“Bữa cơm chỉ có hai mẹ con càng vui. Mong ước lớn nhất của tôi bây giờ là bình yên. Tôi mong chờ con trai tôi lớn khôn, trưởng thành để sau đó tự giải thoát mình”, chị T. một phụ nữ bị bạo lực gia đình ở thành phố biển Đà Nẵng nghẹn ngào chia sẻ khi được hỏi về mong muốn lớn nhất của mình trong thời điểm này.
Đây cũng có lẽ là mong ước chung của hầu hết những phụ nữ Việt Nam đã và đang bị bạo lực gia đình. Có tiếp xúc, có nghe những câu chuyện về những năm tháng sống như dưới địa ngục, mới cảm thấy thấm thía mong ước bình dị nhưng xa xỉ của họ.
Theo Báo cáo Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 công bố vào tháng 7 vừa qua, cứ 3 phụ nữ có gần 2 phụ nữ (gần 63%) bị một hoặc hơn một hình thức bạo lực thể xác, tình dục, tinh thần và bạo lực kinh tế cũng như kiểm soát hành vi do chồng gây ra trong cuộc đời. Gần 32% phụ nữ bị bạo lực hiện thời (trong 12 tháng qua).
Những phát hiện của cuộc Điều tra cho thấy, tính phức tạp của bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái. Sau 9 năm kể từ Điều tra đầu tiên, tỷ lệ các hình thức bạo lực phổ biến nhất do chồng/bạn tình gây ra đối với phụ nữ ở Việt Nam, theo như phụ nữ chia sẻ trong các cuộc phỏng vấn, giảm không đáng kể.
Lấy chồng 18 năm, 15 năm sống trong “địa ngục”
Quê ở một tỉnh trung du miền núi phía Bắc, theo tiếng gọi của tình yêu, 22 tuổi, chị T. theo chồng - một lái xe đường dài, vào Đà Nẵng ở. Hạnh phúc ngắn chẳng tày gang, chỉ sau 3 năm chung sống mặn nồng và có với nhau một người con trai, người chồng dần dần lạnh nhạt, mắng chửi chị vô cớ. Rồi điều không mong muốn đã xảy ra, chị nhận tin chồng đã có người thứ ba, thậm chí có con riêng.
Chị T. chia sẻ, hồi mới biết tin chồng có người thứ 3, chị hụt hẫng, đau lắm. Khi lấy chồng, chị chấp nhận thân gái một mình theo chồng vào vào Đà Nẵng và đặt tất cả niềm tin vào chồng, sống cuộc sống, cảm xúc của chồng. Chị cố gắng nhẫn nhịn với suy nghĩ vì gia đình, vì đứa con còn thơ dại. Nhìn thấy chồng ở với người thứ ba, chị chỉ khuyên bảo nhẹ nhàng nhưng ông ấy bỏ ngoài tai, Kể từ đó, chị T. chìm trong chuỗi ngày sống với sự ghẻ lạnh, bạo lực từ người chồng.
“Hắn ta đánh tôi, bằng tay, bằng chân, đủ thứ hết ấy… tôi cố gắng không để con biết mẹ bị đánh nhưng có lần tôi bị đánh đến nứt xương hàm phải đi bệnh viện, con mới biết mẹ bị ba đánh”, giọng chị T. nghẹn lại khi kể về hành vi bạo lực của chồng. “Biết mẹ bị đánh, con an ủi tôi, nói mẹ cố gắng chịu đựng vì con, khi nào con lớn, con học xong, có việc làm, con sẽ lo cho mẹ”, chị T. nói tiếp.
Không những bị bạo lực về thể xác, chị còn bị chồng bạo lực về tinh thần khi không chia sẻ khó khăn kinh tế với chị, mắng chửi chị và thản nhiên qua lại với người thứ ba. Thậm chí, chị còn bị người thứ ba gọi điện đến đe dọa tinh thần.
Không biết chia sẻ với ai, có thời điểm, chị T. rơi vào tình trạng trầm cảm và có lúc đã tìm đến cái chết. Chị T. cho biết, nhìn đứa con nhỏ, chị ngậm đắng nuốt cay, tự động viên mình cố gắng vượt qua khó khăn để nuôi con.
Người phụ nữ nghèo, với thân hình nhỏ con, khuôn mặt khắc khổ, già hơn so với tuổi 40 của mình, cho biết để có tiền cho con ăn học, chị đi bán cá dạo hàng ngày trong xóm để kiếm sống. Nếu không có dịch COVID-19, mỗi ngày trung bình, chị kiếm được khoảng 300.000-400.000 đồng. Trừ hết chi phí, chị được lời 100.000 đồng. Nay do dịch bệnh, chị không thể đi bán cá dạo và chuyển sang làm nghề dọn vệ sinh thuê.
Với chị T. sau gần 15 năm sống cam chịu, tủi nhục, đến giờ, chị chỉ mong mỏi con trai của chị đang học cuối cấp phổ thông thi đỗ đại học, đi làm. Đó chính là thời điểm để chị tự giải thoát mình khỏi “địa ngục” dù biết rằng tương lai hậu ly hôn sẽ rất đỗi vất vả. “Cực nuôi con cũng được nhưng đổi lại được sống bình yên”, chị T. nói.
Nơm nớp lo âu trước bẫy dựng chuyện của chồng
Cũng tình cảnh kiếp chồng chung như chị T., chị L. (56 tuổi) cùng ở Đà Nẵng, đáng ra ở độ tuổi của chị phải được hưởng cuộc sống vui vầy bên con cháu nhưng chị vẫn đang phải chịu cảnh sống trong bầu không khí ngột ngạt, bạo lực thể xác, tinh thần và nơm nớp lo lắng có thể bất cứ lúc nào rơi vào bẫy đơm đặt, dựng chuyện thị phi mà người chồng giăng ra. Chồng chị còn giành quyền được kiểm soát mọi thứ chi tiêu mà chị không có quyền can thiệp.
“Lấy chồng được hơn 30 năm, có với nhau 4 người con, cuộc sống vợ chồng tôi liên tục có mâu thuẫn. Chồng tôi có quan hệ bất chính bên ngoài. Lúc đầu, tôi rất sốc nhưng sau cũng quen dần vì tôi luôn nghĩ về các con. Nhưng "cây muốn lặng mà gió chẳng đừng", chồng tôi liên tục gây sự, kiếm chuyện, quát nạt, chửi bới, đánh đuổi tôi khỏi nhà. Nhiều lần tôi phải nộp đơn xin chính quyền địa phương, tộc họ bên chồng can thiệp nhưng vẫn "ngựa quen đường cũ”, chị L. nghẹn ngào chia sẻ.
Không chịu được cuộc sống trên, chị L. đã nộp đơn xin ly hôn ra Tòa án, nhưng sau 3 lần hòa giải, 2 lần xét xử vẫn chưa giải quyết được do người chồng không đồng ý chia tài sản. Người chồng muốn chị ra đi tay trắng.
Trong khi chờ Tòa án giải quyết đơn ly hôn, chị L. vẫn phải hằng ngày chịu cuộc sống khủng bố tinh thần lẫn thể xác từ người chồng. Đặc biệt người chồng còn đang tâm chia rẽ tình cảm mẹ con chị khi gài bẫy, vu cho chị đi lại với người đàn ông khác, trong khi chị đầu tắt mặt tối làm lụng suốt cả ngày. “Ông ấy nhờ người đàn ông khác gọi điện đến số điện thoại của tôi nhiều lần, xin hẹn hò đi uống cà phê, rồi về nhà bày chuyện đánh ghen, trước mặt con cái để chúng hiểu lầm về mẹ. Tôi đau đớn vô cùng khi mang tiếng oan này và sự xa lánh từ các con”, chị L. khóc nấc nói.
Mãi sau, từ nỗ lực của bản thân và sự giúp đỡ của những người thân quen, chị mới minh oan cho mình với con cái.
Chị L. cho biết ước muốn lớn nhất của chị lúc này là Tòa án sớm giải quyết đơn ly hôn, trong khi chưa biết tương lai sau đó sẽ đi về đâu.
Những mong ước của chị T. và chị L. đã phần nào được chia sẻ khi các chị nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ từ tư vấn pháp lý, tâm lý đến tài chính từ Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Đà Nẵng thông qua các các Câu lạc bộ thuộc Dự án huy động cộng đồng trong phòng ngừa bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái. Bản thân những người chồng cũng được vận động để tham gia các Câu lạc bộ giúp thay đổi nhận thức trong bảo vệ phụ nữ, trẻ em gái.
"Tôi rất biết ơn Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố và Câu lạc bộ nam giới tiên phong. Trong đợt dịch COVID-19 vừa qua, tôi đã nhận được sự hỗ trợ tài chính từ Hội và có những tư vấn tâm lý kịp thời giúp tôi thoát khỏi những suy nghĩ tiêu cực, mạnh dạn chia sẻ với mọi người những khó khăn trong cuộc sống", chị T. nói.
Bài cuối: Cộng đồng lên tiếng, nam giới tiên phong