Trong những ngày tháng Tám lịch sử, về thăm xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa mới thấy hết những đổi thay trên quê hương Mẹ Tơm xưa. Đường làng ngõ xóm được bê tông hoá, trạm y tế, trường học được xây dựng kiên cố, khang trang, "đồi cát trắng" ngày xưa giờ đã được thay bằng con đê kiên cố, cạnh đó là cánh rừng ngập mặn xanh tốt vừa là bức tường xanh chắn sóng, vừa là nơi sinh kế cho người dân nơi đây. "Túp lều rơm" - nơi người mẹ nghèo từng nuôi giấu cán bộ, giờ là ngôi nhà ngói khang trang đang lưu giữ những hình ảnh, những kỷ vật của một thời sục sôi cách mạng, đây cũng là địa chỉ đỏ để thế hệ hôm nay tìm về thăm viếng.
Ông Vũ Xuân Ngọc, Phó Chủ tịch UBND xã Đa Lộc bộc bạch: "Dù còn nhiều khó khăn, nhưng cuộc sống của nhân dân trong xã ngày một khấm khá hơn. Bằng nhiều giải pháp, hàng năm xã đã cố gắng giảm bớt tỷ lệ hộ nghèo từ 3-4%, hiện toàn xã còn 16,1% hộ nghèo. Xã phấn đấu đến năm 2015 sẽ hoàn thành xong 16 tiêu chí xây dựng nông thôn mới..."
Đoàn viên thanh niên xã Đa Lộc tham gia tích cực vào các hoạt động bảo vệ môi trường |
Là một xã bãi ngang ven biển, ngoài việc thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, xã Đa Lộc còn phải đối mặt với nạn xâm nhập mặn, thiếu nguồn nước sinh hoạt và sản xuất. Giải quyết những khó khăn đó, chính quyền xã đã chủ động đề ra nhiều giải pháp, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội cụ thể để hướng dẫn nhân dân thực hiện. Cơ cấu cây trồng được chuyển đổi cho phù hợp với mùa vụ và diện tích. Những diện tích đất thuận lợi về tưới tiêu được xã ưu tiên trồng lúa, diện tích còn lại trồng các loại cây khác như lạc, ngô, khoai, đậu, rau màu...
Những năm gần đây, Đa Lộc đã mạnh dạn vận động nhân dân đưa vụ Đông trở thành vụ sản xuất chính với nhiều loại hoa màu cho giá trị thu nhập cao như khoai tây, ngô ngọt, ớt... Phát huy thế mạnh là vùng bãi ngang ven biển, xã Đa Lộc xác định nuôi trồng thuỷ sản là hướng đi mũi nhọn để phát triển kinh tế. Xã đã tạo mọi điều kiện để người dân được tiếp cận các nguồn vốn vay, đầu tư nâng cấp hệ thống ao đầm nuôi trồng thuỷ sản. Hiện tại xã đã khai thác và đưa vào nuôi trồng nhuyễn thể trên 400ha ngoài đê, 285ha nuôi tôm, cua, rau câu, cá các loại phía trong đê... Sản lượng nuôi trồng, khai thác hải sản các loại hàng năm đạt gần 700 tấn, cho giá trị thu nhập trên trên 31 tỷ đồng, chiếm trên 40% tổng giá trị thu nhập của toàn xã. Bên cạnh đó, Đa Lộc còn có 484ha rừng ngập mặn, đây vừa là tấm lá chắn sóng bảo vệ dân làng trước những trận bão, vừa là nơi phát triển kinh tế của bà con với những nghề như nuôi ong lấy mật, khai thác thuỷ hải sản. Nhờ đó, kinh tế của người dân Đa Lộc ngày càng phát triển, hiện tại, thu nhập bình quân đạt 9,5 triệu đồng/người/năm, cao gấp 4 lần so với năm 2006.
Không chỉ chú trọng phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hoá xã hội, an ninh quốc phòng cũng được chính quyền và người dân Đa Lộc quan tâm đúng mức. Hàng năm xã đều dành nguồn kinh phí hợp lý để phát triển giao thông nông thôn, xây dựng cơ sở vật chất điện, đường, trường, trạm. Đến nay, trạm y tế, 3 trường học đều được đầu tư xây dựng kiên cố, khang trang. Trường mầm non của xã chuẩn bị đón nhận bằng công nhận trường đạt chuẩn Quốc gia vào ngày khai giảng năm học mới 5/9 tới. Chất lượng giáo dục đào tạo, khám chữa bệnh cho người dân ngày một nâng cao. Xã đã hoàn thành phổ cập tiểu học và trung học cơ sở. Hiện tại, trên 70% đường giao thông nông thôn trong xã đã được bê tông hoá, nhựa hoá. Đời sống văn hoá tinh thần của bà con cũng được cải thiện đáng kể. Đặc biệt, với sự hỗ trợ một phần của Nhà nước, xã đã vận động các nhà hảo tâm và con cháu Mẹ Tơm đầu tư xây dựng nhà lưu niệm Mẹ Tơm để ghi nhận những công lao, đóng góp của gia đình Mẹ trong sự nghiệp giải phóng dân tộc đồng thời nhằm giáo dục về truyền thống yêu nước của cha ông đối với thế hệ mai sau.