Phóng viên ảnh - chiến sỹ thông tin trên 'mặt trận COVID-19'

“Phóng viên ảnh là một nghề vất vả và nguy hiểm - Người lính tiên phong trên mọi “mặt trận” tin tức. Nghề phóng viên ảnh đòi hỏi mỗi phóng viên cần biết đánh giá, phân tích mức độ nguy hiểm một cách nhanh nhất để đưa ra những phương án phù hợp trước khi quyết định tiếp cận hoặc tác nghiệp bên lề của sự kiện… 

Tuy nhiên, để có những bức ảnh chân thực, rõ ràng và có sức thuyết phục người xem cao nhất thì việc tiếp cận và biến mình trở thành một phần của sự kiện là điều mà phóng viên ảnh cần phải làm được. Tôi luôn tâm niệm rằng trong bất cứ sự kiện nào mình được tham dự đưa tin, tôi chính là người đại diện cho hãng Thông tấn Quốc gia Việt Nam để từ đó nỗ lực hết mình kịp thời cung cấp cho độc giả những hình ảnh chân thật nhất, nhân văn nhất và sáng tạo nhất về sự kiện”.

Chú thích ảnh

Tôi vẫn còn nhớ đó là ngày 3/3/2020, một ngày mưa gió dầm dề, buốt lạnh. Công văn hỏa tốc của UBND tỉnh Hòa Bình gửi tới cơ quan TTXVN với nội dung: "Tỉnh Hòa Bình đón nhận 106 công dân từ Hàn Quốc trở về được cách ly phòng chống, dịch bệnh COVID-19 tại trường Quân sự tỉnh Hòa Bình". Ngay lập tức một cuộc họp, bàn các phương án tác nghiệp của ba phóng viên được diễn ra, thật sự khi đấy tôi khá lo lắng vì xác định đó là một nhiệm vụ tương đối nguy hiểm khi mà số người nhiễm bệnh và tử vong vì COVID-19 ở các nước trên thế giới tăng nhanh qua từng ngày.

Ngay chiều cùng ngày, được sự chỉ đạo của Phụ trách Cơ quan thường trú TTXVN tại tỉnh Hòa Bình, tất cả phóng viên tức tốc đến ngay trường Quân sự tỉnh Hòa Bình đưa tin kịp thời về công tác chuẩn bị. Đồng thời, nhận thông tin từ Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, đêm về sáng ngày 4/3, đoàn công dân từ Hàn Quốc sẽ được đón về khu cách ly.

Chú thích ảnh

23h giờ đêm ở Cơ quan thường trú TTXVN tỉnh Hòa Bình, tôi ngồi trước màn hình máy tính trong lặng thinh đọc những bài viết về cơ chế lây nhiễm của COVID-19, không gian bên ngoài chìm trong những cơn mưa không ngớt và gió lạnh... Đặt chuông đồng hồ báo thức, tôi kéo chăn lên người và miên man trong những suy nghĩ về mức độ nguy hiểm của dịch COVID-19, thời điểm này Hàn Quốc đang là tâm điểm về mức độ lây lan và số ca tử vong vì bệnh dịch. Tôi nhủ thầm: “Có lẽ sau chuyến đi này mình cũng phải tự cách ly với gia đình, bạn bè với thời gian tương tự”.

2h sáng ngày 4/3/2020, đồng hồ đổ chuông, tôi trở dậy thì cũng là lúc các anh, chị đến tập trung, tất cả mọi người đã chuẩn bị sẵn sàng máy móc, đồ bảo hộ, các trang thiết bị cần thiết, rời cơ quan tiến về điểm cách ly Trường Quân sự tỉnh Hòa Bình. Trên đường đi tôi vẫn cố gắng nói chuyên với mọi người về những điều cần thiết khi tác nghiệp và trêu đùa là "chúng ta đang chung đường đi vào tâm bão".

Chú thích ảnh

Có mặt ở Trường Quân sự tỉnh Hòa Bình lúc 2h30 phút, trời vẫn đổ mưa tầm tã. Chúng tôi ai cũng căng thẳng nhưng vì công việc, trách nhiệm với nghề nhưng vững lòng tin và quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ. Ở nơi cách ly, công tác đón tiếp công dân diễn ra một cách khẩn trương, biển cảnh báo; hệ thống phòng ở cách ly, khu vực tập kết các công dân, khu vực tiếp đón được chỉ dẫn rõ ràng; các cán bộ của Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, bác sĩ, quân y, chiến sĩ, bộ phận khử trùng, tất cả đã vào vị trí.

Chú thích ảnh

3h30’ đoàn xe đưa công dân trở về đến cổng Trường Quân sự tỉnh, khi các đồng chí trong lực lượng phun khử trùng đoàn xe làm nhiệm vụ cũng là khi tôi bước khỏi vùng an toàn và bắt đầu công việc của mình .

Trời mưa mỗi lúc một lớn hơn, đồ bảo hộ và giày dép của tôi bắt đầu thấm ướt trong khi khẩu trang đẫm nước và hơi thở bốc ra làm mờ mắt kính. Chúng tôi được khuyến cáo nên chụp ảnh, quay phim từ xa và giữ khoảng cách tối thiểu 2m với các công dân.

Chú thích ảnh

Lúc đầu tôi cũng thực hiện đúng chỉ dẫn này, mang máy gắn ống kính tele zoom, tôi đứng từ xa dõi theo công dân ngồi trên xe và đưa máy chụp những gương mặt mệt mỏi đằng sau ô cửa kính còn vương đầy những giọt mưa buốt lạnh mà lòng trào dâng niềm thương cảm.

Chú thích ảnh
Chú thích ảnh

Tôi dõi máy theo các chiến sĩ và lực lượng y bác sĩ lấy thông tin và ân cần đo nhiệt độ cho từng công dân, họ chỉ cách các công dân vài gang tay mà chẳng hề biểu hiện sự ngần ngại, có chăng chỉ là bộ đồ bảo hộ chống dịch làm cho xa cách. Tôi trông thấy những em bé chỉ mới hơn một tháng tuổi theo cha mẹ vào cách ly, có em chưa đầy bốn tháng tuổi được bố mẹ gửi về nước cùng những hành khách trên chuyến bay và được bà nội tình nguyện vào cách ly để chăm cháu.

Chú thích ảnh

Nghĩ đến cơ chế lây nhiễm của dịch bệnh, nhìn lại mình trong bộ đồ kín mít từ đầu đến chân, ngay lúc này, tôi quyết định thay ống kính máy ảnh, bước qua tấm biển cảnh báo và tiến sâu vào nơi các công dân đang tập trung, nơi mà các cán bộ, chiến sĩ, bác sĩ đang trực tiếp ân cần hỏi han và đưa từng công dân lên phòng nghỉ… "Quên đi" những hiểm nguy của việc lây nhiễm bệnh dịch, tôi hòa mình vào những diễn biến trước mắt, chụp thật gần những con người trước mặt - những người là bác, là cô chú, anh chị, em đối với tôi bằng tất cả cảm xúc thật nhất, gần gũi nhất và trân trọng nhất.

Chú thích ảnh

Khi các công dân ổn định vào phòng và bắt đầu mọi sinh hoạt ở “ngôi nhà chung mới” cũng là lúc tôi bước ra khỏi tấm biển cảnh báo khu vực cách ly, cởi bỏ đồ bảo hộ, thực hiện các quy định phun khử khuẩn toàn thân và máy ảnh. Chúng tôi lên xe về lại cơ quan phát tin bài khi đồng hồ chỉ 6h50p sáng ngày 4/3/2020.

Chú thích ảnh

Trong khoảng thời gian 14 ngày cách ly của các công dân tại Trường Quân sự tỉnh Hòa Bình, phóng viên Cơ quan thường trú TTXVN tại Hòa Bình chúng tôi luôn theo sát thông tin để tìm hiểu về sự ân cần của các cán bộ, chiến sỹ, những sinh hoạt của các công dân nơi đây, ghi lại những tin tức, hình ảnh "Ấm tình quân dân" như một câu chuyện cổ tích giữa đời thường.

Chú thích ảnh
Chú thích ảnh

Ngày 18/3/2020, lại một ngày mưa gió, 106 công dân nhận giấy chứng nhận hoàn thành thời gian cách ly để trở về với gia đình. Chúng tôi lại đến Trường Quân sự tỉnh từ sáng sớm, chứng kiến những gương mặt rạng ngời, tôi khẩn trương ghi lại khoảnh khắc cảm xúc vỡ òa khi công dân gặp lại người thân; khoảnh khắc chia tay và bày tỏ lòng biết ơn của các công dân với những người lính trẻ đã tận tình giúp đỡ họ trong những ngày cách ly; hay hình ảnh những chiến sĩ trẻ hỗ trợ công dân vận chuyển hành lý lên xe, khoảnh khắc vẫy chào tạm biệt…

Chú thích ảnh
Chú thích ảnh

Tôi quan sát và ghi lại những hình ảnh với một niềm xúc động mãnh liệt, cảm phục về tình cảm quân dân gắn bó, về những con người nơi tuyến đầu là các chiến sĩ, bác sĩ, quân y kiên cường, dũng cảm, không ngại khó khăn, gian khổ vì nhân dân quên mình ngày ngày chiến đấu cùng bệnh nhân đẩy lui COVID-19.

Chú thích ảnh
Chú thích ảnh

Mỗi công việc có đặc thù riêng về mức độ rủi ro, khi đứng trong “vùng cách ly” chụp ảnh về họ - những con người bằng xương bằng thịt đã và đang dành hết sức lực, thời gian của bản thân chống chọi lại với đại dịch COVID-19 giành lại sự sống cho cộng đồng, dành lại sự an toàn cho xã hội thì tôi lại càng thêm trân trọng và quyết tâm dấn thân hơn vì nghề báo, vì những khoảnh khắc quý giá mà tôi được chứng kiến để ghi lại chuyển tải tới người xem những hình ảnh chân thật và nhân văn nhất về những người anh hùng trong đại dịch.

Lưu Trọng Đạt (TTXVN)
Ký ức Ngày Giải phóng Đà Nẵng của người nữ phóng viên chiến trường
Ký ức Ngày Giải phóng Đà Nẵng của người nữ phóng viên chiến trường

Ngày 29/3/1975, Quân đội nhân dân Việt Nam tiến vào giải phóng thành phố Đà Nẵng, căn cứ liên hợp quân sự hải lục không quân lớn thứ 2 của chính quyền Mỹ - Ngụy tại miền Nam Việt Nam. Giữa cờ hoa đón mừng đoàn quân tiến vào thành phố, có một cô gái mặc áo lính nhưng không đeo súng mà khoác trên vai một chiếc máy ảnh. Đó là bà Triệu Thị Thùy, nữ phóng viên khóa GP10, được điều động từ Việt Nam Thông tấn xã vào tăng cường cho Thông tấn xã Giải phóng (nay hợp nhất thành Thông tấn xã Việt Nam).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN