Trước đây, các tuyến phố như Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Du, Lê Duẩn, Hàm Nghi… luôn là “điểm hẹn” của những người ăn nhậu. Các nhà hàng mở cửa đón khách từ trưa đến 23 giờ mỗi ngày. Khung “giờ vàng” từ 18 - 22 giờ, các quán nhậu trên những tuyến phố nói trên luôn đông kín khách. Tuy nhiên, gần nửa tháng nay, lượng khách tới các nhà hàng bắt đầu giảm.
Chị Nguyễn Thị Đài Trang, chủ nhà hàng Nhà Tôi ở 67 đường Lê Duẩn, thành phố Hà Tĩnh cho biết, sau khi Luật Phòng chống tác hại rượu, bia có hiệu lực, nhằm đảm bảo an toàn, nhà hàng đã bố trí xe ô tô miễn phí để đưa đón khách sau khi ăn nhậu về. Tuy nhiên, lượng khách vẫn giảm hơn so với trước đây.
Anh Trần Hoàng Hà, quản lý nhà hàng Sen Vàng địa chỉ tại số 12, đường Lê Duẩn cũng cho biết, trước đây mỗi ngày, nhà hàng đón trên 100 khách nhưng hiện nay chỉ khoảng 30 khách.
Luật Phòng chống tác hại rượu, bia có hiệu lực, các nhà hàng, quán nhậu bắt đầu thưa khách dần, điều này chứng tỏ người dân bắt đầu có ý thức trong việc sử dụng bia, rượu.
Theo Trung tá Bùi Đức Thuận, Phó Trưởng Công an thành phố Hà Tĩnh, sau gần nửa tháng ra quân kiểm tra nồng độ cồn trên các tuyến phố, cơ bản ý thức chấp hành của người dân đã có sự chuyển biến rõ rệt. Lực lượng chức năng thành phố Hà Tĩnh đã ra quân tuyên truyền và xử phạt trường hợp tham gia giao thông vi phạm về nồng độ cồn.
Năm 2019, lực lượng Cảnh sát giao thông thành phố Hà Tĩnh xử lý 1.052 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn, phạt tiền hơn 2,1 tỷ đồng và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 950 trường hợp. Từ ngày 1/1 đến 13/1, lực lượng Cảnh sát giao thông thành phố đã xử lý 30 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn, phạt tiền hơn 200 triệu đồng.
Phóng viên đã theo chân các cán bộ, chiến sỹ Đội Cảnh sát giao thông - Trật tự, Công an thành phố Hà Tĩnh, trực tiếp “xuống đường” ghi nhận việc xử lý trường hợp vi phạm về nồng độ cồn trên các tuyến phố. Khoảng 20 giờ, cán bộ, chiến sỹ được chia làm ba tổ, liên tục thay đổi địa điểm xử lý trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên các tuyến phố.
Thiếu tá, Phạm Duy Thành, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông - Trật tự, Công an thành phố Hà Tĩnh cho biết, trước đây, mỗi đêm đơn vị lập biên bản xử lý từ 12 - 15 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn ở cả ba tổ. Sau khi Luật Phòng chống tác hại rượu, bia có hiệu lực, số người tham gia giao thông vi phạm về nồng độ cồn giảm hẳn. Đây là tín hiệu đáng mừng, tuy nhiên, đơn vị tiếp tục tăng cường ra quân tuyên truyền và kiên quyết xử lý trường hợp vi phạm.
Theo bác sỹ Nguyễn Bá Trọng, Phó Trưởng phòng Phòng Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh: Mỗi ngày đơn vị tiếp nhận từ 90 - 100 bệnh nhân, trong đó có khoảng 10 - 15% bệnh nhân điều trị tai nạn giao thông do có uống rượu, bia. Tuy nhiên, trong khoảng một tuần trở lại đây, tổng số bệnh nhân đến điều trị tại khoa giảm đáng kể xuống còn từ 50 - 60 ca. Số bệnh nhân bị tai nạn giao thông do uống rượu, bia đến nhập viện điều trị cũng giảm hẳn chỉ còn 1 - 3%.
Sự ra đời của Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia, cùng sự tuyên truyền nhắc nhở của lực lượng chức năng, ý thức của người dân đã dần đi vào nền nếp. Điều này không chỉ giảm thiểu các vụ tai nạn giao thông do bia, rượu gây ra mà còn góp phần ổn định đời sống, xã hội.