người đứng đầu có ý nghĩa quyết định trong giảm thiểu thiệt hại do thiên tai trên địa bàn, nhất là đối với khu vực miền núi có địa hình dễ bị chia cắt.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chia sẻ, một trong những bài học kinh nghiệm được thể hiện rõ nét đó là tình tương thân tương ái của dân tộc ta rất lớn, nhất là trong khó khăn hoạn nạn. Song nếu không tạo điều kiện cho các hoạt động này diễn ra một cách minh bạch, có tổ chức chặt chẽ, thông tin kịp thời, rộng rãi và phối hợp với chính quyền địa phương thì có thể dẫn đến chồng chéo, không phù hợp, bị lợi dụng. Việc giám sát các hoạt động của xã hội, cá biệt có thể phải sử dụng các biện pháp mạnh trong khi thiên tai đang xảy ra như nghiêm cấm, cưỡng chế, thu hồi giấy phép là rất cần thiết, góp phần bảo vệ không chỉ trực tiếp cho đối tượng mà nhiều trường hợp còn bảo vệ cộng đồng.
Bài cuối – Hướng tới những giải pháp khả thi