Tuy nhiên, tai nạn lao động vẫn xảy ra, gây thiệt hại nặng nề về người, tài sản, nguyên nhân là do vi phạm các biện pháp làm việc an toàn, có nơi chưa thật sự quan tâm, vẫn còn tình trạng lơ là, mất cảnh giác…
Tăng cường kiểm soát, ngăn chặn tai nạn lao động
Thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh, 4 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn xảy ra 13 vụ tai nạn lao động làm chết 13 người. Tai nạn lao động xảy ra chủ yếu tại các cơ sở hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, sản xuất cấu kiện kim loại, sửa chữa bảo dưỡng máy móc. Báo cáo tháng 5/2024 của Liên đoàn Lao động Thành phố cũng ghi nhận xảy ra 5 trường hợp tai nạn lao động làm chết 5 người, chủ yếu là do điện giật và ngã từ trên cao….
Theo bà Lượng Thị Tới, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh, nguyên nhân chủ yếu của các vụ tai nạn lao động là do vi phạm nội quy, quy trình, quy chuẩn, biện pháp làm việc an toàn; không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân. Không ít vụ tai nạn lao động xảy ra do yếu tố chủ quan, xem thường công tác an toàn, thiếu biện pháp bảo hộ trong lao động; việc đảm bảo an toàn lao động ở một số nơi hay các công trình vẫn đang bị bỏ ngỏ…
Điển hình như vụ tai nạn lao động tại công trình xây dựng nhà ở riêng lẻ, ở số 28 đường Phạm Đức Sơn (phường 16, quận 8) gần đây khiến chị N.T.T.N (sinh năm 1980, hộ khẩu tại khu phố 4, Hòa Vinh, thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên) làm phụ hồ tử vong. Theo kết quả điều tra ban đầu, nhóm công nhân cùng làm việc tại đây cho biết, lúc cuối giờ gọi nhau ra về nhưng không thấy chị N. trả lời nên chia nhau đi tìm và phát hiện nạn nhân đã tử vong ở dưới đất, sát với nhà bên cạnh và nghi bị ngã từ trên cao…
Mới đây, Công an huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh đã lập hồ sơ, điều tra nguyên nhân tử vong của một người đàn ông được phát hiện chết trên cột điện độ cao khoảng 4 mét ở xã Tân Thạnh Tây. Theo người dân tại khu vực, mưa gió làm ngã một cây tràm, đè đứt đường dây điện vào khu vườn nhà, người này đã đeo đai buộc vào cột điện rồi trèo lên đấu nối lại đường dây thì bị điện giật…
Ngoài ra, trên địa bàn Thành phố không khó để bắt gặp các tình huống mất an toàn lao động tại các công trình xây dựng, nhất là tại các công trình xây dựng riêng lẻ, nhà ở dân dụng. Tại các xưởng cơ khí ở Quận 6, 11, Bình Tân hay huyện Hóc Môn, Bình Chánh, có thể dễ dàng bắt gặp cảnh công nhân đang trực tiếp đứng máy không trang bị bảo hộ lao động, thậm chí có người không mặc cả áo. Nhiều công nhân hàn xì, hàn điện, cưa, cắt sắt với những tia lửa bắn ra khắp nơi mà không có đồ bảo hộ che chắn…
Ông Nguyễn Thanh Xuyên, Trưởng Phòng Quản lý Chất lượng công trình xây dựng thuộc Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong những năm qua, dù đã cảnh báo và có nhiều giải pháp phòng ngừa nhưng tình trạng mất an toàn lao động vẫn xảy ra. Nguyên nhân do nhiều người sử dụng lao động và cả người lao động chưa thật sự quan tâm, chú ý thực hiện quy định của pháp luật về quản lý, kiểm soát nguy cơ, rủi ro.
Nhiều lao động chưa được huấn luyện an toàn vệ sinh lao động, thiếu kiến thức, kỹ năng làm việc an toàn và tác phong công nghiệp còn rất hạn chế, chủ quan. Chính quyền cơ sở ở một số nơi chưa thực sự dành nguồn lực cho công tác tuyên truyền, kiểm tra an toàn, vệ sinh lao động.
Theo ông Nguyễn Thanh Xuyên, tai nạn lao động xảy ra chủ yếu tại các cơ sở hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, xây dựng… Do vậy, mỗi tổ chức, cá nhân, cộng đồng doanh nghiệp càng không thể chủ quan, lơ là; các ban ngành, tổ chức chính trị xã hội và cộng đồng doanh nghiệp cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong việc thực thi các quy định trong lĩnh vực an toàn, vệ sinh lao động, đảm bảo môi trường làm việc an toàn cho người lao động.
Lấy phòng ngừa làm nguyên tắc ưu tiên
Theo Phân viện Khoa học an toàn vệ sinh lao động và Bảo vệ môi trường miền Nam, việc đầu tư nguồn lực của doanh nghiệp cho công tác an toàn vệ sinh lao động, phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp vẫn còn khiêm tốn, nhất là ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát còn nhiều bất cập, thiếu sâu sát từ những người có trách nhiệm và cả bản thân người lao động; chưa phát hiện kịp thời các vi phạm, nguy cơ mất an toàn hoặc có phát hiện nhưng việc xử lý chưa nghiêm để đúng, đủ quy chuẩn, tiêu chuẩn và quy trình, quy định, biện pháp kỹ thuật an toàn.
Khảo sát từ thực tiễn, Tiến sỹ Trịnh Hồng Lân, Phân viện trưởng Phân viện Khoa học an toàn vệ sinh lao động và Bảo vệ môi trường miền Nam chỉ ra nhiều thiếu sót về kỷ luật, quy định an toàn, vệ sinh lao động, phòng ngừa sự cố tai nạn từ người sử dụng lao động và cả người lao động. Đồng thời nhấn mạnh, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tai nạn lao động là những nguyên nhân chủ quan, chiếm tới 73%; bắt nguồn từ sự coi nhẹ, làm việc qua loa, sơ sài. Phần còn lại là những nguyên nhân khách quan, nguyên nhân đến từ môi trường làm việc…
Từ thực trạng trên, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi đã có chỉ đạo tăng cường công tác quản lý, tuân thủ pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động trên địa bàn. Trong đó, yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, địa phương phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tăng cường công tác tuyên truyền các quy định pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động, kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động; thực hiện nghiêm các nhiệm vụ, chỉ tiêu về chương trình an toàn, vệ sinh lao động giai đoạn 2022 - 2025.
Chủ tịch UBND Thành phố cũng yêu cầu các đơn vị trực thuộc thực hiện nghiêm các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn lao động có liên quan và khai báo với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về việc sử dụng các loại máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động. Các địa phương bố trí nguồn lực tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về vấn đề này trên địa bàn phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương.
Để đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động, bà Lượng Thị Tới, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố đề nghị mỗi tổ chức, cá nhân cần chủ động kiểm soát và nhận diện, đánh giá các nguy cơ mất an toàn vệ sinh lao động; thường xuyên huấn luyện, hướng dẫn công tác tự kiểm tra, chủ động kiểm soát phòng ngừa các yếu tố nguy hiểm, đảm bảo an toàn, sức khỏe và tính mạng cho người lao động.
Tiến sỹ Trịnh Hồng Lân Phân viện trưởng Phân viện Khoa học an toàn vệ sinh lao động và Bảo vệ môi trường miền Nam khuyến nghị các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người lao động chú trọng trang bị về quy trình, phương án làm việc an toàn cụ thể; phương tiện bảo vệ cá nhân, phương tiện, dụng cụ cứu hộ, cứu nạn trong các tình huống, sự cố khẩn cấp. Đặc biệt, quy trình làm việc, bảo trì, bảo dưỡng máy phải đặc biệt nêu rõ hạng mục công việc; từng bước thực hiện việc cách ly, cô lập khu vực thực hiện, năng lực, chuyên môn, sức khỏe, kỹ năng, huấn luyện an toàn vệ sinh lao động của người thực hiện.
“Cần bố trí người kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện; đảm bảo các hệ thống biển báo, thông tin, chỉ dẫn, cảnh báo về các yếu tố nguy hiểm, độc hại được đặt ngay tại máy, thiết bị, khu vực làm việc để người lao động dễ thấy, dễ nhìn, dễ đọc và tuân thủ…”, Tiến sỹ Trịnh Hồng Lân lưu ý.
Nhằm đảm bảo an toàn trong sử dụng điện và phòng, chống cháy, nổ liên quan đến điện, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh Bùi Trung Kiên khuyến cáo người dân cần liên hệ ngành điện khi thấy không an toàn về hệ thống điện trong nhà để được hướng dẫn. “Người dân không tự ý kéo điện để sử dụng cho các thiết bị khác mà không đảm bảo an toàn; khi lắp đặt nên mua các sản phẩm có thương hiệu và uy tín trên thị trường, tuân thủ khuyến cáo và đọc kỹ hướng dẫn sử dụng. Ngành điện Thành phố sẵn sàng tư vấn, giải thích, hỗ trợ khách hàng sử dụng điện khi có nhu cầu tìm hiểu về kỹ thuật và an toàn điện”, ông Kiên chia sẻ.
TP Hồ Chí Minh hiện có hơn 220.000 doanh nghiệp, hơn 434.000 cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể, trong đó có khoảng 86.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, 17 khu chế xuất, khu công nghiệp, cùng với khu công nghệ cao, công viên phần mềm, khu nông nghiệp công nghệ cao, 10 cụm công nghiệp với hơn 4,6 triệu lao động. Để kéo giảm tỷ lệ tai nạn lao động, Thành phố đã và đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động đến các doanh nghiệp, người lao động; tăng cường các giải pháp đồng bộ, hiệu quả trong quản lý, thanh tra, kiểm tra, xử lý những vấn đề liên quan vi phạm pháp luật an toàn, vệ sinh lao động, từng bước tiến đến xây dựng văn hóa an toàn lao động.