Đại diện chủ đầu tư và các đơn vị tư vấn đã báo cáo các nội dung liên quan đến vị trí, việc xin cấp phép xả nước thải vào nguồn nước, tham vấn cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân liên quan trong hoạt động xả nước thải vào nguồn nước đối với dự án này.
Hệ thống ống dẫn nước xả thải từ nhà máy đến nơi xả thải (vịnh Việt Thanh) có tổng chiều dài khoảng 6.000m; trong đó, đoạn đi ngầm trên cạn khoảng 5.000m, phần còn lại chạy dưới mặt nước biển.
Người dân các xã Bình Trị, Bình Hải, Bình Phước sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt hải sản, lo lắng về việc Nhà máy bột giấy VNT 19 xả thải ra vùng biển vịnh Việt Thanh sẽ gây ảnh hưởng đến môi trường sống của các sinh vật biển, từ đó ảnh hưởng đến sản lượng khai thác của những tàu thuyền gần bờ, ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Nếu xảy ra sự cố về môi trường thì người dân sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp trước khi chủ đầu tư khắc phục. Do đó, để người dân yên tâm và đồng thuận về hệ thống xả thải của nhà máy, chủ đầu tư cần cam kết nếu xảy ra sự cố môi trường, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn sẽ có những chính sách hỗ trợ cụ thể…
Theo ông Nguyễn Thanh Hà, Phó Ban An toàn môi trường, Nhà máy Lọc hóa dầu Dung Quất, vùng biển vịnh Việt Thanh là nơi nhiều năm nay Nhà máy Lọc hóa dầu Dung Quất xả thải ra và chưa từng xảy ra sự cố nào. Hơn nữa, Nhà máy Lọc hóa dầu Dung Quất dùng nước biển để làm mát đối lưu nên nguồn nước biển phải đảm bảo chất lượng mới làm mát được. Điểm xả thải của Nhà máy bột giấy VNT 19 chỉ cách điểm lấy nước của Nhà máy Lọc hóa dầu Dung Quất chưa đến 1 km. Do đó, đại diện Nhà máy Lọc hóa dầu Dung Quất yêu cầu cơ quan chức năng đánh giá việc xả thải có ảnh hưởng đến chất lượng nước làm mát của nhà máy hay không.
Ban tổ chức buổi tham vấn đã tiếp thu các ý kiến của người dân, các cá nhân, tổ chức liên quan. Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn Ngô Văn Dụng cho rằng, chính quyền của các xã liên quan phải phối hợp với chủ đầu tư để tuyên truyền, vận động, giải thích cho nhân dân hiểu. UBND huyện cũng đề nghị chủ đầu tư nghiêm túc thực hiện các cam kết, đúng quy định của pháp luật về công tác môi trường, đặc biệt chất lượng nước thải khi xả ra biển; đồng thời quan tâm đến vấn đề an sinh xã hội, chăm lo đời sống và giải quyết việc làm cho người dân trong vùng dự án, đặc biệt là những người bị ảnh hưởng trực tiếp. Có như vậy mới hài hòa được quyền và lợi ích của nhân dân trên cơ sở vì lợi ích phát triển chung của tỉnh, huyện cũng như doanh nghiệp.
Đại diện chủ đầu tư nêu quan điểm sẵn sàng cam kết, đồng hành với chính quyền địa phương để người dân được tham quan, giám sát hệ thống xử lý nước thải trong suốt quá trình vận hành và hoạt động.
Ông Nguyễn Đức Hữu, Giám đốc Ban quản lý Dự án Nhà máy bột giấy VNT 19 cho biết lãnh đạo Công ty cổ phần bột giấy VNT 19 (chủ đầu tư dự án) luôn xác định kế hoạch phát triển hài hòa giữa sản xuất, kinh doanh và bảo vệ môi trường. Đây được xem là yếu tố mang tính sống còn, được chủ đầu tư chú trọng từ giai đoạn lập dự án đến việc đầu tư công nghệ, thiết bị hiện đại, đồng bộ; đồng thời, giám sát chặt chẽ quá trình vận hành, sản xuất nhằm giảm thiểu tác động tới môi trường.
“Với trách nhiệm cộng đồng theo định hướng chiến lược phát triển bền vững, chúng tôi sẽ luôn ngăn ngừa và triệt để giải quyết các vấn đề sự cố môi trường, đồng hành cùng người dân an sinh xã hội, tạo việc làm cho con em các hộ dân bị ảnh hưởng, thu mua nguyên liệu của người dân địa phương, đóng góp vào ngân sách của tỉnh…”, ông Hữu nhấn mạnh.
Dự án Nhà máy bột giấy VNT 19 do Công ty cổ phần bột giấy VNT 19 làm chủ dự án được UBND tỉnh Quảng Ngãi cấp giấy chứng nhận đầu tư vào ngày 31/3/2011, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) tại quyết định số 2270/QĐ-BTNMT ngày 7/9/2015.
Dự án có công suất giai đoạn 1 là 350.000 tấn bột giấy tẩy trắng/năm, diện tích đất sử dụng (giai đoạn 1) là 117 ha, chủ yếu nằm ở thôn Phú Long, xã Bình Phước, huyện Bình Sơn; tổng vốn đầu tư gần 9.900 tỷ đồng, thời gian hoạt động là 50 năm.
Theo dự kiến, nhà máy sẽ vận hành vào cuối năm 2023.