Hai em nhỏ bị lũ cuốn trôi tử vong là Nguyễn Gia Ph. (sinh năm 2018) và Nguyễn Thanh Ng. (sinh năm 2019), cùng trú tại thôn Thạnh Hội.
Lực lượng chức năng đang hoàn tất thủ tục bàn giao thi thể hai em cho gia đình mai táng.
Trước đó, vào lúc 18 giờ ngày 30/11, nước lũ dâng cao gây ngập lụt khu dân cư thôn Thạnh Hội, lực lượng chức năng tổ chức di dời người dân bằng ca nô. Tuy nhiên, do nước chảy xiết, hai em nhỏ đã rơi xuống dòng nước lũ.
Theo nhiều người dân, đợt lũ lần này tại Phú Yên tương đương đợt lũ năm 1993. Toàn tỉnh có hơn 50.000 nhà ở của người dân ngập, 3 nhà bị hư hỏng hoàn toàn, gần 2.000m kênh mương bị sạt lở... Tỉnh di dời, sơ tán 5.517 hộ với 18.535 nhân khẩu đến nơi an toàn.
Mưa lũ gây ngập sâu nhiều vùng. Công ty Điện lực Phú Yên phải ngưng cung cấp điện trên diện rộng. 666/2.460 trạm biến áp bị ảnh hưởng, chiếm 27,07%.
Ngoài ra, mưa lũ làm sạt lở nghiêm trọng nhiều tuyến giao thông trên địa bàn, nặng nhất là tuyến Quốc lộ 25 từ huyện Phú Hòa đi Gia Lai bị ngập nhiều đoạn, đến 11 giờ 30 phút ngày 1/12, người dân và các phương tiện vẫn chưa lưu thông qua đây được. Giao thông trên tuyến Quốc lộ 29 bị tê liệt do nước lũ cuốn trôi cả một đoạn nền đường, tạo thành hố sâu tại địa phận xã Sơn Giang, huyện Sông Hinh. Lực lượng quản lý đường bộ đang nỗ lực khắc phục, dự kiến thông xe vào chiều nay (1/12).
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên Trần Hữu Thế yêu cầu, các địa phương khẩn trương triển khai công tác khắc phục hậu quả của mưa lũ, trước tiên tập trung tìm kiếm người mất tích. Nước lũ rút đến đâu triển khai dọn dẹp, làm vệ sinh môi trường ngay, không để xảy ra dịch bệnh.
Hiện nay, Phú Yên đã hết mưa nhưng mực nước các sông xuống chậm. Mực nước sông Ba vẫn trên báo động 3, sông Kỳ Lộ và sông Bàn Thạch ở mức báo động 2. Tuy nhiên, nhiều vùng tại thành phố Tuy Hòa, các huyện Phú Hòa, Tây Hòa bị ngập lụt và chia cắt cục bộ ở vùng trũng thấp.