Cụ thể, bờ sông Vĩnh Định đoạn qua nhiều xã ở huyện Triệu Phong đang bị sạt lở quy mô lớn và nghiêm trọng đoạn qua các thôn: Đồng Tâm 2, xã Triệu Tài dài 1.500m, trong đó có 500m nguy hiểm; Vân Hòa, xã Triệu Hòa dài 15m; Nại Cửu, xã Triệu Thành dài 20m. Ngay sau khi phát hiện tình trạng bờ sông bị sạt lở, các địa phương bố trí lực lượng canh gác, căng dây, đặt biển cảnh báo nguy hiểm, thông báo tình trạng sạt lở đến người dân; đồng thời gia cố tạm thời hạn chế sạt lở; kịp thời sơ tán dân để đảm bảo an toàn.
Tương tự tại xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong, bờ sông Thạch Hãn đoạn qua thôn Trà Liên Đông bị sạt lở dài 40m. Cũng tại xã này, bờ sông Ái Tử đoạn qua thôn Trà Liên Tây; thượng và hạ lưu cầu Bến Lội bị sạt lở dài 70m. Bờ sông Thạch Hãn đoạn qua thôn Đại Thượng Hạ, xã Triệu Long thuộc huyện Triệu Phong sạt lở dài 1.710m; đoạn qua khu phố 1, phường An Đôn, thị xã Quảng Trị sạt lở dài 5m. Bờ sông Nhùng bị xói lở nặng, ăn sâu vào đường giao thông đoạn qua thôn Thượng Xá, xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng với chiều dài khoảng 175m.
Trước mùa mưa bão năm 2021, bờ các con sông ở Quảng Trị cũng đã bị sạt lở như: Bờ sông Thạch Hãn đoạn qua các xã Triệu Phong, Triệu Giang, Triệu Độ, Triệu Thượng thuộc huyện Triệu Phong; Hải Lệ và phường An Đôn thuộc thị xã Quảng Trị; Gio Việt, Gio Mai thuộc huyện Gio Linh. Bờ sông Ô Lâu đoạn qua các xã: Hải Chánh, Hải Sơn thuộc huyện Hải Lăng; bờ sông Hiếu đoạn qua các xã: Cam Tuyền, Cam Thủy, Cam Thành, Cam Hiếu thuộc huyện Cam Lộ cũng bị sạt lở.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị, tổng chiều dài sạt lở bờ của các con sông khoảng hơn 105km; trong đó sạt lở đặc biệt nguy hiểm gần 18km, còn lại là sạt lở nguy hiểm và bình thường. Sạt lở bờ sông ảnh hưởng đến đời sống của khoảng trên 2.360 hộ dân; trong đó có gần 600 hộ đang sống trong vùng thực sự nguy hiểm. Từ nay đến năm 2025, tỉnh Quảng Trị dành 95 tỷ đồng từ ngân sách để xây dựng kè bờ sông bị sạt lở. Ngoài ra tỉnh còn huy động vốn từ nhiều nguồn khác để khắc phục sạt lở bờ sông.