Cùng với các tỉnh miền Trung khác, nhân dân Quảng Ngãi và Bình Định đang tích cực sơ tán dân khỏi vùng nguy hiểm trước giờ bão số 14 (Hải Yến) ập vào.Quảng Ngãi di dời được 8.500 hộ dânÔng Phan Văn Ơn, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi cho biết, khẩn trương đối phó với bão Haiyan, từ sáng đến 13 giờ ngày 9/11, các huyện, thành phố trong tỉnh Quảng Ngãi đã triển khai di dời, sơ tán được khoảng 8.500 hộ, 31.000 khẩu tại các vùng có nguy cơ cao đến nơi an toàn.
Người dân Quảng Ngãi tránh bão tại nơi an toàn. Ảnh: Lê Lâm/TTXVN |
Trong chiều 9/11, tỉnh chỉ đạo các địa phương khẩn trương triển khai di dời, sơ tán dân theo kế hoạch với tổng số phải di dời, sơ tán tập trung khoảng 54.050 hộ, 216.000 khẩu; sơ tán xen ghép khoảng 27.500 hộ, 109.000 khẩu. Đối tượng cần tập trung di dời, sơ tán là dân cư ở các xã ven biển, đảo, ở nhà cấp 4, nhà tranh tre tạm bợ, vùng có nguy cơ bị ngập lụt, sạt lở núi, bờ sông, bờ biển, vùng hạ du hồ chứa nước xung yếu. Trong đó số dân cư ở những vùng có hiểm họa cao là 22.074 hộ, 83.831 khẩu tại 421 thôn thuộc 141 xã. Dự kiến trước 17 giờ ngày 9/11 sẽ hoàn thành di dời dân theo kế hoạch.
Đến 13 giờ ngày 9/11, tổng số tàu thuyền của tỉnh Quảng Ngãi đang ở trên các vùng biển là 144 phương tiện với 2.357 lao động. Hiện nay, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với các địa phương tăng cường duy trì thông tin liên lạc với tàu thuyền đang hoạt động trên biển, tiếp tục hướng dẫn tàu thuyền tránh trú bão và neo đậu an toàn ở các bến.
Ngay sau khi hội nghị trực tuyến với Chính phủ, Bí thư Tỉnh ủy Võ Văn Thưởng, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Khoa và Trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh tiếp tục chỉ đạo thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh tập trung triển khai thực hiện một số nội dung trọng tâm. Tỉnh h uy động toàn bộ hệ thống chính trị các cấp tập trung vào công tác phòng chống bão; kiểm tra, rà soát, sẵn sàng triển khai các phương án di dời, sơ tán dân tránh trú bão, lũ, đặc biệt là dân cư ở các vùng ven biển, đảo, vùng có nguy cơ sạt lở núi, sạt lở bờ sông, bờ biển, vùng thấp trũng dễ bị ngập sâu... Dân cư ở nhà cấp 4 phải sơ tán đến nhà cấp 2, cấp 3 an toàn hơn.
Các địa phương triển khai dự trữ lương thực, thực phẩm; phân công lực lượng hỗ trợ nhân dân di dời, sơ tán, chằng chống nhà cửa, kho tàng, trụ sở cơ quan, trường học, các nhà máy, xí nghiệp, neo đậu tàu thuyền, hướng dẫn nhân dân thực hiện các công việc phòng chống bão, lũ hiệu quả ở từng thôn, xóm... Công tác thông tin truyền thông được tăng cường bằng tất cả các loại phương tiện, thiết bị hiện có, thường xuyên cung cấp thông tin đến từng khu dân cư về diễn biến, mức độ tác động của bão khi đổ bộ và mưa, lũ có thể xảy ra.
5.400 hộ dân Bình Định đã ra khỏi khu vực nguy hiểm Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão HaiYan gây ra, ngày 9/11, lãnh đạo các cấp của tỉnh Bình Định đã kiểm tra cuối cùng các biện pháp ứng phó với siêu bão tại các huyện ven biển và thành phố Quy Nhơn. Lãnh đạo tỉnh yêu cầu các ngành, các cấp ủy, chính quyền địa phương và đơn vị lực lượng vũ trang, thanh niên xung kích ưu tiên hàng đầu cho công tác di dời dân ở những vùng nguy hiểm tới nơi an toàn trước 16 giờ ngày 9/11.
Theo số liệu thống kê của các địa phương ven biển, đến nay đã có 5.412 hộ, 20.418 nhân khẩu phải di dời khẩn cấp, trong đó, Hoài Nhơn có 2.049 hộ, 8.975 khẩu; Phù Mỹ: 1444 hộ, 5054 khẩu; Tuy Phước: 1.315 hộ, 3.560 khẩu; Quy Nhơn: 535 hộ, 2.228 khẩu và Phù Cát: 69hộ, 601 khẩu.
Tại các xã ven biển Nhơn Hải, Nhơn Lý, thành phố Quy Nhơn, lãnh đạo địa phương cho biết, mọi công tác ứng phó với bão số 14 đã cơ bản hoàn tất. Các lực lượng vũ trang thành phố và tỉnh chi viện, cùng lực lượng tại chỗ đã giúp dân chằng chống nhà cửa và thu dọn hành lý, thực phẩm sẵn sàng di dời đến nơi an toàn khi có lệnh.
Ông Phan Cao Thắng, Bí thư Thành ủy Quy Nhơn cho biết, mọi công tác chuẩn bị ứng phó với bão đã được tiến hành như chằng chống nhà cửa của người dân, kho tàng nhà nước, doanh nghiệp; tháo gỡ các biển quảng cáo, trang trí trên đường phố, cắt tỉa cành cây lớn. Tỉnh ưu tiên hàng đầu cho công tác di dời dân nơi vùng nguy hiểm đảm bảo tính mạng người dân.
Tại huyện Phù Mỹ, một trong những huyện có số dân phải sơ tán khá lớn, mọi công việc chuẩn bị đã hoàn tất, chỉ còn chờ lệnh của cấp trên là di dời theo đúng kế hoạch đề ra.
Theo ông Hồ Việt Mỹ, Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh, bệnh viện đã thành lập 4 đội cấp cứu cơ động, chuẩn bị đủ cơ số thuốc sẵn sàng ứng cứu khi cần thiết.
Ông Hồ Quốc Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết: Đến nay, các biện pháp ứng phó với bão số 14 cơ bản hoàn tất. Hầu hết tàu thuyền đã về neo đậu trật tự tại các âu thuyền trên địa bàn tỉnh và một số đã vượt ra khỏi vùng ảnh hưởng của bão để trú tránh. Tỉnh đã huy động các lực lượng bộ đội tỉnh và Quân khu hỗ trợ, cùng các lực lượng bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh và lực lượng xung kích tại chỗ, tập kết phương tiện cứu hộ, cứu nạn sẵn sàng ứng cứu trong tình trạng khẩn cấp.
TTXVN/Tin tức