Khoảng 20 năm trước, Trường Trung học Cơ sở xã Bình Minh chỉ có một điểm trường Tân Phước (điểm trường chính hiện nay). Do khoảng cách tới trường khá xa nên một số học sinh ở xã đã chọn cách qua đò sang xã Bình Mỹ (Bình Sơn) để học. Năm 1999, xảy ra vụ chìm đò thương tâm khiến 4 học sinh thiệt mạng. Sau câu chuyện buồn đó, ngành chức năng mới vận động nguồn quỹ để xây dựng thêm điểm trường Mỹ Long An, với quy mô 2 tầng, 6 phòng học. Điểm trường hoàn thành, đưa vào sử dụng tháng 1/2021 trước sự vui mừng khôn tả của phụ huynh lẫn học sinh nơi đây. Hiện trường có gần 200 học sinh khối 6, 7, 8 đang theo học.
Năm 2020, mưa bão đã làm hư hại đáng kể cơ sở vật chất tại điểm trường này. Sau đó, Hội Chữ thập đỏ Thành phố Hồ Chí Minh và một mạnh thường quân đã tài trợ số tiền 450 triệu đồng để duy tu, sửa chữa; Sacombank cũng đã tài trợ 350 triệu đồng để xây thêm phòng nghỉ giữa giờ cho giáo viên và phòng thực hành tin học.
Việc dạy học và học của thầy và trò cứ đều đặn trôi qua. Tuy nhiên, vào tháng 6 vừa qua, trong buổi tổng kết, họp phụ huynh cuối năm, lãnh đạo xã Bình Minh và đại diện Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bình Sơn bất ngờ thông báo nội dung: Năm học mới, học sinh sẽ phải chuyển đến điểm Trường Tân Phước (cách điểm trường Mỹ Long An chừng 3,5 km) để học. Còn điểm trường cũ sẽ bị “bỏ”, nhường đất phục vụ việc xây dựng trường Mầm non. Phần lớn phụ huynh đều tỏ ra lo lắng, không đồng thuận. Nguyện vọng của họ là mong muốn huyện, xã quan tâm, tạo điều kiện giữ lại điểm trường Mỹ Long An.
Người dân địa phương cho rằng, điểm trường đã giúp con em của họ được đi học gần nhà. Chủ trương xây trường Mầm non là tốt, thiết thực nhưng không thể hiểu vì sao lại không chọn lấy một vị trí khác thích hợp hơn mà lại chọn một ngôi trường khá kiên cố, đáp ứng cơ bản nhu cầu dạy và học như thế để phá bỏ, rất lãng phí?
Bà V.T.T bức xúc cho biết, nếu chuyển xuống điểm trường thôn Tân Phước thì con em chúng tôi phải di chuyển quãng đường xa 5 - 7 km. Dân chúng tôi làm nông nên không có điều kiện đưa đón thường xuyên; đường sá xuống cấp sợ rằng việc di chuyển của con mình không an toàn. Không lẽ, lại chọn cách cho con em mình sang xã khác để học như mấy chục năm về trước.
Về vấn đề này, đại diện lãnh đạo UBND xã Bình Minh cho hay, việc xây dựng trường Mầm non nằm trong kế hoạch xây dựng nông thôn mới của xã từ nhiều năm trước. Công trình do Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng huyện Bình Sơn làm chủ đầu tư, với tổng vốn ước hơn 6 tỷ đồng. Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa xây dựng được do vị trí quy hoạch không đảm bảo diện tích, nền đất yếu, “vướng” tuyến mương thủy lợi và thường xuyên bị ngập lụt.
Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng huyện đã có báo cáo số 148/BC-BQLDA ngày 19/4/2020 về việc xác định vị trí, địa điểm xây dựng, phương án thiết kế và tồn tại, vướng mắc của công trình Trường Mầm non Mỹ Long An. Trong đó có đoạn: “… Qua làm việc, UBND xã Bình Minh có ý kiến “theo đề án sắp xếp trường lớp học của địa phương thì trong khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 6 năm 2022 sẽ chuyển điểm Trường Trung học Cơ sở Bình Minh (cụm Mỹ Long) về điểm trường chính tại thôn Tân Phước. Vì vậy, thống nhất chọn vị trí mặt bằng xây dựng Trường Mầm non Mỹ Long An tại điểm Trường Trung học Cơ sở Bình Minh (cụm Mỹ Long)…”.
Để xác thực hơn, phóng viên đã tìm tới vị trí khu đất quy hoạch xây Trường Mầm non Mỹ Long An và khá ngỡ ngàng khi thấy nó có địa thế khá đẹp, tiếp giáp đường lớn.
Ông Đinh Hùng Cường, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bình Sơn thông tin, việc dồn học sinh ở các điểm lẻ về điểm chính là chủ trương chung của ngành, được thực hiện hằng năm. Bởi, điểm chính được đầu tư và quản lý tốt hơn điểm lẻ. Học sinh ở điểm trường Mỹ Long An khi chuyển xuống điểm trường Tân Phước (cách 3 km) sẽ được học tập trong môi trường tốt hơn, chất lượng giáo dục cũng tốt hơn, đó là điều “hợp lý”.
Dư luận lại dấy lên câu hỏi, khi xây dựng trường Mầm non thì có hay không việc phá bỏ toàn bộ điểm trường Mỹ Long An. Vì, nếu không thực hiện phương án này sẽ không đủ quỹ đất.
Ông Đinh Hùng Cường trả lời rằng: Trong quá trình xây dựng trường Mầm non, chúng tôi sẽ cân nhắc hạng mục nào được giữ lại, hạng mục nào sẽ xin thanh lý, đấu thầu khi hết niên hạn. Tài sản của nhà nước thì không ai có quyền phá, phải được cơ quan, phòng ban chức năng thẩm định, tham mưu lãnh đạo huyện.
“Chúng tôi xin chủ trương của huyện, bàn bạc rất kỹ với xã. Khi chủ trương được thông qua thì tiến hành lấy ý kiến từ giáo viên, học sinh, phụ huynh, người dân. Nếu có sự đồng thuận, nhất trí cao thì khi đó mới triển khai việc sáp nhập” - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bình Sơn Đinh Hùng Cường nói.