Tuy nhiên, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, sự gia tăng ngày càng lớn của các hoạt động sử dụng nước, tác động của biến đổi khí hậu đã và đang đặt ra nhiều thách thức trong việc quản lý, khai thác, bảo vệ nguồn nước, đặc biệt là nguồn nước sạch. Để làm rõ vấn đề này, Thông tấn xã Việt Nam xin giới thiệu chùm 2 bài "Quản lý, khai thác, sử dụng nước sạch".
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, tình trạng khan hiếm nước sạch xảy ra không chỉ ở các khu vực thành thị mà còn khắp các vùng nông thôn do tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn. Dự báo của Ngân hàng Thế giới chỉ ra rằng, nếu không giải quyết được tình trạng ô nhiễm này, trong 10 năm tới, Việt Nam không chỉ thiếu nước sạch để sử dụng mà còn phải mua nước với giá cao và mất khoảng 4% GDP vào năm 2035.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, đến năm 2025, lượng nước mặt ở Việt Nam chỉ đạt 2.830 m3/người/năm và thiếu so tiêu chuẩn thế giới là 4.000 m3/người/năm. Nếu không có những chính sách hữu hiệu trong vòng 50 năm nữa, Việt Nam sẽ bị thiếu nước trầm trọng. Tình trạng khô kiệt sẽ diễn ra trên diện rộng, ngày càng nhiều người dân phải sử dụng nguồn nước không đảm bảo vệ sinh, ảnh hưởng đến sức khỏe của người sử dụng và kéo theo hàng loạt hệ lụy khác. Trước những yêu cầu, đòi hỏi cấp bách từ thực tiễn, việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước và Đề án tổng kiểm kê tài nguyên nước là bước đột phá, là cơ sở để đánh giá lại việc khai thác và sử dụng nguồn nước sinh hoạt hiệu quả hơn.
Kiểm kê tài nguyên nước - nhiệm vụ không dễ
Ngày 24/3/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 432/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tiếp đó, ngày 4/8/2021, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ký Quyết định 13/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tổng kiểm kê tài nguyên nước quốc gia, giai đoạn đến năm 2025. Từ kết quả điều tra cơ bản tài nguyên nước quốc gia, kiểm kê việc khai thác, sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước là cơ sở để đánh giá tài nguyên nước hiện có, sự phân bố, khai thác cũng như những bất cập, qua đó cơ quan quản lý tính toán các phương án khai thác, sử dụng hợp lý, ổn định và đưa ra giải pháp bảo vệ nguồn nước sạch bền vững, lâu dài.
Ông Nguyễn Minh Khuyến, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, căn cứ vào nhu cầu phát triển của đất nước cũng như bối cảnh chung thế giới, khu vực nào cần phát triển thì ưu tiên điều tra trước. Trước đây, kiểm kê được thực hiện 3 năm/lần, tuy nhiên trong quá trình thực hiện, Quản lý tài nguyên nước nhận thấy, kiểm kê tài nguyên nước không phải là một nhiệm vụ dễ dàng và hơn 17 năm Đề án này mới được Chính phủ phê duyệt. Theo Quyết định số 13/QĐ-TTg, đến năm 2025, Việt Nam sẽ có Bộ chỉ số về tài nguyên nước và đây là bộ chỉ số sẽ được công bố lần đầu.
Ông Nguyễn Minh Khuyến cho biết thêm: Tài nguyên nước được coi là tài sản công, theo Điều 53 của Hiến pháp thì tài nguyên này cần được quản lý theo Luật Tài sản công. Đề án tổng kiểm kê tài nguyên nước quốc gia sẽ có đầy đủ những thông tin về mùa kiệt, tháng kiệt… Cũng theo ý kiến của các chuyên gia, Việt Nam thiếu nước vào những tháng mùa khô chứ tổng lượng nước cả năm không thiếu. Điển hình tại Israel, nhà máy xử lý nước 600.000m3/ngày đủ cho nền kinh tế, công nghệ có thể tái chế tới 80% lượng nước. Còn tại Việt Nam đặt mục tiêu xử lý 20-30% vào năm 2030 và còn rất nhiều rủi ro. Chính vì vậy, phải cụ thể hóa kế hoạch sử dụng nước cho phù hợp với các nhu cầu phát triển bền vững kinh tế- xã hội.
Tại tọa đàm “Tài nguyên nước và vấn đề quản lý, khai thác, sử dụng nước sạch” mới diễn ra, ông Nguyễn Quang Huân, Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Halcom Việt Nam cho biết: Quyết định 13/QĐ-TTg là bước đi đầu tiên, cơ sở khoa học để tiến hành quy hoạch bởi nếu muốn quy hoạch, muốn giảm nước thừa, tăng nước thiếu, giảm nước ô nhiễm thì phải có chiến lược cụ thể. Hiện nay các số liệu của Việt Nam phần lớn lấy từ các tổ chức quốc tế, còn trong nước vẫn chưa có kho lưu trữ số liệu quốc gia.
Đầu tư cho điều tra cơ bản tài nguyên nước
Ông Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội cho rằng, cần thiết phải có chương trình đánh giá, điều tra xác định nước là yếu tố quan trọng và gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội, trong đó, chú ý đến vùng khô hạn, đặc trưng về khí hậu như: Ninh Thuận, Bình Thuận; vùng đặc trưng về địa hình như Hà Giang hay một số địa phương vùng cao, miền núi. Đặc biệt, khu vực Tây Nguyên hiện đang đối mặt với vấn đề về nguồn nước hết sức nghiêm trọng, đặc biệt là tầng nước ngầm, do tác động của con người đến môi trường tự nhiên. Các vùng này cần được ưu tiên điều tra, đặc biệt là vùng gắn với đời sống người dân, nhu cầu sử dụng không chỉ là nước sinh hoạt. Ngoài ra, cần có đánh giá hệ thống quan trắc đo lường chất lượng nước.
Về giải pháp, phải gắn với quy hoạch phát triển, trước khi đưa ra quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng khu đô thị, khu công nghiệp phải đánh giá rất kỹ về nguồn nước, trở thành chỉ tiêu cụ thể.
Đối với việc sử dụng nước tuần hoàn, trên thực tế đồng bào vùng cao Hà Giang, Cao Bằng đã làm từ lâu, đến lúc đưa thành vấn đề áp dụng thực tiễn trong cuộc sống. Tuy nhiên để thực hiện tốt việc điều tra, phải tiến hành xây dựng, kinh tế hóa cơ sở dữ liệu. Muốn có cơ sở dữ liệu tốt, ngân sách Nhà nước không thể bảo đảm được mà cần xã hội hóa, lượng hóa kinh tế các hoạt động trên nguyên tắc người nào dùng thì phải trả tiền.
"Bên cạnh việc tuần hoàn sử dụng nước khép kín quản lý, tăng cường đầu tư trọng điểm trạm quan sát, trung tâm điều tra, nghiên cứu để có giải pháp tốt hơn. Quan điểm của tôi là Việt Nam mới làm hệ thống hồ treo, nhưng còn một giải pháp rất quan trọng là phục hồi rừng. Bài toán nước của Hà Giang chính là vấn đề về rừng và người dân hoàn toàn tham gia vào quá trình phục hồi rừng. Tuy nhiên, mật độ mỗi vùng mỗi khác nhưng vẫn có hệ thực vật tự nhiên, khi phục hồi lại, nâng độ che phủ rừng lên, Việt Nam sẽ có tầng giữ nước và quan trọng nhất là phải chú tâm vào bài toán kinh tế", ông Nguyễn Lâm Thành nhấn mạnh.
Quản lý, khai thác, sử dụng nước sạch - Bài cuối: Sửa đổi, bổ sung Luật Tài nguyên nước bắt kịp xu hướng phát triển