Cá mổ ngay tại lề đường, nước đổ lênh láng ngay tại chỗ, cọng rau, hoa quả, rau thối vứt ngổn ngang... Đó là những hình ảnh không hiếm gặp tại các chợ tạm, chợ cóc hiện nay.
Dạo quanh các khu như: Thành Công, Nghĩa Tân và rất nhiều khu chợ mọc trong ngõ, ngách khác… mới thấy người dân đang phải sống trong môi trường ô nhiễm nước thải, rác thải bừa bãi.
Từ sáng đến tối, những tuyến đường ngõ quanh chợ Nghĩa Tân trở thành "chợ". |
Nhiều hộ kinh doanh thiếu ý thức, cá mổ xong đổ nước ra giữa đường. |
Từ sáng sớm đến chiều tối, tại các khu tập thể Nghĩa Tân, đặc biệt là khu vực quanh chợ Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) nhiều tuyến đường, ngõ xóm đã hô biến thành chợ cóc, chợ tạm. Người đi đường phải len lỏi đi giữa những hàng quán đã lấn hai bên đường với đủ các mặt hàng: rau, củ quả, thịt cá... Điều đáng nói là rất nhiều hộ kinh doanh thiếu ý thức đã giết mổ gà, vịt, cá ngay tại vỉa hè, sau khi mổ xong thì lông các loại gia cẩm, vảy cá.... cùng nước thải đều đổ ra đường khiến khu phố bốc mùi hôi tanh, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của những người dân sống tại các khu phố này. Nhất là vào những ngày mưa, tình trạng ô nhiễm chợ càng trở nên nghiêm trọng hơn.
Tương tự, khu tập thể gần chợ Thành Công, nhiều sân chơi, lòng đường vỉa hè đã biến thành các khu chợ tạm. Mỗi khi họp chợ xong thì rác, túi nilon chất đống, nước thải, chất thải gây ô nhiễm nhưng người dân không thể làm gì khác ngoài việc sống chung với ô nhiễm.
Từ sáng đến tối, ngõ 323 Nguyễn Văn Cừ (Long Biên) trở thành chợ tạm. |
Không chỉ ở các khu tập thể hoặc gần các khu chợ mà ngay tại nhiều ngõ, khu dân cư cũng trong tình trạng tương tự. Ngõ 105 Thụy Khuê nhiều năm nay đã trở thành nơi họp chợ vào mỗi buổi sáng. Chị Thu Hà, người dân sống tại ngõ này cho biết, cứ mỗi sáng đi làm, vừa ra khỏi cổng, điều đầu tiên chị thấy là mùi hôi tan, vảy cá từ những hàng bán cá tươi và mỗi sáng, chị mất khoảng 10 phút để đi được quãng đường chưa đầy trăm mét để có thể ra khỏi ngõ.
Ngõ 105 Thụy Khuê mỗi sáng đều thành chợ đủ các mùi. |
Chợ chưa tàn nhưng rác đã chất đống. |
Người đi đường khó khăn len qua các chợ cóc. |
Từ ngày 1/2/2017, Nghị định 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường có hiệu lực, trong đó có quy định rõ: Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với hành vi vứt rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt trong khu vực đô thị. Thế nhưng, đối với các khu chợ tạm, chợ cóc như thế này, việc xử phạt dường như còn rất khó khăn.