Qui chế về đầu mối kiểm soát thủ tục hành chính

Cải cách hành chính được Đại hội Đảng bộ Thành phố xác định là một trong 7 chương trình đột phá từ nay đến năm 2020. Để có thể tạo ra những bước đột phá thực sự, thành phố đang nỗ lực cải cách ở những vấn đề cụ thể, thiết thực đối với người dân.


Vẫn thiếu những nụ cười

Ngoài việc phải đối diện với thủ tục rắc rối, phiền hà, lâu nay, khi nói đến việc phải đi làm thủ tục hành chính (TTHC), người dân vẫn thường ám ảnh bởi thái độ của nhân viên công quyền. Điều này đã trở thành một căn bệnh trầm kha làm xấu đi hình ảnh công chức cũng như các cơ quan hành chính.

Cải cách hành chính không chỉ là dạy cán bộ biết cười, biết nói cảm ơn, xin lỗi với dân mà phải loại bỏ các thủ tục gây phiền hà, khó khăn cho dân... Trong ảnh: Người dân làm thủ tục hành chính tại quận 3.

Không phải không có lý do khiến người dân phải tỏ ra băn khoăn nhiều đến vấn đề TTHC cũng như thái độ phục vụ của công chức. Ngoài một vài địa phương như quận 1, Phú Nhuận, công tác tiếp dân cũng như quy trình giải quyết TTHC được cải thiện, người dân vẫn phản ánh thái độ nói năng “cộc lốc” của các cán bộ, công chức tiếp dân.

Một người dân ở Hiệp Bình Chánh chia sẻ: Tôi đến làm thủ tục xin phép xây dựng tại phường, do không quen thủ tục nên muốn nhờ cán bộ tư vấn thủ tục, tuy nhiên, chỉ mới mở miệng hỏi thăm đã bị nhân viên nhận hồ sơ trả lời cộc lốc “làm ơn coi bảng hướng dẫn…”. Tôi năm nay gần 60 tuổi rồi, cô nhân viên kia cũng chỉ đáng tuổi con, tuổi cháu, nhưng cách ăn nói nghe có vẻ không được nhiệt tình và lễ độ lắm. Giá như cán bộ công chức của chúng ta có thể nhẹ nhàng hơn, hướng dẫn cụ thể hơn để người dân có thể dễ dàng hơn trong khi làm các thủ tục hành chính, vì rằng, không phải ai cũng có thể đọc hiểu đầy đủ bảng hướng dẫn để có thể thực hiện đúng quy trình. Nếu được cán bộ công chức hướng dẫn tận tình, người dân sẽ đỡ mất công đi lại nhiều lần vì làm sai sót, như vậy sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian, công sức cho cả cán bộ cũng như người dân.

Ngày 4/8/2015 UBND Thành phố có Quyết định số /2015/QĐ-UBND ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của cán bộ, công chức làm đầu mối thực hiện nhiệm vụ kiểm soát thủ tục hành chính trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Theo đó, các sở, ban ngành, UBND cấp quận, huyện, phường xã phân công các cán bộ đầu mối nhằm tham mưu thủ trưởng cơ quan, đơn vị tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ kiểm soát thủ tục hành chính như: Xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch kiểm soát thủ tục hành chính; Kế hoạch kiểm tra việc thực hiện thủ tục hành chính hàng năm; Ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc thực hiện hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính tại đơn vị.

Ngược lại, tại UBND phường 2, quận Phú Nhuận, tôi từng chứng kiến một trường hợp, một cụ bà tầm 70 tuổi mang hồ sơ giấy tờ lên làm thủ tục cho con. Tuy nhiên, do bà không phải là người trực tiếp đứng tên nên cán bộ phường không thể làm được thủ tục. Nghe bà trình bày, con bà vì bận đi làm không có thời gian rảnh để đến phường làm thủ tục nên bà phải đi, một cán bộ phường sau khi xem xét hồ sơ đã nói với bà: “Đây là số điện thoại của con, bà về nói lại với con bà là khi nào có ở nhà, ngoài giờ cũng được, báo con biết, con sẽ đến nhà, trực tiếp làm giúp cho, chứ bà mang hồ sơ đến đây phường cũng không thể giải quyết được”. Câu chuyện này khiến tôi thực sự ấn tượng về thái độ phục vụ của một công chức phường, nhưng có lẽ đây vẫn là những trường hợp cá biệt, nên đây đó, người dân vẫn còn phàn nàn về thái độ phục vụ của cán bộ, công chức…

Tăng cường kiểm soát TTHC

Một khảo sát gần đây về cải cách thủ tục hành chính của Báo Tuổi Trẻ cho thấy, người dân có “hai nỗi sợ” khi phải thực hiện các TTHC đó chính là “ngại” thái độ của công chức và sợ thủ tục phiền hà. Nhiều người dân tham gia khảo sát cho biết, mỗi lần đi lên cơ quan hành chính để làm việc, thường họ phải tìm cách liên hệ trước với người quen nhờ giúp đỡ để “họ nói giùm mình một tiếng”. Như vậy được việc sớm, mà cán bộ cũng có thái độ dễ chịu hơn với mình. Đây là tâm lý rất phổ biến của người dân. Tuy nhiên, khoảng 70% cán bộ công chức đều cho rằng người dân không hiểu biết quy trình thủ tục nên mới phải nhờ “trợ giúp”. Bên cạnh đó cũng có nhiều ý kiến thừa nhận tình trạng hồ sơ bị cán bộ làm khó và một phần là do TTHC quá phức tạp, rườm rà… khiến vấn đề cải cách hành chính vẫn chưa đạt hiệu quả cao.

Để nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính, mới đây UBND thành phố ban hành Quy chế hoạt động của cán bộ, công chức làm đầu mối thực hiện nhiệm vụ kiểm soát TTHC tại các sở, ban, ngành, quận, huyện, phường, xã trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Việc thực hiện quy chế này sẽ giúp đánh giá được tác động của TTHC, rà soát đề xuất đơn giản hóa TTHC, xây dựng quyết định công bố TTHC, niêm yết công khai TTHC, kiểm tra việc thực hiện TTHC, tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị của cá nhân, tổ chức về TTHC...

Về vấn đề này, bà Phan Thị Bình Thuận, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP Hồ Chí Minh cho biết: Quy chế này tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, rõ ràng cho tổ chức và hoạt động của cán bộ đầu mối kiểm soát TTHC tại các đơn vị trên địa bàn thành phố. Vì việc thiết lập đội ngũ cán bộ đầu mối tại các đơn vị cũng như hoạt động cụ thể của cán bộ đầu mối trước nay được thực hiện chủ yếu trên cơ sở văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Tư pháp và UBND thành phố, chưa được thể chế hóa đầy đủ, cụ thể tại một văn bản quy phạm pháp luật.

Quy chế này cũng giúp quán triệt nhận thức đúng, đủ về vai trò của cán bộ đầu mối kiểm soát TTHC tại các đơn vị thông qua việc quy định rõ ràng, cụ thể trách nhiệm của cán bộ đầu mối, của cán bộ chuyên môn trực tiếp thực hiện các TTHC; mối quan hệ phối hợp của hai bộ phận. Hiệu quả hoạt động của công tác kiểm soát TTHC, cải cách TTHC của thành phố cũng sẽ được nâng cao, góp phần giải quyết các vấn đề còn hạn chế, tồn tại trong giải quyết TTHC cho người dân tại các cơ quan hành chính. Chính đội ngũ cán bộ đầu mối thực hiện kiểm soát TTHC tại các đơn vị giữ vai trò là bộ phận tham mưu cho lãnh đạo đơn vị triển khai có hiệu quả hoạt động kiểm soát TTHC, cải cách TTHC tại từng đơn vị, góp phần tạo nên hiệu quả chung của công tác cải cách TTHC toàn thành phố.

Trong một lần tiếp xúc cử tri, một cử tri từng kiến nghị ông Lê Thanh Hải - nguyên Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh: “cải cách hành chính không chỉ là dạy cán bộ biết cười, biết nói cảm ơn, xin lỗi với dân mà căn cơ phải loại bỏ các thủ tục gây phiền hà, khó khăn cho dân, phải chuyển từ nền hành chính quan liêu sang nền hành chính phục vụ”.


L. Hiền
Hà Nội thông báo kết quả xác định chỉ số cải cách hành chính
Hà Nội thông báo kết quả xác định chỉ số cải cách hành chính

Ngày 12/10, UBND thành phố Hà Nội đã tổ chức hội nghị “Thông báo kết quả xác định chỉ số cải cách hành chính và đánh giá sự hài lòng của người dân, tổ chức về sự phục vụ của các cơ quan hành chính thuộc thành phố Hà Nội năm 2014”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN