Theo UBND tỉnh Quảng Trị, hiện nay trên địa bàn tỉnh Quảng Trị bệnh lở mồm long móng đang diễn biến phức tạp và có chiều hướng lây lan ra diện rộng. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 5 xã, thị trấn của 2 huyện Hướng Hóa (3 xã, 1 thị trấn) và Đăkrông (1 xã) xảy ra bệnh lở mồm long móng chưa qua 21 ngày. Tổng số trâu bò mắc bệnh 259 con (195 con bò, 64 con trâu), trong đó, 8 con chết (6 con bò, 2 con trâu), 42 con trâu bò mắc bệnh đã lành triệu chứng.
Để khống chế, dập tắt dịch bệnh lở mồm long móng, không để dịch lây lan trên diện rộng, UBND tỉnh Quảng Trị yêu cầu các sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và UBND các huyện, thành phố, thị xã triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, kiểm soát, phòng chống dịch lở mồm long móng.
Theo đó, Chủ tịch UBND các huyện thị, thành phố tập trung chỉ đạo, huy động sức mạnh tổng hợp cả hệ thống chính trị và toàn xã hội quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch lở mồm long móng do Chính phủ và các bộ, ngành liên quan chỉ đạo, hướng dẫn về phòng chống dịch lở mồm long móng; coi việc phòng chống, khống chế dịch lở mồm long móng là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách lúc này. Các đơn vị khẩn trương kiện toàn Ban chỉ đạo phòng chống dịch động vật địa phương; tăng cường giám sát dịch bệnh, cảnh báo và xử lý dứt điểm khi dịch mới xuất hiện; xử lý nghiêm trường hợp dấu dịch, không báo cáo dẫn đến dịch lây lan rộng, gây thiệt hại kinh tế, bức xúc cho nhân dân và cộng đồng.
Các địa phương chủ động từ ngân sách dự phòng hỗ trợ phòng chống dịch, đặc biệt bố trí kinh phí chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, phương tiện, vật dụng, hóa chất sát trùng, vaccine... để kịp thời ứng phó, bao vây dập tắt các ổ dịch khi vừa mới xảy ra trong diện hẹp. Đồng thời, thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch tại cơ sở; tổ chức hướng dẫn người chăn nuôi chủ động thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng dịch là chính; chủ động vệ sinh, sát trùng phòng dịch; thực hiện tiêm vaccine cho đàn vật nuôi để phòng bệnh lở mồm long móng.
Đối với các huyện có dịch lở mồm long móng (Hướng Hóa, Đakrông) phải tập trung nguồn lực để kiểm soát, xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để lây lan; kịp thời công bố dịch và tổ chức chống dịch theo đúng quy định; khẩn trương tiêm vaccine bao vây ổ dịch; tạm dừng các hoạt động mua bán, vận chuyển, giết mổ trâu bò và siết chặt quản lý giết mổ đối với các loại động vật cảm nhiễm với lở mồm long móng (lợn, dê) tại các xã trong vùng dịch; tạm thời ngừng xuất nhập, nuôi mới gia súc mẫn cảm với lở mồm long móng (trâu, bò, dê, lợn) cho đến khi có ý kiến của cơ quan chuyên môn.
UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh tổ chức theo dõi chặt chẽ, tổng hợp diễn biến tình hình dịch bệnh, báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo kịp thời; thành lập các đoàn công tác đến các địa phương để hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc phòng chống dịch bệnh, xử lý triệt để các ổ dịch, không để dịch bệnh lở mồm long móng lây lan ra diện rộng. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Sở Tài chính khẩn trương hoàn thiện các thủ tục để mua vaccine triển khai tiêm phòng đồng bộ trên địa bàn toàn tỉnh.
UBND tỉnh đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức đoàn thể chính trị-xã hội tỉnh tăng cường thông tin, tuyên truyền đến hội viên, đoàn viên, nhân dân về nguy cơ, tác hại của dịch lở mồm long móng; các biện pháp vệ sinh, phòng bệnh vật nuôi; tiêm vaccine và lợi ích của tiêm vaccine phòng bệnh; thực tốt các quy định xử lý khi dịch bệnh xảy ra theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn để người dân tích cực hưởng ứng và thực hiện, không để dịch lây lan trên diện rộng.